Phương án thi đánh giá chính xác năng lực người học

GD&TĐ - Phương án thi cũng như dự thảo về Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ được Bộ GD&ĐT sớm ban hành với những thay đổi được các thầy cô giáo và nhiều học sinh cho rằng sẽ tác động lớn đến thí sinh, góp phần đánh giá chính xác năng lực học tập của người học nhưng lại không quá nặng nề.

Phương án thi đánh giá chính xác năng lực người học

Đề thi đa dạng hóa kiến thức

Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Nam Định Cao Xuân Hùng cho biết: “Với tiêu chí và mục đích đảm bảo độ phân hóa theo chương trình giáo dục phổ thông hiện hành và từng bước định hướng nội dung theo lộ trình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới, đề thi đang hướng tới mục đích của tinh thần đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT theo tinh thần của Nghị quyết 29. Chúng tôi đang chỉ đạo các trường THPT bám sát vào các thông tư, hướng dẫn của Bộ GD&ĐT để kịp thời ôn luyện cho học sinh đạt kết quả thi cao nhất”.

Đúng theo tiêu chí đơn giản, gọn nhẹ, nhưng vẫn đảm bảo việc đánh giá chính xác năng lực của người học - đó là nhận xét của Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Hải Hậu, Nam Định. Ông nói: “Kỳ thi THPT quốc gia 2018 sẽ gồm 5 môn thi: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Khoa học tự nhiên (tổ hợp các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học) và Khoa học xã hội (tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân). Trong đó có 3 bài thi là bắt buộc gồm Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 1 bài thi tự chọn: Bài thi Khoa học tự nhiên hoặc bài thi Khoa học xã hội. Các nhóm kiến thức như vậy, tôi cho là hợp lý vì hình thức thi nhẹ nhàng nhưng vẫn đảm bảo kiểm tra năng lực hiểu biết của học sinh”.

Nhiều thầy cô giáo và cán bộ quản lý giáo dục ở các huyện thị và trường THPT đều đánh giá cao các nội dung của Dự thảo với các quy định liên quan đến thí sinh tự do chưa tốt nghiệp THPT, với các yêu cầu về đăng ký dự thi, thủ tục, thời hạn, điều kiện…

Cụ thể, như quy định về thí sinh tự do ngoài các hồ sơ theo quy định trước đó, phải có thêm giấy xác nhận của trường phổ thông nơi học lớp 12 hoặc nơi đăng ký dự thi về xếp loại học lực đối với những học sinh xếp loại kém. Có giấy xác nhận điểm bảo lưu (nếu có) do hiệu trưởng trường phổ thông nơi thí sinh đã dự thi năm trước xác nhận. Thí sinh đã tốt nghiệp trung cấp nếu không có học bạ THPT hoặc giáo dục thường xuyên thì phải có xác nhận của cơ sở GD&ĐT nơi thí sinh theo học nghề về việc đã hoàn thành các môn văn hóa…

Các quy định này đã đảm bảo đủ những yêu cầu về học lực, nhưng trên tinh thần tạo điều kiện tối đa cho các thí sinh.

Nâng cao chất lượng đầu vào sư phạm

Nhiều chuyên gia tuyển sinh đánh giá cao dự thảo này. Các trường sư phạm sẽ tự xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào và công bố trên trang thông tin điện tử của trường trước khi thí sinh điều chỉnh nguyện vọng. Bộ GD&ĐT chỉ quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với nhóm ngành đào tạo giáo viên ở các trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp. Với các trường xét tuyển dựa trên điểm thi THPT quốc gia, ngưỡng điểm này được Bộ xác định căn cứ kết quả của kỳ thi.

Theo NGND Lưu Xuân Giới (tỉnh Quảng Ninh): Với dự thảo quy định mới từ năm 2018, khung điểm ưu tiên theo đối tượng và khu vực, mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa hai khu vực kế tiếp là 0,25 điểm. Quy định này đã đảm bảo tính công bằng tốt hơn vì như quy định cũ, mức điểm chênh lệch điểm trúng tuyển giữa hai khu vực kế tiếp là 0,5 điểm. Như vậy, mức điểm chênh lệch này đã giảm 0,25 điểm so với các năm trước đây. Thực tế cho thấy nhiều năm nay việc thực hiện quy định cũ với mức chênh lệch ưu tiên tới 0,5 điểm thì đúng là có những thí sinh thiệt thòi thật. Quy định mới như vậy theo tôi là đã đảm bảo sự công bằng hơn giữa các thí sinh ở các vùng miền khác nhau.

Nhiều giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục hết sức đồng tình với quan điểm này, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Vĩnh Phúc Hoàng Minh Quân cho rằng: Quy định thí sinh phải đạt học lực giỏi mới được xét vào đại học sư phạm là bước đi quyết liệt nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ.

Ông cũng hết sức đồng tình với việc quy định các trường đào tạo sư phạm có thể mở rộng diện xét tuyển thẳng đối với các học sinh đã tốt nghiệp trường THPT chuyên của các tỉnh vào các ngành phù hợp với môn học chuyên hoặc môn đạt giải. Nếu theo như quy định xét tuyển thẳng trình độ ĐH, CĐ vào các ngành sư phạm các năm trước đây, chỉ học sinh đạt thành tích trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia, quốc tế mới được ưu tiên xét tuyển thẳng thì các trường sư phạm bị bó hẹp cửa tuyển, với quy định mới này, cửa xét tuyển sẽ rộng hơn và vẫn chọn lựa nguồn tuyển chất lượng, đây là điều nên làm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ