Trong tham luận tại Hội thảo khoa học quốc tế “Kinh nghiệm của Malaysia và Singapore về đào tạo, bồi dưỡng giáo viên phổ thông, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục phổ thông và giảng viên sư phạm", TS. Nguyễn Thị Kim Dung (Viện Nghiên cứu sư phạm, Trường ĐHSP Hà Nội) cho biết:
Kế hoạch phát triển giáo dục 2006 - 2010 của Malaysia đã xác định: Chính sách của Bộ Giáo dục là nâng cao nghề giáo bằng cách cải thiện chất lượng giáo viên, nâng cao vị thế nghề giáo và cải thiện phúc lợi cho giáo viên. Mục đích của Bộ Giáo dục là đưa nghề giáo trở thành một nghề được tôn trọng và đánh giá cao theo đúng như niềm tin đặt ra đối với giáo viên trong việc thực hiện vai trò của mình là xây dựng dân tộc.
Chính vì thế, một trong những hành động đầu tiên mà Bộ Giáo dục nước này thực hiện là xây dựng Chuẩn nghề nghiệp giáo viên vào năm 2009 – trở thành nước đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á áp dụng chuẩn nghề nghiệp giáo viên dựa vào năng lực.
Theo TS. Nguyễn Thị Kim Dung, khung chuẩn nghề nghiệp giáo viên Malaysia bao gồm 3 chuẩn chính:
Chuẩn 1: Các giá trị nghề nghiệp. Đó là những giá trị mà người giáo viên phải nắm giữ và phát triển để họ có thể góp phần hiệu quả hơn vào hoạt động nghề nghiệp nhằm đạt được mục tiêu giáo dục quốc gia.
Chuẩn 2: Kiến thức và sự am hiểu về giáo dục, môn học, chương trình và hoạt động ngoại khóa. Giáo viên cần phải có kiến thức vững chắc để nâng cao tính chuyên nghiệp trong giảng dạy, thực hiện các nhiệm vụ của mình một cách hiệu quả và đổi mới, sáng tạo hơn.
Chuẩn 3: Các kĩ năng dạy - học. Chuẩn này tập trung vào năng lực của giáo viên trong việc lập kế hoạch, thực hiện và đánh giá hoạt động dạy - học cũng như các hoạt động ngoại khóa. Mỗi chuẩn từ 3 - 8 năng lực và viết dưới dạng mô tả.
Chuẩn nghề nghiệp giáo viên do bộ phận đào tạo giáo viên của Bộ Giáo dục Malaysia (MOE) xây dựng. Chuẩn nghiệp giáo viên được coi như là những chỉ dẫn để giáo viên phát triển các giá trị nghề nghiệp và kiến thức chuyên môn.
TS. Nguyễn Thị Kim Dung cho biết: Đối với các cơ sở đào tạo giáo viên thì chuẩn nghề nghiệp giáo viên phải giữ vai trò quan trọng trong hoạt động đào tạo trong kỉ nguyên dựa vào chuẩn.
Tất cả giảng viên sư phạm phải nắm rõ chuẩn nghiệp giáo viên và kết nối với đào tạo theo năng lực dựa vào chuẩn để làm sao sinh viên sư phạm - những giáo viên trẻ ra trường có chầt lượng góp phần vào việc cải thiện và nâng cao chầt lượng giáo dục.
Các cơ sở đào tạo giáo viên phải sắp xếp lại và cấu trúc lại chương trình và nội dung một cách cơ bản, trong đó đặc biệt là việc vượt qua được những niềm tin, giá trị và các tư tưởng cũ đã ăn sâu trong sinh viên sư phạm như từ quan niệm truyền thống đến dạy học dựa vào năng lực, người học là trung tâm.