Phát huy dân chủ trong toàn bộ quá trình đổi mới GD-ĐT

GD&TĐ - Cô Nguyễn Thị Thu Hằng - Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp Thái Nguyên thẳng thắn nêu quan điểm: Không thể đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục nước nhà nếu chúng ta không thực sự xem dân chủ là mục tiêu, phương thức, động lực của việc đổi mới, phát triển GD-ĐT.

Dân chủ: Mục tiêu của đổi mới giáo dục. Ảnh: Minh Phong
Dân chủ: Mục tiêu của đổi mới giáo dục. Ảnh: Minh Phong

Phát triển năng lực, phẩm chất làm chủ của người học

Phát triển năng lực người học, năng lực làm chủ cho mọi người, mọi công dân để họ là chủ, làm chủ thực sự đã trở thành mục tiêu và sứ mệnh vẻ vang của nền giáo dục Việt Nam trong điều kiện mới.
Cô Nguyễn Thị Thu Hằng

Theo cô Nguyễn Thị Thu Hằng, nền giáo dục dân chủ thể hiện ở những điểm chính bao gồm: Đảm bảo tính dân chủ trong học tập như: Hăng hái, thông suốt: dấu hiệu bản chất của dân chủ trong giáo dục; Mối quan hệ biện chứng giữa học - tập; Đảm bảo tính dân chủ trong hoạt động quàn lý trường học; Dân chủ trong xây dựng kế hoạch; Dân chủ trong lề lối làm việc; Dân chủ trong tự phê bình và phê bình.

Cô Hằng phân tích: Nghị quyết Trung ương 8 khoá XI của Đảng về đổi mới GD-ĐT có nhiều điểm mới. Trong đó, đáng chú ý là: phát triển GD-ĐT phải gắn với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc; với tiến bộ khoa học và công nghệ; phù hợp quy luật khách quan.

Chuyển phát triển GD-ĐT từ chủ yếu theo số lượng sang chú trọng chất lượng và hiệu quả, đồng thời đáp ứng yêu cầu số lượng. Chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học... Bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa trong phát triển GD-ĐT. Thực hiện dân chủ hoá, xã hội hoá GD-ĐT...

Như vậy, có thể xem phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học, đáp ứng yêu cầu phát triển xã hội là triết lý đổi mới, phát triển GD-ĐT lần này. Đổi mới GD-ĐT phải hướng đến mục tiêu phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học, nhất là năng lực làm chủ, phẩm chất làm chủ để đáp ứng yêu cầu xây dựng xã hội “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công băng, văn minh”.

Bằng giáo dục, qua giáo dục, nhờ giáo dục mà những năng lực sẵn có của người học được khơi dậy và phát huy. Ảnh: Minh Phong
Bằng giáo dục, qua giáo dục, nhờ giáo dục mà những năng lực sẵn có của người học được khơi dậy và phát huy. Ảnh: Minh Phong

Giáo dục khơi dậy năng lực sẵn có của người học

Những tri thức dân chủ, giá trị dân chủ, thái độ, kỹ năng làm chủ phải được dạy, được học, được thực hành trong nhà trường, trong các cơ sở GD-ĐT. Nhờ giáo dục, bằng giáo dục, qua giáo dục, người học tự tin và tự chủ, làm việc sáng tạo và hiệu quả hơn, có thêm tri thức và kỹ năng sống để sống tốt hơn.
Cô Nguyễn Thị Thu Hằng

Cũng theo cô Nguyễn Thị Thu Hằng, việc đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục phải bảo đảm mục tiêu: “Giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; yêu gia đình, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào; sống tốt và làm việc hiệu quả”.

Bằng giáo dục, qua giáo dục, nhờ giáo dục mà những năng lực sẵn có của người học được khơi dậy và phát huy. Người học phải không ngừng tiến bộ về mọi mặt, trong đó nhấn mạnh sự tiến bộ về kỹ năng thực hành, năng lực làm chủ và phẩm chất làm chủ.

Theo lứa tuổi và trình độ, người học từng bước vươn lên làm chủ các loại tri thức, làm chủ các loại kỹ năng; biết rõ quyền lợi và nghĩa vụ của mình trong quan hệ với tự nhiên và các quan hệ xã hội trên các lĩnh vực đòi sống.

Đó là những năng lực và phẩm chất công dân cần có của một xã hội hiện đại, văn minh, dân chủ. Đó là tri thức, năng lực, kỹ năng để mỗi người, mỗi công dân sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật.

Tuân thủ triết lý, hướng theo mục tiêu nói trên đòi hỏi toàn bộ quá trình đổi mới, phát triển giáo dục và đào tạo phải thực sự dân chủ hoá. Nội dung, chương trình, hình thức tổ chức, phương pháp giáo dục, kiểm tra, đánh giá; quan hệ dạy - học quan hệ tổ chức quản lý cũng phải hiện đại hoá, dân chủ hoá.

Người dạy, người quản lý, nhà trường, Nhà nước, cá nhân, tổ chức, đơn vị sử dụng nhân lực, gia đình, cộng đồng, xã hội... được tự do, tự chủ phát huy năng lực sáng tạo theo chức năng, nhiệm vụ của mình nhằm đóng góp hiệu quả nhất cho việc phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước.

Theo đó, các tầng lớp nhân dân, nhất là đông đảo nhân dân lao động, tùy theo điều kiện, nhu cầu, năng lực có thể học tập và học tập suốt đời. Học để làm người, để làm việc, để làm chủ, để chung sống. Đó là những biểu hiện cơ bản nhất, khái quát nhất của dân chủ trong nhà trường và dân chủ trong GD-ĐT.

Đó là tính nhân dân, định hướng xã hội chủ nghĩa của nền giáo dục dân chủ hiện đại. Với ý nghĩa đó, dân chủ được xem là mục tiêu đổi mới giáo dục lần này. Xa rời mục tiêu ấy, không thực hiện được mục tiêu ấy có nghĩa là việc đổi mới giáo dục còn nửa vời, chưa đến nơi, chưa triệt để, chưa căn bản, chưa toàn diện.

"Để có một nền giáo dục hiện đại, dân chủ, tiên tiến, làm tốt sứ mệnh phục vụ công cuộc xây dựng, phát triển nền dân chủ xã hội chủ nghĩa củaa đất nước thì con đường và phương thức căn bản là phát huy dân chủ, thực hành dân chủ trong từng bước, từng khâu và trong toàn bộ quá trình đổi mới GD-ĐT. Với ý nghĩa đó, dân chủ chính là phương thức, động lực to lớn để đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam" - Cô Nguyễn Thị Thu Hằng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hiểu lầm là một trong những nguyên nhân chính hủy hoại hôn nhân. (Ảnh: ITN).

'Kẻ thù giấu mặt' phá hoại hôn nhân

GD&TĐ - Hôn nhân, sự kết hợp giữa tình yêu và sự cam kết thường phải đối mặt với những thách thức có thể làm suy yếu sự ổn định của nó.