(Ghi theo lời kể của chị Nguyễn Phụng Hoàng)
(GD&TĐ) - Nghe câu hát “Trời đất Hà Tây quê em dệt lụa” làm tôi lại nhớ tới hình ảnh người nữ bác sỹ Nguyễn Phụng Hoàng quê ở Hà Tây (nay là Hà Nội) đã tham gia phục vụ chiến trường B năm xưa, thuộc Ban dân y Khu 10 (tỉnh Bình Phước).
Chị Nguyễn Phụng Hoàng nguyên là nữ sinh Trưng Vương 3A Hà Nội, học đại học y khoa trở thành bác sĩ, đi phục vụ công tác tại Ban dân y khu 10 (Bình Phước) năm 1968. Gặp lại chị Phụng Hoàng, chị của người bạn tôi rất mừng, được nghe chị kể câu chuyện ở chiến trường xưa rất thú vị và xúc động. Chị bảo người ta cứ gọi đùa chị là “Phượng Hoàng”. Tôi bảo: “Ừ thì Phượng Hoàng cũng được đã sao”. Con chim Phượng Hoàng đã giang rộng đôi cánh bay đến chiến trường B (Bình Phước), nơi có hai bài hát “Tiếng chày trên sóc Bom Bo” và “Mỗi bước anh đi”, để làm nhiệm vụ cao cả mà Đảng và nhà nước giao cho. “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, thật đáng tự hào.
Chị đi B đúng vào ngày 23/9/1968. Cái ngày mang hai ý nghĩa lịch sử, mang tầm vóc lớn của thời đại đó là ngày Nam kỳ khởi nghĩa, nhưng cũng là khi quân dân ta tiến hành cuộc Tổng tiến công mùa xuân 1968 được gần một năm.
Khung cảnh chiến trường đổ nát tan hoang Bù Đốp Ảnh: Bettmann/Corbis |
Chị kể lại “ở chiến trường sau ngày Bác mất, đau buồn nặng trĩu, địch thừa cơ lúc ta gặp những biến động về mặt tình cảm tâm lý thì chúng đánh mạnh, tấn công liên tục kéo dài gây tâm lí mệt mỏi để lung lạc ý chí. Bọn chúng bao vây phong toả mọi mặt, oanh tạc dữ dội Đường mòn Hồ Chí Minh, đánh triệt các đầu mối tiếp tế, tiêu diệt mọi nguồn lương thực,… chúng đánh bằng đủ mọi phương tiện hiện đại: máy bay, xe tăng, bom pháo ngoài ra còn thám báo, biệt kích. Dùng máy bay do thám dò tìm khói lửa, cắt bom B57 đánh trộm, thả cây nhiệt đới hệt một chiếc lá dính trên cành cây (một thiết bị điện tử thu tiếng động, tiếng nói) để định vị tọa độ gọi B52 đến thả bom huỷ diệt.
Mỗi trận B52 có 22 đợt bom dồn dập trải thảm, không kịp chạy cả đoàn quân có thể chết hết không còn ai. Có lần máy bay trinh sát của địch, bay ngang qua một cái rẫy trống, chúng nhìn thấy một chiếc mũ tai bèo đội trên ngọn súng cắm gần gốc cây cụt nằm giữa rẫy trống vắng (do có người tinh nghịch mà không biết sự nguy hiểm sẽ đến). Quả nhiên bọn địch nhìn thấy, chúng gọi trực thăng đến uy hiếp lấy đi chiếc mũ và khẩu súng. tưởng đã yên, nào ngờ chúng kéo đến cả một đàn trực thăng như ong vỡ tổ. càn suốt một ngày không bắt được ai chúng đành rút quân về dập pháo, đêm đó mọi người phải ngủ hầm, chúng đốt hết cả lúa, tiếp đó là rải chất độc hoá học hủy diệt, đói kéo dài. trực thăng địch xà thấp xuống gọi loa kêu gọi đầu hàng.
“Có lần vì phải đỡ đẻ một ca cho dân, cả đoàn đi trước, còn lại một mình chị đi tiếp cho kịp đoàn, nhưng lại bị lạc vào đường voi đi nên mình phải rất tỉnh táo, bình tĩnh tìm đường ra mất một ngày căng thẳng, đói khát, tắt nắng mới tìm thấy đường mòn, tìm suối vục mặt xuống uống cho đỡ cơn khát”. Chị tâm sự với người bạn “Mệt hết cỡ, đói khát suốt một ngày, người bã chân tay bủn rủn phát sốt, nếu không gặp người thì chết đói không ai biết, nếu gặp địch hay cọp thì đã xong luôn rồi, nếu mất tích không tìm thấy xác thì người ta nghĩ đầu hàng theo địch!” đi phục vụ chiến trường vất cả gian khổ nhưng nhiều khi người ta không biết đến “những cơn sốt rét rừng bất chợt ập đến ào ào như một cơn bão, lạnh từ bên trong ra ngoài run lập cập!”. Những lúc ấy chị chỉ mong muốn có người yêu hay người thân bên cạnh để sưởi ấm và đốt lửa cho chị đỡ trống trải. “Mùa mưa 1970 địch đánh lớn, càn liên tục, quyết đánh bật quân ta ra khỏi địa bàn. Chạy càn vào mùa mưa gian khổ, cực hết chỗ nói, phải luồn rừng chạy trốn, trên đầu thì máy bay bom đạn, dưới chân bùn lầy, vắt, người ẩm ướt suốt cả ngày, vai mang nặng đủ thứ, chân lấm bùn và máu vắt lẫn lộn, cứ thế bọc ni lông leo lên võng ngủ”.
Đi đường dài, qua nhiều địa hình phức tạp, mỗi lần vượt đường quốc lộ là một lần căng thẳng hồi hộp, phải ém quân ở bìa rừng chờ chiều xuống địch đi tuần thưa dần, giữa hai xe đồi gác của địch có một khoảng trống rất ngắn, phải vượt đường vào đúng thời điểm đó, chờ xe vừa khuất nhìn hiệu lệnh của chỉ huy từng người băng qua lộ thật nhanh, chỉ từng người, dứt người này mới đến người kia phải hết sức kỷ luật vì có thể chết cả đoàn nếu bất ngờ địch quay lại hoặc phía sau có xe tới gấp chạy không kịp, đoàn người còn có trẻ con được ẵm qua lộ rất nguy hiểm.
Một đơn vị chuyển quân trong đêm chỉ được nghỉ 15 phút, lại đi tiếp. Có chiến sĩ sốt rét nặng mắc võng nằm mê mệt, đoàn quân tiếp tục đi, anh ta bị bỏ sót lại. Sáng hôm sau, đơn vị cho người quay lại tìm thì thấy anh nằm dưới đất mê man bất tỉnh, mối bò lên khắp người, cứu được anh mặt mày nhan nhở vì mối xông. Một đơn vị hành quân qua rừng sâu gặp một cái kho bị bỏ quên, họ lấy ra nào là gạo, lương khô, sữa bột, bột cá, tha hồ ăn xả láng. Một đơn vị khác gặp một cái kho có người gác, thủ kho mừng lắm vì đã 3 năm chưa gặp ai không được nghe tiếng nói, nhờ quân đi qua mới biết chiến dịch đã mở và người chiến sĩ gác kho tìm cách liên lạc với đơn vị, nhờ kho lương thực mà lính không bị chết đói. Có lần một tốp 7 người đi tải gạo phải vượt qua bãi cỏ tranh rất rộng mất độ 20 phút. Mới đi đến nửa chừng thì nghe tiếng máy bay do thám ì...ì... chạy tới chạy lui đều không xong, may thay gần bãi cỏ tranh có một cái dù để không, chỉ việc chạy tới núp vào trong cái dù máy bay do tham lượn trên đầu rất chậm và thấp. Trong chiếc dù nắm chặt tay nhau giữ dù không cho gió thổi chiếc dù phồng lên xẹp xuống nhiều lần, máy bay rà soát rất kỹ hồi lâu rồi bỏ đi, tất cả chạy ào vào bìa rừng thở phào hút chết.
Ở rừng chỉ có rau rừng: rau tàu bay, rau lang, đọt sắn, đọt mây măng, sang nhất là lá bép (món đặc sản). Cuộc sống ở chiến trường rất gian khổ, có những đợt đói kéo dài lay lứt đến vài tháng không có lương thực và không có cả muối nữa. Đói cơm lạt muối sinh phù người yếu xỉu đi không vững, sau trận bom địch đánh Lộc Ninh, bệnh nhân đưa vào bệnh viện Lộc Tấn rất đông, ở khu điều trị của một bác sỹ khác có một bệnh nhân nam còn trẻ la hét suốt ngày đêm, đã hai ngày chưa tìm ra nguyên nhân, họ chuyển sang chỗ chị, các dấu hiệu bệnh chưa rõ, chị phải tìm cho ra nguyên nhân để chữa trị. Chị đã ra một quyết định táo bạo lột hết quần áo và cạo trọc đầu thì lộ ra nhiều vết thương ở da đầu (hàng chục vết), các mảnh vụn của thuỷ tinh và những cái dằm gỗ nhỏ cài vào da đầu, từ đỉnh đầu xuống tận gáy, chỉ cần gắp hết dị vật rửa sạch, chống nhiễm trùng là bệnh nhân hết la hét, vết thương sẽ tiến triển tốt.
2310 ngày tính từ (23/9/1968 - 30/4/1975) ở chiến trường gian khổ ra căng thẳng thì thấy tên mình ở Ty cảnh sát danh sách được lưu ý, may mà chị chưa bị bắt, hơn nữa chị chưa bị mất ba lô khi địch càn vào căn cứ nên giấy tờ không bị lọt vào tay địch. Ở khu 10 tại Bù Đốp, chị là nữ bác sĩ duy nhất. Tiếng đồn sang khu 6 và vào “R”, thế là họ nhận người đồng hương cùng phố, gần nhà.
Cái gian khổ của người lính ở chiến trường thì ai cũng biết thiếu thốn về vật chất, căng thẳng về tinh thần. Chị không phải là người lính, song chị là bác sĩ phục vụ quân dân ở chiến trường thì cũng được coi là người lính không đeo quân hàm, không mặc quần áo quân phục màu rêu nhưng nếm mùi gian khổ thì không kém “Ăn không thấy ngon, ngủ không được yên giấc” . Chính lý tưởng đã đặt chị vào vị trí xứng đáng biết sống “Sống đẹp là thế nào bạn hỡi”, biết hy sinh, cống hiến cuộc đời của mình cho tổ quốc: “Ôi tổ quốc nếu cần ta chết / Cho mỗi ngôi nhà ngọn núi con sông”.
Nguyễn Ngự Bình