Nên làm gì khi con xem phim 18+?
Với nhiều bậc phụ huynh, giai đoạn dậy thì của con trẻ thường kéo theo không ít nỗi lo, từ việc học tập tới đời sống. Những tò mò về tính dục/giới tính cũng như ham muốn về tình dục là trăn trở của không ít bậc làm cha mẹ ở thời điểm này.
Cách hành xử của phụ huynh khi phát hiện con xem những nội dung không lành mạnh sẽ tác động đến tâm lý của trẻ. Vì quá lo lắng, nhiều bậc phụ huynh gây áp lực lên trẻ, có những hành động cấm đoán, mắng nhiếc.
Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ tâm lý học Đỗ Ngọc Khanh (Trưởng ban Cuộc sống và Nghệ thuật - Dewey Schools), các bà mẹ đều mong muốn con được an toàn, có hành vi sức khỏe tình dục lành mạnh. Tuy nhiên, phản ứng tiêu cực sẽ phản tác dụng và làm xấu đi mối quan hệ của cả hai bên.
“Trong tình huống này, điều quan trọng là phụ huynh phải giữ được bình tĩnh bằng cách tự hỏi bản thân mình lo lắng điều gì, liệu những điều mình lo lắng có thực sự nguy hiểm như cách mình nghĩ, mình có đang trầm trọng hóa vấn đề không?
Hãy hít thở sâu và nghĩ tới những câu hỏi “Mình thực sự muốn gì? Có cách nào để đạt được điều mình mong muốn? Lợi ích và rủi ro ra sao? cách nào sẽ đem lại nhiều lợi ích lâu dài nhất sẽ là cách phù hợp nhất”- Phó giáo sư Đỗ Ngọc Khanh chia sẻ.
Cũng theo chuyên gia Đỗ Ngọc Khanh, khi con xem phim người lớn, đó là chỉ dấu cho biết con đã tới giai đoạn tò mò về tính dục/tình dục/giới tính. Nhìn ở một khía cạnh tích cực, phụ huynh biết rằng đã tới lúc mình cần "hành động" - không phải cấm đoán mà là giáo dục.
Cha mẹ cũng cần thừa nhận việc con tò mò xem các sản phẩm gắn mác 18+ là điều bình thường và phù hợp với tâm lý của trẻ ở độ tuổi đầy tò mò, muốn khám phá mọi thứ.
Khi cha mẹ hiểu được như vậy, con cái thấy được chấp nhận và tin tưởng để có thể nói chuyện thoải mái với cha mẹ. Từ đó cha mẹ có thể cùng với con tìm hiểu, đặt câu hỏi để con trả lời, tiếp cận những vấn đề về tình dục, giới tính một cách nghiêm túc.
“Cha mẹ hãy xem đây là cơ hội để giáo dục con về giới tính, dạy con cách vệ sinh và, trò chuyện với con về những giới hạn, sự đồng thuận. Hãy nói chuyện với con theo cách đây không phải chuyện gì kinh khủng mà là một chuyện hết sức bình thường để con không cảm thấy xấu hổ. Kỹ năng lắng nghe tích cực rất phù hợp trong trường hợp này. Hãy nhớ rằng mọi hành động không phù hợp để có thể gây tổn thương cho trẻ, tạo ra những cảm xúc tiêu cực không đáng có.” - chuyên gia Đỗ Ngọc Khanh nhấn mạnh.
An toàn trên không gian mạng cho trẻ
Bên cạnh sự quan tâm của cha mẹ, việc trẻ có kiến thức về an toàn trên không gian mạng là điều cần thiết. Tại nhiều trường học, các kiến thức về an toàn trên không gian mạng đã được đưa vào giảng dạy từ rất sớm.
Theo cô Nguyễn Thị Thuý, giáo viên Văn - Tiếng Việt, Trường The Dewey Schools, internet không chỉ mở ra cơ hội học tập, kết nối, không gian mạng, mà còn tiềm ẩn nhiều rủi ro cho trẻ.
“Sự bùng nổ của các mạng xã hội dưới nhiều hình thức mở ra không gian cho trẻ khám phá nhưng ở chiều ngược lại, trẻ cũng có thể bắt gặp những hình ảnh kinh dị, khiêu dâm dễ gây ám ảnh hoặc tò mò. Trẻ em cũng là đối tượng nhiều kẻ xấu nhắm tới trên mạng xã hội.
Ngoài ra, trong những năm gần đây, vấn đề bắt nạt trên mạng xã hội cũng phổ biến và tinh vi hơn, tập trung vào tâm lý của trẻ. Trong thời đại fake news xuất hiện ngày càng nhiều, khi trẻ chưa có đủ kiến thức về tiếp nhận thông tin, việc tiếp xúc với nhiều thông tin sai lệch cũng khiến trẻ bị ảnh hưởng.”- cô Nguyễn Thị Thúy cho hay.
Để sử dụng mạng xã hội an toàn cho trẻ, ngay từ tiểu học, học sinh đã được hướng dẫn những quy tắc sử dụng mạng xã hội an toàn. Đây là cẩm nang quan trọng không chỉ cho học sinh mà ngay cả với các bậc phụ huynh - những người đang thực hiện vai trò hỗ trợ, giám sát và giáo dục trẻ. Ngoài ra, giáo viên cũng đưa ra những khuyến cáo cho việc sử dụng mạng xã hội của trẻ.
Theo kinh nghiệm từ cô Thuý, để bảo đảm an toàn trên không gian mạng, học sinh chỉ nên sử dụng mạng xã hội vào những lúc cần thư giãn sau giờ học tập, làm việc căng thẳng nhưng cần khống chế thời gian (tối đa 10 - 15 phút), chỉ quan tâm những thứ hữu ích, thiết thực không nên lan man; hạn chế bình luận, không nên chỉ trích, phán xét và tôn trọng người khác trong giao tiếp.