Dạy học trực tuyến là một xu hướng tất yếu của xã hội
Theo dõi phiên chất vấn, các cử tri TP Đà Nẵng bày tỏ sự quan tâm đến các vấn đề ảnh hưởng của dịch Covid-19 và nâng cao chất lượng dạy, học trực tuyến cho học sinh.
Theo ông Đặng Công Thành (thôn Túy Loan Đông 1, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) có con đang lớp 12 - cho hay, trong lĩnh vực giáo dục, cần lồng ghép giữa việc dạy văn hóa với dạy kỹ năng sống, đạo đức, ứng xử cho học sinh.
Ông Thành cho rằng, ông cũng đồng tình với quan điểm của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn về việc tiếp tục nâng cao chất lượng dạy, học trực tuyến và giữ nguyên các kỳ thi, kiểm tra kiến thức. Theo ông Thành, dẫu còn nhiều khó khăn trong học trực tuyến nhưng vẫn phải học tới đâu kiểm tra tới đó, có kết quả kiểm tra cụ thể mới đánh giá đúng được năng lực của học sinh.
Trao đổi với Báo GD&TĐ, thầy Nguyễn Đình Hòa – Tổ trưởng tổ Văn trường THPT Trần Phú (TP Đà Nẵng) cho rằng, dạy học trực tuyến là một xu hướng tất yếu của xã hội, đặc biệt trong tình hình dịch bệnh hiện nay thì dạy học trực tuyến là giải pháp phù hợp nhất.
“Vì thế, bản thân tôi đồng tình với ý kiến của Bộ trưởng là nâng cao chất lượng dạy, học trực tuyến. Đây là một chiến lược lâu dài chứ không chỉ là giải pháp mùa dịch. Về việc giữ nguyên các kì thi, kiểm tra kiến thức tôi cũng hoàn toàn đồng tình bởi đơn giản đã học thì phải có kiểm tra đánh giá. Có kiểm tra đánh giá mới biết được mức độ nắm bắt kiến thức, hình thành năng lực, phẩm chất của người học đến mức độ nào để có phương pháp dạy học phù hợp tiếp theo”, thầy Hòa chia sẻ.
Thầy Hòa cũng cũng cho rằng, tuy nhiên, mức độ của các kì thi, kiểm tra cần điều chỉnh mức độ, cách thức thực hiện cho phù hợp. Bởi ngay ý kiến trên, Bộ trưởng cũng nhận ra, dạy, học trực tuyến hiện nay chất lượng chưa như mong đợi. Đặc biệt với các em nhỏ đầu cấp tiểu học thì càng phải lưu ý hơn nữa.
“Cũng có con trong độ tuổi học sinh, nên tôi mong muốn không chỉ Bộ GD&ĐT mà các Bộ, ngành liên quan sẽ giúp khắc phục một số tồn tại như: cơ sở hạ tầng viễn thông, thiết bị dạy – học trực tuyến, cơ sở vật chất dạy học trực tiếp – đặc biệt là những vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn… Điều này thì Bộ GD&ĐT không thể đơn độc thực hiện được.
Ngoài ra, Bộ GD&ĐT ngoài việc đã ban hành chương trình giảm tải khi dạy học trực tuyến cũng có những hướng dẫn cụ thể về kiểm tra đánh giá phù hợp với tình hình thực tiễn. Làm sao cho các em học sinh được vận động, giao tiếp, tương tác nhiều hơn, ít lệ thuộc vào máy móc công nghệ. Các em không chỉ cần có kiến thức mà cần cả hình thành những phẩm chất, năng lực mà chỉ qua trải nghiệm thực tế đời sống mới rút ra được. Bản thân tôi cũng rất lo lắng khi các con dành phần lớn thời gian dán mắt vào màn hình máy tính”, thầy Hòa nói.
Cần thoát li mẫu để đạt được sự sáng tạo
Về vấn đề Bộ GD&ĐT chỉ đạo không soạn văn mẫu trong giảng dạy môn Ngữ văn, thầy Hòa cho rằng, bản thân đã nhiều năm giảng dạy môn Ngữ văn đồng thời là giáo viên bồi dưỡng học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 12, thầy luôn có quan niệm không cung cấp văn mẫu cho học trò.
“Những tài liệu tôi cung cấp cho các em chủ yếu là những tài liệu viết về những đơn vị kiến thức cơ bản. Nhiệm vụ của các em khi học môn Văn là sử dụng ngôn ngữ để chuyển tải những đơn vị kiến thức đó đến người đọc một cách hay nhất và phù hợp với những năng lực, phẩm chất của mình nhất”, thầy Hòa giải thích.
Thầy Hòa cũng cho rằng, mỗi bài văn sẽ mang dấu ấn riêng về sử dụng từ ngữ, diễn đạt, suy luận, cảm xúc… của từng cá nhân. Và khi đó, môn Ngữ văn sẽ giúp phát huy những năng lực ngôn ngữ, năng lực văn chương của người học để người học ứng dụng vào thực tiễn đời sống.
“Tuy nhiên, tôi không hoàn toàn phủ nhận văn mẫu. Bản chất của việc học đầu tiên là sự bắt chước, muốn bắt chước phải có mẫu. Dạy làm bánh, dạy múa, dạy lắp ráp máy móc… cũng cần có mẫu để người học làm theo. Nhưng sau đó, phải thoát li khỏi mẫu để vận dụng vào thực tiễn với vô vàn tình huống.
Đặc biệt, trong môn Ngữ văn, cần thoát li mẫu để đạt được sự sáng tạo, để hình thành năng lực ngôn ngữ, năng lực văn chương cho chính người học”, thầy Hòa lý giải.