Mục tiêu đề ra nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm và năng lực hành động của cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên, người lao động và HS, SV (sau đây gọi chung là thành viên trong trường) trong công tác phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật. Phòng ngừa hiệu quả, làm giảm tội phạm, vi phạm pháp luật trong HS, SV, góp phần xây dựng môi trường GD an toàn, lành mạnh, thân thiện.
Cụ thể sẽ phấn đấu để 100% trường học tổ chức tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các thành viên trong trường về phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật, bạo lực học đường trong HS, SV; 100% trường học tổ chức GD pháp luật, GD đạo đức, GD kỹ năng sống và văn hóa ứng xử cho các thành viên trong trường học; Giảm số vụ, số người phạm tội, vi phạm pháp luật trong HS, SV.
Đề án cũng đưa ra nhiều nhiệm vụ và giải pháp thực hiện cụ thể. Theo đó, đáng chú ý là cần phải tổ chức tuyên truyền về phòng ngừa tội phạm và phòng, chống hành vi vi phạm pháp luật trong HS, SV.
Đặc biệt, nội dung tuyên truyền sẽ tập trung vào các quy định của pháp luật về phòng chống tội phạm, các quy chế, quy định về công tác đảm bảo an ninh, trật tự trường học; biện pháp phòng, chống những âm mưu, thủ đoạn hoạt động của tội phạm và sự tác động, lôi kéo đối với HS, SV.
Hình thức tuyên truyền sẽ lồng ghép nội dung tuyên truyền phòng ngừa tội phạm, với các nội dung tuyên truyền về GD an toàn giao thông, phòng, chống bạo lực học đường, phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm và các tệ nạn xã hội khác; hành vi vi phạm pháp luật thông qua các giờ học chính khóa, hoạt động trải nghiệm, hoạt động ngoại khóa, sinh hoạt tập thể của HS, SV; tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề, hoạt động văn nghệ, giao lưu, các cuộc thi tìm hiểu dưới dạng bài viết hoặc sân khấu hóa, vẽ tranh, áp phích, sáng tác, biểu diễn tiểu phẩm... về đề tài phòng ngừa tội phạm HS, SV; tổ chức tuyên truyền, GD thông qua hoạt động của Công đoàn, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Sinh viên Việt Nam, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Đội TNTP Hồ Chí Minh.
Bên cạnh đó, phối hợp với công an địa phương tổ chức các mô hình câu lạc bộ phòng, ngừa tội phạm ở các trường học có đủ điều kiện nhằm phát huy tính chủ động, tích cực của HS, SV tham gia phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật. Chú trọng phát triển và nâng cao chất lượng các mô hình tổ chức tự quản, tự phòng, tự bảo vệ từ gia đình, cộng đồng dân cư và trường học.
Tăng cường phối hợp giữa trường học, gia đình học sinh,các tổ chức đoàn thể, chính quyền địa phương và các lực lượng xã hội trong công tác quản lý, giáo dục học sinh, sinh viên không phạm tội, vi phạm pháp luật, đặc biệt quan tâm đối với học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, có người phạm tội.
Các cơ quan quản lý GD ở địa phương và các cơ sở đào tạo, các trường phổ thông có quy chế phối hợp với các cơ quan chức năng, các tổ chức đoàn thể của địa phương và gia đình HS, SV trong công tác phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật trong HS, SV.
Đặc biệt, đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong công tác quản lý HS, SV, phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật. Xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý thông tin HS, SV phục vụ công tác thống kê, báo cáo về tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến HS, SV; xây dựng tài liệu, tuyên truyền trên hệ thống thông tin điện tử về các loại hình tội phạm mới, tội phạm công nghệ cao để các thành viên trong trường, gia đình HS, SV khai thác, phòng ngừa.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về phòng ngừa tội phạm, vi phạm pháp luật đối với các trường học và HS, SV. Thiết lập kênh thông tin và chế độ báo cáo định kỳ, đột xuất giữa các trường học với cơ quan công an địa phương; giữa trường học với các cơ quan quản lý GD các cấp...