Hút thuốc cho ... giống bạn bè
Trong một lần dọn dẹp nhà cửa, chị Nguyễn Minh Hồng, sống tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, tình cờ phát hiện trong ngăn kéo bàn học của con có một thiết bị nhỏ, dài khoảng 10 cm, có mùi thơm nhẹ.
Lên mạng tìm hiểu thông tin, chị sững người khi biết thiết bị này gọi là một dòng thuốc lá điện tử. Không như các bao thuốc lá điếu, thuốc lá điện tử có kích thước nhỏ, gọn, giống như chiếc USB nên học sinh có thể dễ dàng “qua mắt” phụ huynh, giám thị. Ngoài ra với giá thành dao động từ 100 đến 500 nghìn đồng, nhiều học sinh có thể mua và sử dụng trong thời gian dài.
Sau khi tra hỏi, con trai chị Hồng thừa nhận hút thuốc lá điện tử vì … nhiều bạn cũng làm thế. Do đó, cháu không tìm hiểu kỹ thông tin, tác hại của thuốc và nghĩ rằng thuốc lá điện tử khi hút chỉ có mùi thơm, không gây hại như thuốc lá thông thường.
Chị Hồng chia sẻ: “Tôi không ngờ con lại tập tành hút thuốc sớm như vậy. Từ trước đến nay, tôi chỉ biết có thuốc lá điếu, bây giờ mới biết con có thể sử dụng nhiều loại thuốc lá khác nhau”.
Để con cai thuốc, chị Hồng dành nhiều thời gian trò chuyện về tác hại của thuốc lá, cùng con chơi thể thao hoặc tham gia các hoạt động giải trí lành mạnh như đi xem phim, đi dạo…
Cùng với đó, chị trao đổi với giáo viên chủ nhiệm, nhờ cô quan tâm và chú ý đến hành vi của con trên lớp. Nếu có gì bất thường, cô giáo sẽ phản ánh cho phụ huynh để kịp thời xử lý. Đồng thời, cô giáo cũng nhắc nhở, tuyên truyền cho học sinh về tác hại của thuốc lá, kể cả thuốc lá điện tử.
Trường học tuyên truyền cho học sinh về tác hại của thuốc lá. Ảnh Internet. |
Đẩy lùi tác hại của thuốc lá mới
Là giáo viên Tổng phụ trách Đội tại Trường THCS Hưng Đạo, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên, thầy giáo Phạm Ngọc An cho biết tuyên truyền về phòng chống tác hại của thuốc lá đã được đưa vào chương trình giáo dục từ bậc THCS bằng nhiều hình thức đa dạng, sinh động.
Từ kinh nghiệm cá nhân, thầy An chia sẻ các trường THCS có thể tuyên truyền qua đội tuyên truyền măng non, phát thanh măng non nhà trường về các tác hại của thuốc lá đến sức khoẻ và tinh thần… trong các giờ chào cờ, giờ ra chơi.
Thầy cô lồng ghép bài giảng về tác hại thuốc lá, sưu tầm hình ảnh, video về hậu quả của những người sử dụng thuốc lá trong các môn học hoặc các giờ sinh hoạt lớp, sinh hoạt dưới cờ... Những hình ảnh trực quan, sinh động giúp học sinh nhận thức rõ ràng hơn về sự nguy hiểm của thuốc lá.
Ngoài ra, các trường tổ chức chương trình ngoại khóa, giao nhiệm vụ mỗi lớp dựng vở kịch, video, vẽ tranh về tác hại của thuốc lá, tổ chức cuộc thi viết thư cho người thân tuyên truyền về tác hại của thuốc lá… Những hoạt động trên sẽ góp phần giúp học sinh nâng cao nhận thức và chung tay đẩy lùi tác hại của thuốc lá.
Ngày 22/6, Bộ GD&ĐT đã ban hành Quyết định số 1751/QĐ-BGDĐT phê duyệt Tài liệu hướng dẫn truyền thông về phòng ngừa thuốc lá mới cho học sinh phổ thông. Trong đó, chỉ ra thuốc lá mới được đưa ra thị trường, bao gồm: thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha và các loại khác (thuốc hít, nhai…).
Thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng là hai loại sản phẩm thuốc lá mới có xu hướng sử dụng gia tăng và phổ biến nhất hiện nay trên thế giới và Việt Nam, đặc biệt là ở giới trẻ. Các sản phẩm này hiện không được quy định trong Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, chưa được phép nhập khẩu và kinh doanh tại Việt Nam.
Bộ GD&ĐT đã hướng dẫn các cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch truyền thông về phòng ngừa tác hại của thuốc lá mới trong trường học; đồng thời, hướng dẫn tổ chức một số hoạt động truyền thông về phòng, chống tác hại của thuốc lá trong trường học.
Theo Liên minh Kiểm soát thuốc lá Đông Nam Á, thuốc lá điện tử chứa nicotine, chất gây nghiện cao, là nguyên nhân gây ra các bệnh tim mạch, hô hấp, tiêu hóa và ung thư. Thuốc lá điện tử sử dụng nhiều hương liệu, hóa chất không phải từ nguyên liệu của thuốc lá điếu thông thường. Nguyên liệu phối trộn nhiều loại thành phần khác nhau nên có thể bị lợi dụng pha trộn ma tuý. Đối tượng hướng đến là học sinh, sinh viên, nhất là giới trẻ.