Phòng chống thuốc lá trong trường học: Cảnh giác với thuốc lá thế hệ mới

GD&TĐ - Vài năm gần đây, tuyên truyền phòng, chống thuốc lá trong trường học, các cơ sở giáo dục đã đưa thêm thông tin về những tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha... để cảnh báo cho HS,GV...

Trường THCS Nguyễn Huệ (Đà Nẵng) mời báo cáo viên là lực lượng công an để tăng hiệu quả tuyên truyền về phòng chống ma túy và các chất gây nghiện
Trường THCS Nguyễn Huệ (Đà Nẵng) mời báo cáo viên là lực lượng công an để tăng hiệu quả tuyên truyền về phòng chống ma túy và các chất gây nghiện

Cần sự sát sao từ gia đình

Chị T.L. (trú phường An Hải Đông, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) tình cờ phát hiện con trai đang học lớp 9 sử dụng thuốc lá điện tử trong một lần đem xe đạp điện của con đi sửa. “Lúc đó, mình sốc thật sự điếng người luôn. Không nghĩ là con tập tành hút thuốc sớm vậy” – chị L. kể.

Lấy lại được bình tĩnh, chị L. gọi điện thoại cho cô giáo chủ nhiệm nhờ cô tư vấn, tìm ra giải pháp phù hợp để khuyên nhủ, cùng con thoát ra được khói thuốc. “Nhờ những chia sẻ của cô giáo, mình dành nhiều thời gian cho con hơn, động viên con tập trung học tập, chơi thể thao và chọn những hình thức giải trí phù hợp như xem phim, nghe nhạc… Rất may là gia đình phát hiện sớm, tìm được lời khuyên có giá trị”.

Phương pháp “cùng tham gia” được các báo cáo viên sử dụng trong tuyên truyền, phòng chống ma túy và các chất gây nghiện, trong đó có thuốc lá và thuốc lá thế hệ mới để tăng hiệu quả truyền thông.
 Phương pháp “cùng tham gia” được các báo cáo viên sử dụng trong tuyên truyền, phòng chống ma túy và các chất gây nghiện, trong đó có thuốc lá và thuốc lá thế hệ mới để tăng hiệu quả truyền thông.

Giữa năm 2020, chị P.V. (trú phường Mân Thái, quận Sơn Trà) nhận thấy cứ vào một giờ nhất định thì Đ.T., con trai chị sẽ tìm cách ra khỏi nhà, dù có thể lúc đó cháu đang bận việc. Con cũng không còn trò chuyện, chia sẻ nhiều với ba mẹ về chuyện học hành, các mối quan hệ bạn bè… Đây lại là năm cuối của bậc THPT của con nên chị V. cảm thấy rất lo lắng, bất an.

Chị để ý đến giờ giấc sinh hoạt của con, theo dõi kết quả học tập… để tìm nguyên nhân dẫn đến những thay đổi khiến con từ một cậu bé lanh lợi, mồm miệng trở nên ít nói và ngại giao tiếp. Trong một lần thử kiểm tra cặp sách của con thì chị V. thấy một gói nhỏ có màu hơi vàng, ngửi thử thì thấy mùi hăng hắc như mùi xăng xộc lên mũi.

Tìm hiểu thông tin từ mạng xã hội, chị V. sững người khi biết gói "lạ" trong cặp của con là keo chó. Khi hít vào sẽ có cảm giác hưng phấn, dùng nhiều thì gây ảo giác, lú lẫn và gây nghiện. Nếu sử dụng càng lâu thì tác hại càng nặng vì nó tác động lên hệ thần kinh của người dùng. Những chuỗi ngày giúp con thoát khỏi sự phụ thuộc của chất gây nghiện là những ngày đầy khó khăn với gia đình chị V.

Đ.T. kể rằng, em được một số người nhắn tin riêng trên tài khoản mạng xã hội mời dùng thủ một số thứ như kẹo thuốc lá, nấm thức thần, bóng cười…

Theo thông tin những người này cung cấp, những loại thuốc này không gây nghiện, cũng không phải là thuốc lá. Khi sử dụng, sẽ có trạng thái vui vẻ, phấn khởi, giúp tăng hiệu quả học tập. Nếu dùng 1-2 lần mà không dùng nữa cũng không sao. Và vì tò mò nên Đ.T. đã dùng thử và sau đó tìm mua ở một nhóm kín trên mạng xã hội.

Đổi mới hình thức tuyên truyền

Trường THCS Nguyễn Huệ (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) từ vài năm nay đã bổ sung vào nội quy học sinh không được sử dụng thuốc lá điện tử. Ngoài việc tổ chức tuyên truyền dưới cờ để nâng cao kiến thức, ý thức phòng chống thuốc lá trong GV và HS, nhà trường còn mời thêm khách mời là công an.

Những câu chuyện người thật việc thật do các khách mời là công an kể trong chủ đề phòng chống ma túy và các chất gây nghiện đã đem lại hiệu quả cao. Các buổi tuyên truyền cũng được "mềm hóa" bằng các hoạt động văn nghệ như biểu diễn kịch, thi đố vui có thưởng xung quanh các kiến thức đã truyền đạt đã tạo được không khí sôi nổi, lôi cuốn HS tham gia. 

Trong tuyên truyền phòng, chống ma túy và các chất gây nghiện, Sở GD&ĐT Đà Nẵng đã hướng dẫn các trường học sử dụng phương pháp “cùng tham gia” để cán bộ, GV, HS được hỏi, trả lời về những vấn đề liên quan để tăng hiệu quả truyền thông.

Ngoài ra, các trường học đều mời báo cáo viên là lực lượng công an. Những thông tin về các vụ án, hậu quả của việc lạm dụng các chất gây nghiện, những câu chuyện bên lề về cách lôi kéo HS sử dụng các chất kích thích, gây nghiện đã tạo được sự tin tưởng ở HS, khiến các em có được những thông tin cần thiết để tránh được những cám dỗ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.