Phòng không phương Tây biến thành phế liệu trên chiến trường

GD&TĐ -Theo Trung tá Không quân Mỹ Karen Kwiatkowski, những hệ thống phòng không tối tân được phương Tây cung cấp cho Ukraine đang bị biến thành phế liệu.

Bà Karen Kwiatkowski.
Bà Karen Kwiatkowski.

Tuyên bố được bà Karen Kwiatkowski (từng là cố vấn của Lầu Năm Góc) đưa ra khi nói về hiệu quả của loạt vũ khí đánh chặn trên chiến trường Ukraine khi phải đối đầu với vũ khí Nga.

Các cuộc tấn công bằng tên lửa trong những ngày qua của Nga nhằm vào các mục tiêu quân sự Ukraine ở khu vực cảng Odessa một lần nữa cho thấy sự yếu kém của lực lượng phòng không Ukraine.

Thiệt hại đối với tài sản của Ukraine dường như nghiêm trọng đến mức quân đội Ukraine, vốn thường muốn tôn vinh thành tích của mình, giờ đây tuyên bố rằng họ chỉ đánh chặn được chưa đến một nửa số tên lửa được phóng vào các mục tiêu ở Odessa, mặc dù tính xác thực của những tuyên bố này không thể được xác nhận ngay lập tức.

Sau cuộc tấn công, Tổng thống Ukraine Zelensky lập tức tận dụng cơ hội này để yêu cầu phương Tây trang bị thêm hệ thống phòng không, nhưng vẫn chưa rõ liệu những vũ khí này – nếu chúng được chuyển đến Ukraine ngay từ đầu – có giúp Kiev giành được lợi thế trước Nga trên chiến trường hay không.

Bà Karen Kwiatkowsky cho rằng các hệ thống phòng không mà phương Tây cung cấp cho Ukraine như Patriot, NASAMS IRIS-T... đã cho thấy chúng kém tin cậy, khó vận hành trong điều kiện chiến trường và không được tích hợp nhuần nhuyễn vào kế hoạch tác chiến của Ukraine.

"Một phần bản chất vũ khí phương Tây đến chiến trường Ukraine là thử nghiệm vũ khí, để xem những cải tiến nào có thể được thực hiện trong hoạt động, chiến thuật, hậu cần và huấn luyện cho các hệ thống này.

Nhưng nó đã phải trả giá đắt cho cả những người nộp thuế ở Mỹ và NATO, đặc biệt là cho Ukraine.

Tôi nghĩ rằng đã có một số thành công trong lĩnh vực phòng không, trong đó tên lửa và máy bay không người lái đã bị đánh chặn, nhưng tôi nghi ngờ tính hiệu quả mà các nhà phân tích ở Lầu Năm Góc, các nhà sản xuất các hệ thống này như Raytheon, Kongsberg (Na Uy) và Diehl Defense (Đức) đã tuyên bố", bà Karen Kwiatkowski nhận xét.

Theo Kwiatkowsky, khả năng các hệ thống phòng không mới của phương Tây đến Ukraine và việc triển khai chúng trên chiến trường có thể sẽ dẫn đến việc lực lượng Nga nhanh chóng biến những vũ khí này thành phế liệu.

"Nếu tính cơ động, hậu cần, huấn luyện, kế hoạch chiến đấu tích hợp, trí thông minh xuất sắc và khả năng quan sát chiến trường đều xuất sắc và hiện hữu - những hệ thống đó có thể hoạt động tốt.

Nhưng triển khai ở Ukraine lại không khả thi bởi Kiev không biết cách tích hợp chúng vào những gì họ đang làm việc cùng. Chúng tôi ở phương Tây vẫn đang học cách sử dụng các hệ thống này một cách hiệu quả, vì vậy mong đợi quân đội Ukraine sẽ nhận được thêm những hệ thống này là điều điên rồ và lãng phí", Trung tá Mỹ nói.

Bà Trung tá cũng lưu ý rằng phương Tây không thể cung cấp cho Ukraine một loại "vũ khí không thể xuyên thủng" nào đó vì chưa ai phát minh ra thứ như vậy.

"Theo tôi, cuộc chiến này, giống như nhiều cuộc chiến mà Mỹ đã chuẩn bị và thúc đẩy, có động cơ lợi nhuận liên quan trực tiếp đến hệ thống kiểm soát và phòng thủ trong nước của chúng ta.

Giống như các loại vũ khí cũ và bom chùm đã hết hạn sử dụng mà chúng tôi trao cho Ukraine, chúng tôi thấy rằng ngay cả trong các hệ thống phòng thủ và tấn công lớn hơn, như Patriot mà Mỹ và NATO đang chuyển cho Ukraine quá cũ kỹ - khiến người Nga phải tiêu hủy tất cả rác trên đất Ukraine để việc bổ sung và phát triển hệ thống mới có thể trở thành nguồn lợi nhuận khổng lồ cho các công ty lớn của Mỹ và các đối tác châu Âu được lựa chọn", bà Kwiatkowsky nói.

Bà Trung tá Mỹ cũng nhận xét rằng đối với Kiev, việc cố gắng tích hợp một loạt các hệ thống quân sự hỗn hợp, từ các nhà sản xuất khác nhau, được phân phối ngẫu nhiên và thường là với số lượng nhỏ, không có sự hỗ trợ của không quân, và sau đó cố gắng tiến hành một chiến dịch vũ trang kết hợp là một nhiệm vụ khó khăn, nếu không muốn nói là hoàn toàn bất khả thi.

"Và đó phần lớn là những gì quân đội Ukraine đang cố gắng thực hiện - mặc dù được cho là NATO đã chuẩn bị và trang bị vũ khí cho họ từ năm 2014.

Đó là bằng chứng cho sự rối loạn chức năng của chính NATO và các mục tiêu mâu thuẫn của Mỹ và các thành viên NATO liên quan đến Ukraine, mà nhiều thành viên coi là một chiến trường thử nghiệm hoặc hy sinh cho một mục tiêu khác", Trung tá Mỹ kết luận.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ