Phòng GD&ĐT quận Ba Đình đưa ChatGPT vào trường học

GD&TĐ - Sáng 18/2, Phòng GD&ĐT quận Ba Đình (Hà Nội) tổ chức tập huấn chuyên đề khai thác ứng dụng ChatGPT trong quản lý và dạy học.

Chuyên gia giáo dục Bùi Duy Phương tập huấn ứng dụng ChatGPT cho giáo viên quận Ba Đình
Chuyên gia giáo dục Bùi Duy Phương tập huấn ứng dụng ChatGPT cho giáo viên quận Ba Đình

Qua ứng dụng Zoom, chia sẻ của chuyên gia giáo dục Bùi Duy Phương - CEO Công ty TNHH Giáo dục và Đào tạo Proteacher đã thu hút hơn 500 cán bộ quản lý, giáo viên đến từ các trường tiểu học và THCS trên địa bàn.

Ông Lê Đức Thuận - Trưởng phòng GD&ĐT quận Ba Đình cho biết, với những ích lợi ChatGPT mang lại, chủ động tiếp cận phần mềm giúp cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên làm việc thêm tự tin hơn. Đồng thời, góp phần đưa giáo dục Ba Đình tiếp tục khẳng định vị thế dẫn đầu, bắt kịp sự phát triển của công nghệ, nhất là quá trình chuyển đổi số trong giáo dục.

Tại buổi tập huấn, thầy cô được trang bị nội dung hữu ích trong việc khai thác ChatGPT để thực hiện công tác quản lý, dạy và học như: Soạn giáo án, ra đề kiểm tra, trả lời tin nhắn phụ huynh học sinh, viết sáng kiến kinh nghiệm, tìm tài liệu cho bài dạy, lập kế hoạch hoạt động cho một chương trình cụ thể. Trong buổi tập huấn, thầy cô giáo cũng được chuyên gia giáo dục Bùi Duy Phương hướng dẫn cách tạo tài khoản Chat GPT.

Cán bộ quản lý, giáo viên quận Ba Đình tham gia tập huấn.

Cán bộ quản lý, giáo viên quận Ba Đình tham gia tập huấn.

ChatGPT (Chat Generative Pre-training Transformer) có khả năng tạo ra các văn bản, nội dung và câu trả lời một cách tự nhiên và đủ thông minh dựa trên yêu cầu của người dùng. Qua buổi tập huấn, nhà giáo đều nhận thấy rõ ích lợi của việc sử dụng ChatGPT trong dạy học và biết cách khai thác hiệu quả ChatGPT.

Chia sẻ với Báo GD&TĐ, chuyên gia giáo dục Bùi Duy Phương cho biết thêm, sử dụng ChatGPT, giáo viên cần lưu ý đây chỉ là công cụ hỗ trợ và không thể thay thế hoàn toàn vai trò của người thầy. Giáo viên cần cẩn thận và cân nhắc trước kết quả được cung cấp.

“Nên đặt câu hỏi rõ ràng và cung cấp đầy đủ thông tin để thu được câu trả lời chính xác. Giáo viên cũng nên kiểm tra lại các kết quả được cung cấp để đảm bảo tính chính xác và phù hợp. Hơn nữa, thầy cô luôn tuân thủ các quy định về bảo mật thông tin của học sinh, kể cả với ChatGPT…”, ông Bùi Duy Phương khuyến cáo đồng thời nhấn mạnh: ChatGPT nên được sử dụng như một công cụ phụ trợ để giáo viên hỗ trợ học sinh trong học tập. Đồng thời, giáo viên đóng vai trò giám sát và định hướng cho học trò trong quá trình sử dụng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.