Cần chính sách kịp thời với ChatGPT

GD&TĐ - Sự xuất hiện của ChatGPT khiến nhiều người lo lắng lĩnh vực giáo dục sẽ bị đe dọa và vai trò của người thầy bị thay thế.

Giáo dục cần phải thay đổi trước sự ra đời của ChatGPT. Ảnh minh họa
Giáo dục cần phải thay đổi trước sự ra đời của ChatGPT. Ảnh minh họa

Tuy nhiên, những người đã, đang sử dụng ChatGPT cho rằng, không có sự đe dọa hay lấn lướt nào. Quan trọng là phải biết làm chủ và sử dụng nó như thế nào.

Trợ thủ cho giáo viên

Trải nghiệm ChatGPT ở nhiều khía cạnh khác nhau, TS Nguyễn Ngọc Tự - Bộ môn An toàn thông tin, Khoa mạng Máy tính và Truyền thông, Trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh) cho rằng, không có sự đe dọa hay lấn lướt. Quan trọng là sử dụng như thế nào và vận dụng nó ra sao. Nghĩa là thầy – trò phải thay đổi, thích ứng, đón đầu với sự phát triển của khoa học công nghệ để làm chủ nó. Bởi trong 2 năm tới, không chỉ có ChatGPT mà dự báo sẽ còn xuất hiện phần mềm ứng dụng thông minh khác.

Theo TS Nguyễn Ngọc Tự, sự xuất hiện của ChatGPT sẽ không làm mất đi vai trò của giáo viên, bởi nhà giáo vẫn là chủ thể, người sử dụng và làm chủ. Vì thế, chúng ta không nên né tránh, lo sợ, trái lại hãy biến nó thành công cụ hữu ích để hỗ trợ cho công việc.

Từ trải nghiệm thực tế của mình, TS Lê Thống Nhất, chuyên gia giáo dục nhìn nhận: Một số quốc gia sử dụng ChatGPT để có tư liệu cho giáo viên trong giảng dạy, học tập. Vì thế, chúng ta không nên cấm sử dụng ChatGPT. Song vấn đề đặt ra là, sử dụng như thế nào để ChatGPT phục vụ hữu ích cho công việc.

“Giống như một bộ phim, muốn đến với công chúng, bước đầu tiên phải có kịch bản, rồi đến đạo diễn, sau đó chọn diễn viên. Hãy coi ChatGPT như một diễn viên và chúng ta là người xây dựng kịch bản kiêm đạo diễn. Nói như vậy để thấy rằng, chúng ta mới là chủ thể và yêu cầu ChatGPT thực hiện theo mệnh lệnh” - TS Nguyễn Ngọc Tự phân tích. Tuy nhiên, chuyên gia này cũng cho hay, không nên lệ thuộc vào ChatGPT. Khi bị lệ thuộc, người dùng có thể bị thui chột nhiều kỹ năng.

TS Trương Tiến Tùng – nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Mở Hà Nội trao đổi, thầy, cô giáo hãy học cách để phân biệt trí tuệ nhân tạo và trí tuệ thật. Việc này không chỉ thông qua kết quả (bài luận) mà qua giao tiếp. Trong quá trình giảng dạy, học tập và nghiên cứu, hãy khai thác, sử dụng công cụ số để thu thập kết quả học tập. Việc này là một quá trình chứ không chỉ đánh giá kết quả trong một lần kiểm tra, thi cử.

Sử dụng như thế nào?

Ở góc nhìn khác, PGS.TS Tạ Hải Tùng - Hiệu trưởng Trường Công nghệ thông tin và Truyền thông (Đại học Bách khoa Hà Nội) nhìn nhận, ChatGPT là bản demo cho trí tuệ nhân tạo (AI). Sẽ không ai có cảm giác bị đe dọa nếu chúng ta tiếp cận theo hướng tích cực và với tâm thế đón nhận cái mới.

Nhóm sinh viên Trường ĐH Việt Đức. Ảnh: NTCC

Nhóm sinh viên Trường ĐH Việt Đức. Ảnh: NTCC

PGS.TS Tạ Hải Tùng không tán thành với ý định cấm sinh viên sử dụng ChatGPT của nhiều trường đại học bởi đó là tư tưởng bảo thủ. Khi đưa công nghệ vào giáo dục, giảng viên, cơ sở giáo dục đại học sẽ hiểu sinh viên hơn. Theo đó, giảng viên có thể thảo luận, đồng hành hỗ trợ và hướng dẫn sinh viên sử dụng ChatGPT theo hướng tích cực. Kết quả học tập của sinh viên nhờ đó được nâng lên.

Ở thời điểm này, ChatGPT là phiên bản thể hiện thành công của AI và nó có thể trở thành trợ thủ đắc lực cho giáo viên. Bày tỏ quan điểm, ông Phùng Việt Thắng - Phó Tổng Giám đốc Microsoft Việt Nam đồng thời nhấn mạnh:

ChatGPT giúp thầy, cô lên lớp tự tin hơn. Lợi ích của công nghệ, phụ thuộc vào chính năng lực của người sử dụng.

Giáo viên có thể yêu cầu

ChatGPT soạn giáo án và người học có thể yêu cầu ứng dụng này đưa ra kế hoạch học tập cá nhân. Đó là điều vi diệu mà ông Mai Kết – cán bộ Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam cảm nhận sau khi trải nghiệm ChatGPT. Hơn thế nữa, ứng dụng này có thể tạo ra lộ trình học tập phục vụ mục đích nhất định của người học. Điều này là hoàn toàn mới.

Công cụ tìm kiếm thông thường sẽ cho hàng nghìn, thậm chí hàng triệu kết quả. Giờ đây, ChatGPT đang mang lại cho chúng ta cuộc cách mạng thực sự. Một kết quả đã được tối ưu hoá trong hàng triệu kết quả khác, khiến người hỏi có thể tạm hài lòng.

“Một bức tranh sáng đang mở ra cho những ai có thể tiếp cận và ứng dụng ChatGPT một cách đúng đắn. Không có cảm giác “nghiện ChatGP” nhưng có cảm giác “cần ChatGPT” để việc dạy - học trở nên thoải mái, tiện lợi và đạt hiệu quả cao hơn. Tuy nhiên, chúng ta cũng có thể thấy rõ những hạn chế của ChatGPT như: Thiếu cập nhật, sự tự tin của ChatGPT vượt quá khả năng của ứng dụng này” – ông Mai Kết chia sẻ.

Chia sẻ tại Chương trình Toạ đàm “ChatGPT, Trí tuệ nhân tạo - Lợi ích và thách thức đối với giáo dục” do Bộ GD&ĐT tổ chức, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh, với công nghệ, một số việc của con người được làm thay. Đây là cơ hội lớn mà chúng ta cần có chính sách kịp thời. Trước hết, chúng ta cần thay đổi nhận thức, cách nhìn nhận những công nghệ này để đón nhận nó. Chúng ta không quá hào hứng nhưng cũng không nên lo ngại, hay hoảng sợ.

“Cách tốt nhất để hiểu nó, chính là dùng nó” - Thứ trưởng khẳng định, đồng thời mong muốn học sinh, sinh viên, nhà giáo, nhà quản lý giáo dục sử dụng, cảm nhận, trải nghiệm để hiểu hơn về công nghệ. Từ đó, cùng nhau thảo luận, tiếp tục làm rõ lợi ích mà ChatGPT mang lại. Trên cơ sở đó, cơ quan quản lý Nhà nước, Bộ GD&ĐT và các ban ngành có những chính sách lâu dài và kịp thời.

Hãy giúp các nhà giáo giảm bớt những công việc soạn bài giảng, giáo án lên lớp… thông qua công nghệ. Đưa công nghệ vào giáo dục để tăng năng suất, hiệu quả, chất lượng và bình đẳng trong giáo dục. Bộ GD&ĐT sẽ hướng tới tất cả hoạt động tích cực này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ