Phòng chống bạo lực học đường: Ngăn chặn từ sớm, từ xa

GD&TĐ - Dù chỉ ở mức độ hiện tượng nhưng ngành GD-ĐT Mường Lát đã chủ động vào cuộc xây dựng kế hoạch phòng chống bạo lực học đường phù hợp với đặc điểm chung của địa phương và đặc điểm riêng của các đơn vị trường học.

Học sinh Trường THPT Mường Lát (Thanh Hóa)
Học sinh Trường THPT Mường Lát (Thanh Hóa)

Nhận thức sâu sắc về tác động tiêu cực

Mường Lát là huyện vùng cao, biên giới Mường Lát là một trong các huyện khó khăn nhất của tỉnh Thanh Hóa và cả nước, phần lớn học sinh là con em dân tộc thiểu số, điều kiện kinh tế khó khăn thuộc diện hộ nghèo.

Địa bàn rộng, nhiều thành phần dân tộc, cùng với đó là nhận thức của đồng bào có phần còn không đồng đều, còn tồn tại những hủ tục lạc hậu, việc các em học tập nội trú và bán trú tiềm ẩn nhiều nguy cơ của tình trạng bạo lực học đường trong các đơn vị trường học.

Ông Lò Văn Tuấn-Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mường Lát nhận định: Hiện tượng bạo lực diễn ra trong các trường học không phải là mới, song thời gian gần đây hiện tượng này xảy ra ở một số trường học với nhiều hình thức, mức độ khác nhau, biểu hiện tính chất nguy hiểm, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý, nhận thức của học sinh, phụ huynh và các tầng lớp nhân dân.

Cũng như các đơn vị khác trong tỉnh Thanh Hóa và cả nước, giáo dục Mường Lát cũng tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ của tình trạng bạo lực học đường như: Đánh đập, bứt tóc, xô đẩy, trấn lột (Bạo lực về thể chất), xúc phạm, bôi nhọ, sỉ nhục, lăng mạ, nói xấu, bắt người khác làm theo ý mình (Bạo lực bằng tinh thần). Vấn đề này có nguy cơ xảy ra ở tất cả các đơn vị trường học, nhất là cấp THCS, THPT ở trên địa bàn huyện.

Phân biệt đối xử dân tộc, ngôn ngữ, văn hóa dân tộc, cô lập, tẩy chay, bêu rếu xung quanh, thậm chí chửi thề trên mạng xã hội (Bạo lực xã hội) vấn đề này có nguy cơ thường xảy ra ở các trường có đông thành phần học sinh là người các dân tộc thiểu số khác nhau cùng học tập, như trường DTNT, các trường Bán trú...

Cùng với đó, một số học sinh còn bị uy hiếp bằng các phương tiện điện tử như gọi điện, nhắn tin, đe dọa và bêu rếu người nào đó trên mạng xã hội (Bạo lực điện tử). Tuy việc sử dụng CNTT của học sinh và điều kiện để sử dụng không phải trường nào cũng có, tuy nhiên với một số trường có sóng điện thoại và mạng 4G vấn đề này đã manh nha xuất hiện.

Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện nay, tất cả các biểu hiện trên mới chỉ dừng lại ở mức độ hiện tượng, manh nha chưa có trường hợp đáng tiếc nào xảy ra, hoặc nếu có xảy ra thì mới chỉ ở các biểu hiện ban đầu, được các nhà trường và giáo viên nắm và xử lý kịp thời.

Ông Lò Văn Tuấn - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mường Lát
Ông Lò Văn Tuấn - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mường Lát

Đảm bảo hiệu quả, thiết thực

Từ nhận thức sâu sắc về những tác động tiêu cực của bạo lực học đường và trẻ em lao động trái pháp luật, để công tác chỉ đạo và triển khai việc phòng chống bạo lực học đường hiệu quả đến các đơn vị, nhà trường, Phòng GD&ĐT Mường Lát đã thực hiện một số giải pháp đồng bộ.

Cụ thể, ngay từ đầu các năm học, trên cơ sở các văn bản hướng dẫn, Phòng GD&ĐT Mường Lát đã chỉ đạo các nhà trường xây dựng kế hoạch phòng chống bạo lực học đường phù hợp với đặc điểm chung của địa phương và đặc điểm riêng của các đơn vị trường học, sao cho mang tính khả thi nhất và hiệu quả thiết thực nhất.

Đặc biệt là các trường phổ thông Dân tộc nội trú và Phổ thông dân tộc bán trú, các trường có học sinh bán trú việc đề cao vai trò của người đứng đầu và trách nhiệm giáo viên chủ nhiệm, đảm bảo phát hiện sớm và ngăn chặn kịp thời các biểu hiện của bạo lực học đường trong các cơ sở giáo dục.

Cùng với đó, Phòng đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, giáo dục về phòng, chống bạo lực học đường trong chương trình và hoạt động giáo dục của nhà trường; xây dựng các chuyên đề về giáo dục giá trị sống, kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ bản thân, phòng chống xâm hại, bạo lực học đường lồng ghép trong các hoạt động giáo dục, hoạt động Đoàn, Đội.

Tổ chức tọa đàm, chia sẻ kinh nghiệm về phòng, chống bạo lực học đường, giáo dục kỷ luật tích cực cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; tích cực nêu gương người tốt việc tốt, đề cao sự gương mẫu của thầy, cô giáo để mỗi thành viên trong nhà trường đều trở thành nhà giáo dục thân thiện, thuyết phục...

Chỉ đạo các cơ sở giáo dục xây dựng trường học dân chủ, an toàn, lành mạnh, thân thiện. Xây dựng và triển khai bộ Quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục, đảm bảo các giá trị cốt lõi: Nhân ái, Tôn trọng, Trách nhiệm, Hợp tác, Trung thực trong mối quan hệ của mỗi thành viên trong cơ sở giáo dục đối với người khác, đối với môi trường xung quanh và đối với chính mình.

Nhấn mạnh việc phòng chống bạo lực không chỉ riêng của nhà trường mà của cả gia đình và xã hội, thầy Trần Anh Văn- Hiệu trưởng Trường THPT Mường Lát cho biết, trong những năm qua, nhà trường đã phát huy vai trò của tổ chức Đoàn, Đội trong việc xây dựng nề nếp, kỷ cương trường học; tích cực vận động già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ, người có uy tín tham gia Hội cha mẹ học sinh để làm tốt công tác phối hợp tổ chức thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường.

Cùng với đó, nhà trường để chủ động trao đổi thông tin với gia đình học sinh để nắm bắt tình hình cũng như những biểu hiện của học sinh để có biện pháp giải quyết ngay khi học sinh có biểu hiện hành vi tiêu cực và bạo lực. Từ đó có các phương án xử lý thích hợp, mang tính răn đe và phòng ngừa chung, nhưng cũng luôn tạo cơ hội để học sinh vi phạm hiểu và sửa đổi.

Tại Mường Lát, tất cả các nhà trường đã xây dựng quy chế phối hợp chặt chẽ giữa Gia đình - Nhà trường - Xã hội trong việc tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật học sinh. Từ đó xác định rõ vai trò, vị trí của người thầy, quyền hạn và trách nhiệm trong việc giáo dục đạo đức học sinh, đảm bảo song song việc dạy chữ và dạy làm người.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Công ty Trái cây Nhiệt đới Hoa Kỳ giờ tên Chiquita và vẫn chưa phải chịu trách nhiệm về vụ thảm sát vì chuối năm 1928. Ảnh: Thecollector.com

Vụ thảm sát vì chuối

GD&TĐ - Năm 1928, ở Colombia, quốc gia Nam Mỹ với biệt danh đương thời là 'nước cộng hòa chuối'.