Hội nghị được tổ chức trực tiếp, kết hợp trực tuyến. Cùng dự Hội nghị có các đại biểu của các cơ quan trung ương, các tổ chức quốc tế.
Tại Hội nghị, bà Lê Thị Hằng- Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác HSSV báo cáo tóm tắt về công tác phòng, chống bạo lực học đường (PCBLHĐ) và lao động trẻ em (LĐTE); bà Lê Thị Hồng Loan- Trưởng CT bảo vệ Trẻ em Unicef tham luận về vai trò của Ngành Giáo dục trong Hệ thống Bảo vệ Trẻ em; đại điện bộ Lao động- Thương binh và Xã hội trình bày thực trạng công tác can thiệp, hỗ trợ trẻ em bị bạo lực, xâm hại và lao động trái pháp luật ở Việt Nam.
Theo đó, trong thời gian qua, công tác bảo vệ, giáo dục, chăm sóc trẻ em, học sinh luôn được Đảng, Nhà nước chỉ đạo sát sao. Ngành Giáo dục luôn ý thức và thực hiện công tác bảo vệ, giáo dục và chăm sóc trẻ em là nhiệm vụ chính trị, cốt lõi của Ngành. Bộ GD&ĐT đã tham mưu cho Đảng, Quốc hội, Chính phủ nhiều văn bản nhằm thực hiện hiệu quả, đồng bộ về GĐ&ĐT, trong đó công tác xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện (ATLMTT) và phòng chống bạo lực học đường được đặt lên hàng đầu.
Việc xây dựng môi trường giáo dục ATLMTT, PCBLHĐ là chủ trương được các cơ sở giáo dục và xã hội đồng tình, ủng hộ nên việc triển khai thực hiện được các thành viên trong nhà trường, cha mẹ học sinh, chính quyền, đoàn thể hưởng ứng, tham gia tích cực và có nhiều chuyển biến tốt trong thời gian qua.
Công tác PCBLHĐ, xâm hại trẻ em được kết nối với việc giáo dục đạo đức, lối sống, kĩ năng sống… đã tạo nên sự đồng bộ của các lực lượng trong và ngoài nhà trường.
Bên cạnh đó, hệ thống các văn bản quy phạm, chỉ đạo chặt chẽ, đầy đủ, kịp thời tạo nên hành lang pháp lý để các cơ sở giáo dục đảm bảo tốt an ninh, an toàn trường học; đảm bảo môi trường giáo dục an toàn lành mạnh. Thông qua việc tuyên truyền, phổ biến các văn bản của các cấp nâng cao nhận, trách nhiệm của nhà trường, gia đình và xã hội về công tác PCBLHĐ và LĐTE, xây dựng môi trường ATLMTT.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện còn nhiều hạn chế như: nhiều nội dung truyền thông được đưa vào nhà trường gây quá tải, áp lực thực hiện nhiệm vụ đối với giáo viên, học sinh; sự quan tâm, năng lực của một số cán bộ, giáo viên ở một số nơi chưa cao; nhiều gia đình nghèo phải huy động cả sức lực của học sinh để kiếm sống…
Có nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan dẫn đến tình trạng bạo lực học đường, LĐTE, trong đó chủ yếu như: các cơ sở giáo dục còn chưa thực sự quan tâ, sát sao nên việc xây dựng kế hoạch PCBLHĐ riêng, chưa phối hợp chặt chẽ với các bên liên quan; tình trạng bạo lực của thành viên trong gia đình, trong xã hội tác động tiêu cực đến giới trẻ; trẻ em thiếu sự quan tâm của cha mẹ; dịch bệnh ảnh hưởng đến tâm sinh lý của trẻ em…
Các đại biểu tham dự Hội nghị đề ra một số giải pháp, kiến nghị về công tác PCBLHĐ và LĐTE; vai trò của ngành giáo dục trong hệ thống bảo vệ trẻ em; các giải pháp xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, không bạo lực học đường; xây dựng mô hình phối hợp gia đình- nhà trường- xã hội trong giáo dục phòng ngừa xâm hại tình dục trẻ em...
Theo thống kê của Cục trẻ em- Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, năm 2021, toàn quốc có 1.941 vụ xâm hại trẻ em, xâm hại 2.326 em; trong đó xâm hại tình dục là 1.866 vụ, xâm hại 1.890 trẻ em. 63/63 tỉnh, thành phố đều xảy ra tình trạng xâm hạn trẻ em. Các hành vi xâm hại trẻ em ảnh hưởng đến trật tự, an ninh của xã hội, sự tấn công trực diện đến nền tảng đạo đức của xã hội, gây tâm lý hoang mang, mất lòng tin trong dư luận xã hội.
Cả nước có 1.754.066 trẻ em tham gia hoạt động kinh tế, chiếm 9,1% tổng số trẻ em 5-17 tuổi của cả nước. Trong số lao động trẻ em, có 519.805 em được xác định là lao động trẻ em làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.