Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân: "ĐHQG Hà Nội phát triển đúng hướng phù hợp với yêu cầu của Chính phủ"

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân: "ĐHQG Hà Nội phát triển đúng hướng phù hợp với yêu cầu của Chính phủ"
Đại học Quốc gia Hà Nội phát triển đúng hướng phù hợp với yêu cầu của Chính phủ
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân: "ĐHQG Hà Nội phát triển đúng hướng phù hợp với yêu cầu của Chính phủ"

Sáng ngày 24/9, làm việc tại Trường đại học Kinh tế, PGS. TS Phùng Xuân Nhạ, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế đã báo cáo những hoạt động của trường. Với  nhiệm vụ cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực kinh tế và quản trị kinh doanh đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước, Đại học Kinh tế đã sáng tạo, phát triển các ý tưởng, giải pháp mới trong kinh tế, quản trị kinh doanh và chuyển giao các kết quả này để giải quyết các vấn đề của lý luận và thực tiễn, xây dựng nhà trường thành một trường đại học NCKH chất lượng cao, tiệm cận dần với đẳng cấp khu vực và thế giới và  đến năm 2030 trở thành đại học theo định hướng nghiên cứu được xếp hạng ngang tầm với các đại học tiên tiến của châu Á. 

Phó Thủ tướng đánh giá cao chất lượng bài giảng bằng tiếng Anh của giảng viên trẻ tại Đại học Kinh tế
Phó Thủ tướng dự giờ và đánh giá cao chất lượng bài giảng bằng tiếng Anh của giảng viên trẻ tại Đại học Kinh tế

Để phát triển đột phá để tạo ra những sản phẩm đào tạo chất lượng cao, nghiên cứu đỉnh cao thì cần phải có ”cơ chế đột phá tương ứng”, PGS.TS Phùng Xuân Nhạ kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ: vậy cho phép Trường Đại học Kinh tế thực hiện thí điểm: Đề án ”Đào tạo chất lượng cao” (đại học và sau đại học) một số ngành, chuyên ngành có nhu cầu xã hội cao, có điều kiện phát triển kế cận với trình độ khu vực, quốc tế để được tự chủ về thu học phí theo nguyên tắc lấy thu bù chi. Đề án ”Chuẩn giảng viên đại học”: Căn cứ vào các mức chuẩn giảng viên (tham chiếu với các chuẩn giảng viên của các đại học tiên tiến trong khu vực) để trả lương tương ứng. Về nguyên tắc, các giảng viên (của Trường và các đại học nước ngoài) đạt chuẩn ngang nhau thì nên được trả lương ngang nhau. Có như vậy mới khuyến khích giữ chân và thu hút được người tài.
 
Ghi nhận những ý kiến của lãnh đạo và giảng viên nhà trường, phát biểu ý kiến tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao những việc đã làm được của Đại học Kinh tế, tuy mới được thành lập 3 năm nhưng đã khẳng định được uy tín trong đào tạo, có đóng góp tích cực vào quá trình hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội và phát triển doanh nghiệp của Việt Nam. Phó Thủ tướng đề nghị nhà trường cần quan tâm hơn nữa đối với việc nâng cao năng lực nghiên cứu của các giảng viên trẻ nhằm đổi mới công tác giảng dạy, đào tạo và nuôi dưỡng các nhà khoa học đầu ngành, đầu đàn với những công trình nghiên cứu được giới nghiên cứu trong nước và quốc tế đánh giá cao. Từ đó, có kế hoạch xây dựng nhà trường trở thành một mắt xích quan trọng trong mạng lưới nghiên cứu về kinh tế và kinh doanh trong nước cũng như quốc tế. 

Phó Thủ tướng thăm phòng thí nghiệm tại Đại học Khoa học Tự nhiên
Phó Thủ tướng thăm phòng thí nghiệm tại Đại học Khoa học Tự nhiên

Chiều cùng ngày, Đoàn công tác tới làm việc tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, báo các với đoàn công tác, GS.TSKH Nguyễn Hữu Dư - Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Là 1 trong 6 trường đại học thành viên của ĐHQG Hà Nội, Đại học Khoa học Tự nhiên có 345 giảng viên, số giảng viên trình độ từ thạc sỹ trở lên chiếm 90,4%. Với lưu lượng 10.000 SV, học viên cao học và nghiên cứu sinh hàng năm, Đại học Khoa học Tự nhiên là cơ sở giáo dục đại học trọng điểm, đầu ngành của cả nước về đào tạo cán bộ khoa học cơ bản và công tác nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học tự nhiên, là đơn vị dẫn đầu về công tác biên soạn giáo trình, là đơn vị đề xuất mô hình đào tạo tài năng ở bậc đại học. Sinh viên của các chương trình đào tạo này được trong và ngoài nước đánh giá cao về chất lượng. Một trong những mục tiêu mà trường hướng tới là mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học theo hướng tiếp cận trình độ quốc tế; khuyến khích các nhà khoa học chủ trì, tham gia các đề tài, dự án cấp quốc gia và quốc tế nhằm giải quyết những vấn đề khoa học quan trọng của đất nước.

Phát biểu với lãnh đạo và cán bộ, giảng viên nhà trường, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao trình độ của đội ngũ giảng viên của Đại học Khoa học Tự nhiên, đồng thời mong muốn nhà trường phấn đấu có một số ngành, chuyên ngành có chất lượng ngang tầm với các trường tiên tiến trong khu vực vào năm 2015, góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển khoa học cơ bản của nước nhà. Bên cạnh đó, trường cần tiếp tục mở rộng và nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học theo hướng tiếp cận trình độ quốc tế.  

 Phó Thủ tướng đối thoại cùng sinh viên khoa Sinh học
Phó Thủ tướng đối thoại cùng sinh viên khoa Sinh học

Làm việc với Trường Đại học KHXH&NV, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và đoàn công tác đã thăm Khoa Lịch sử, thư viện, bảo tàng nhân học và dự giờ tại lớp Hán Nôm, nghe PGS.TS Lâm Thị Mỹ Dung giới thiệu về giai đoạn văn hoá thông qua các di vật thu được từ các cuộc khai quật khảo cổ học do cán bộ, sinh viên nhà trường thực hiện, những đặc trưng của vùng miền, các dân tộc Việt Nam. Phát biểu với cán bộ, giảng viên nhà trường, Phó Thủ tướng đánh giá cao vai trò nghiên cứu xã hội của trường, Phó Thủ tướng mong muốn nhà trường cần tham khảo thêm kinh nghiệm của một số đơn vị khác đang thực hiện hiệu quả về đào tạo theo nhu cầu xã hội nhằm nâng cao tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm đúng chuyên môn đào tạo. Đồng thời, nhà trường cần xác định rõ cơ chế đãi ngộ, trả lương tương xứng cho các giáo sư, phó giáo sư, những giảng viên xuất sắc.

Sau 2 ngày trực tiếp đi thực tế tại cơ sở đào tạo, tại buổi làm việc cuối cùng với Đại học Quốc gia, phát biểu kết luận, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng ĐHQG Hà Nội đã phát triển đúng hướng, phù hợp với yêu cầu của Chính phủ. Với mục đích của chuyến công tác là đánh giá hoạt động của các đại học 2 cấp để lấy đó làm cơ sở nên hay không tiếp tục mở rộng mô hình này. Từ thực tế ghi nhận được, Phó Thủ tướng cũng lưu ý ĐHQG Hà Nội cần phải rà soát lại quy chế hoạt động sát với thực tế và cụ thể để sớm trình Chính phủ xem xét ban hành.

ND

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ