Theo quyết định, Phở Nam Định được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thuộc loại hình tri thức dân gian, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí: có tính đại diện, thể hiện bản sắc cộng đồng, địa phương; phản ánh sự đa dạng văn hóa và sự sáng tạo của con người, được kế tục qua nhiều thế hệ; có khả năng phục hồi và tồn tại lâu dài; được cộng đồng đồng thuận, tự nguyện đề cử và cam kết bảo vệ.
Việc Phở Nam Định trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là cơ sở bước đầu để Chính phủ đệ trình Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) xem xét, ghi danh Phở Nam Định vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Phở Nam Định là một trong những món ăn nổi tiếng bởi hương vị ngọt ngào, khác biệt từ nước dùng cộng thêm sợi phở nhỏ mềm. Đó cũng là lý do vì sao phở Nam Định “phủ sóng” khắp toàn quốc từ Bắc vào Nam.
Nam Định được coi là “cái nôi” ra đời của món phở. Ngay tại Nam Định, loại phở được nhiều người biết đến và ưa thích là phở Cồ phát xuất từ thôn Vân Cù, xã Đồng Sơn (Nam Trực).
Người dân nơi đây cho rằng, khi Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân thì vùng đất này là nơi dự trữ quân lương, để nhớ tên nước Đại Cồ Việt, người trong làng đã lấy chữ Cồ để làm họ. Tuy vậy, không ai biết phở Cồ có từ bao giờ nhưng biết chắc người làng Vân Cù đã đi bán phở từ những năm 1900.
Trong sách “Người nông dân châu thổ Bắc Kỳ” của nhà nghiên cứu người Pháp Pierre Gourou, các làng chuyên bán phở được nhắc tới là làng Di Trạch ở Hà Đông (Hà Nội) và làng Giao Cù ở Nam Trực (Nam Định).
Đền Vân Cù (Nam Trực) – nơi thờ vua Hùng cũng vẫn giữ tục lệ trong dịp tế lễ hàng năm vào ngày 10/3, người làng đều nấu phở để cúng tế vua Hùng.