Ông Trịnh Cao Khải, Hiệu trưởng Trường CĐ Du lịch Hà Nội cho biết, hiện nay, ẩm thực không đơn thuần phục vụ cho nhu cầu thiết yếu tồn tại, mà còn là một nét nghệ thuật, một phần của văn hóa toàn cầu và là một ngành công nghiệp với những cơ hội phát triển rộng mở. Vị thế của người đầu bếp càng ngày càng được khẳng định.
Để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường du lịch đang trong quá trình phục hồi, việc đào tạo nguồn nhân lực đầu bếp đảm bảo về số lượng đáp ứng về chất lượng là một nhiệm vụ cấp bách và quan trọng.
Đáng chú ý, nhiều cơ chế chính sách thay đổi, tạo tiền đề cho đột phá. Các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp, nhà hàng, khách sạn đã nỗ lực hợp tác giữa các bên liên quan để nâng cao chất lượng đào tạo nghề này.
Ông Trịnh Cao Khải cũng nhắc đến yêu cầu cấp thiết trong việc xây dựng một thế hệ đầu bếp mới, vừa có tay nghề cao, vừa có phẩm chất và năng lực thích ứng.
Để đạt được điều này, cần có sự hợp tác chặt chẽ từ các bên để xây dựng chương trình đào tạo có thiết kế sao cho phù hợp với xu hướng hiện đại, tích hợp các công nghệ mới nhất và các kỹ năng quản lý tiên tiến.
“Thế hệ đầu bếp tương lai cần phải được trang bị để không chỉ thành công trong nước mà còn có thể vươn ra thị trường quốc tế, đóng góp vào việc nâng cao vị thế ẩm thực Việt Nam và rạng danh trong các kỳ thi tay nghề quốc tế”, Hiệu trưởng Trường CĐ Du lịch Hà Nội chia sẻ.
Về nội dung này, Chef Hà Hải Đoàn, Chủ tịch Hội đầu bếp chuyên nghiệp Hà Nội đặc biệt nhấn mạnh việc các các đầu bếp trẻ cần hiểu sâu sắc tầm quan trọng của ngọn lửa đam mê và lòng nhiệt huyết trong nghề bếp. Ngọn lửa đam mê và nhiệt huyết là yếu tố quan trọng giúp duy trì và phát triển nghề.
Khi có được lửa đam mê nhiệt huyết, chúng ta sẽ làm được 3 việc quan trọng và giá trị, đó là: Sự thấu hiểu khách hàng; am hiểu nguyên liệu thực phẩm; khả năng rèn luyện và nắm bắt các kỹ năng điêu luyện trong nghề.
Cùng với đam mê, nhiệt huyết, Chef Hà Hải Đoàn cũng cho rằng, người đầu bếp còn cần rèn tâm, thân, trí. Rèn thân là rèn luyện thân thể, ăn uống và ngủ nghỉ khoa học. Rèn trí bằng cách học hỏi bằng cách đọc sách, nghiên cứu, học hỏi từ đồng nghiệp và trải nghiệm thực tế. Tâm ở đây là tấm lòng, làm vì người khác, vì khách hàng, đồng nghiệp, vì nghề bếp và nền ẩm thực Việt Nam nói chung...
Chia sẻ giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực lĩnh vực ẩm thực, TS Phạm Mạnh Cường, Trường CĐ Du lịch Hà Nội cho rằng, trước hết cần xây dựng chương trình đào tạo theo chuẩn đầu ra. Cùng với đó, xây dựng đội ngũ giảng viên chuyên ngành giỏi lý thuyết, thạo thực hành nghề nghiệp và tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho việc giảng dạy.
Đồng thời, các cơ sở sở đào tạo cần tăng cường liên kết đào tạo với doanh nghiệp; đẩy mạnh hợp tác quốc tế và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động đào tạo.