(GD&TĐ) - PGS.TS. Lê Hữu Lập - Phó Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông bày tỏ quan điểm về điểm sàn cũng như cách xác định điểm sàn cho kỳ tuyển sinh tới.
PV:Có ý kiến cho rằng, cách xác định điểm sàn chưa hợp lý là một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến các trường khó tuyển sinh, đặc biệt là các trường ngoài công lập, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
PGS.TS. Lê Hữu Lập: Việc cho rằng cách xác định điểm sàn là nguyên nhân khiến các trường ngoài công lập khó tuyển sinh, theo tôi là chưa xác đáng. Bởi vẫn cùng một nguyên tắc tính điểm sàn như nhau nhưng những năm trước các trường NCL vẫn tuyển được sinh viên, chỉ riêng năm 2012 việc tuyển sinh mới trở nên quá khó khăn.
Nguyên nhân khủng hoảng tuyển sinh của trường NCL trong năm 2012 theo tôi ở chỗ khác. Trước hết đó là việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh.
Nếu những năm trước, chỉ tiêu do Bộ GD&ĐT quyết định thì năm 2012, việc xác định chỉ tiêu hoàn toàn do các trường đưa ra dựa trên 2 tiêu chí là giảng viên và cơ sở vật chất. Trong khi đó, các trường công lập luôn có lợi thế hơn về hai tiêu chí này, giảng viên nhiều, cơ sở vật chất tốt nên chỉ tiêu sẽ cao, từ đó hút số lượng lớn thí sinh vào học.
Nguyên nhân thứ hai là do việc kéo dài thời gian xét tuyển. Vì thời gian xét tuyển kéo dài nên lại là cơ hội tiếp theo để các trường công hút hết thí sinh. Giữa trường công và trường ngoài công lập, chắc chắn sự lựa chọn của thí sinh sẽ là trường công, dù đó là trường chưa có thương hiệu tốt. Nhiều trường ngoài công lập hiện nay thực sự chưa đủ sức hấp dẫn đối với thí sinh.
Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT cũng cần tiếp tục nghiên cứu cách tính điểm sàn vừa khoa học vừa phù hợp với thực tiễn và phải tìm rõ nguyên nhân các thí sinh có từ điểm sàn, không vào đại học, cao đẳng NCL thì họ đi đâu?
Có ý kiến cho rằng nên có các loại điểm sàn theo đẳng cấp trường hay theo khu vực, quan điểm của ông thế nào?
- Tôi chưa đặt vấn đề về chất lượng đào tạo là phụ thuộc khá nhiều vào điểm tuyển đầu vào. Nhưng tiêu chí phân loại ra sao là bài toán không đơn giản. Các trường có đẳng cấp cao như nhà báo nêu ra, thì không bao giờ họ nghĩ đến tuyển sinh xuống điểm sàn, vậy phân loại làm gì?
Còn điểm sàn theo khu vực của trường? Trường ở các địa phương thành lập ra chủ yếu phục vụ đào tạo nguồn nhân lực cho địa phương. Thí sinh ở đây cũng đã nhận được chính sách ưu tiên khu vực. Bộ GD-ĐT cũng cho phép một số trường ở địa phương có ngành học khó tuyển sinh được ưu tiên khu vực cao hơn.
Tôi nghĩ, các trường mà Bộ GD-ĐT xếp xuống đẳng cấp thấp thì càng khó tuyển sinh, vì thí sinh nghĩ học ở các trường này ra, sau này cũng khó xin được việc làm.
Năm nay, Bộ GD&ĐT cho biết sẽ thay đổi cách xác định điểm sàn cho hợp lý hơn. Theo ông, đâu là phương án xác định điểm sàn hợp lý, khoa học mà vẫn đảm bảo chất lượng đào tạo?
- Như tôi đã nêu là tiếp tục cải tiến phương thức xác định điểm sàn. Việc xác định điểm sàn lâu nay dựa trên số lượng thí sinh dự thi ÐH, tính toán cân đối một lượng dôi dư nhất định thí sinh đạt điểm sàn trở lên so với chỉ tiêu để giúp các trường tuyển đủ.
Tuy nhiên, thực tế cách tính này không phù hợp khi số thí sinh trên điểm sàn dư mà các trường vẫn tuyển không đủ chỉ tiêu.
Tôi cho rằng, để xác định được điểm sàn hợp lý, một trong những yếu tố quan trọng là căn cứ vào phổ điểm của từng môn thi trong từng năm. Bởi mỗi một kỳ tuyển sinh đề thi ra khó dễ khác nhau. Nếu năm nào đề thi ra khó, phổ điểm thấp, Bộ GD-ĐT có thể mạnh dạn hạ điểm sàn xuống cho phù hợp và ngược lại.
Một vấn đề nữa là cần xác định số dư bao nhiêu cho phù hợp. Nhiều thí sinh đủ điểm sàn nhưng họ vẫn không đi học, mà họ sẽ ôn thi sang năm thi lại, không vào học các trường thương hiệu thấp.
Phổ điểm liên quan trực tiếp đến việc ra đề, theo ông, việc ra đề thi nên thế nào để đảm bảo phổ điểm đẹp?
- Đề thi ĐH luôn luôn phải đảm bảo nguyên tắc phân loại được thí sinh một cách tốt nhất, không nên có những câu quá khó đánh đố học sinh. Thực tế tôi thấy, bản thân các thầy khi ra đề cho rằng câu hỏi đó là rất dễ rồi, nhưng dễ với các thầy, có khi lại là khó với tất cả học sinh trung bình trở xuống.
Những câu thi như vậy, mà học sinh trung bình trở xuống, đều không làm được gì thì coi như các đối tượng này bị đánh đồng với nhau, không phân loại được học sinh yếu và học sinh trung bình, thậm chí cả học sinh khá. Do đó, việc cải tiến cách ra đề đảm bảo tính khoa học, phân loại được học sinh là vô cùng quan trọng.
Xin cảm ơn ông!
Từ ngày 2/3, Báo Giáo dục & Thời đại (gdtd.vn) và Báo Dân trí (dantri.vn) mở diễn đàn “Hiến kế xây dựng phương án điểm sàn mùa tuyển sinh 2013”. Các phương án của bạn đọc đề xuất sẽ được đăng tải trên báo để trao đổi, tranh luận. Mọi ý kiến tham gia diễn đàn xin gửi về email: diemsan2013@gmail.com |
Hiếu Nguyễn (thực hiện)