Phim về Trịnh Công Sơn khó bùng nổ

GD&TĐ - Đầu tư lớn nhưng hai bộ phim về Trịnh Công Sơn khó có kỳ tích như mục tiêu của nhà sản xuất, bởi không bùng nổ được do hiệu ứng khán giả thực sự không tốt.

Phim “Em và Trịnh” có doanh thu 3 ngày cuối tuần đầu tiên công chiếu là 11,8 tỉ đồng.
Phim “Em và Trịnh” có doanh thu 3 ngày cuối tuần đầu tiên công chiếu là 11,8 tỉ đồng.

5 năm lên ý tưởng, 1 năm casting, 2 năm nghiên cứu, 1 năm hậu kỳ, 3.000 diễn viên quần chúng, 30 bản Trịnh ca được làm mới, 78 bối cảnh, 700 bộ phục trang cho các nhân vật trải dài suốt 3 thập niên… của hai bộ phim: “Trịnh Công Sơn”, “Em và Trịnh”.

Hai phim Trịnh cùng lúc?

Galaxy EE thông báo hai bộ phim điện ảnh về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sẽ ra rạp cùng ngày 17/6 tới. Hai phim có tên “Em và Trịnh” và “Trịnh Công Sơn”, đều do Phan Gia Nhật Linh đạo diễn và có chung dàn diễn viên.

Với thông tin từ nhà sản xuất, cho rằng nội dung hai bộ phim sẽ không trùng lặp. “Em và Trịnh” khắc họa Trịnh Công Sơn đời thường với trái tim đa sầu đa cảm và các nàng thơ.

Nhân vật Trịnh Công Sơn sẽ xuất hiện trong cả thời trẻ lẫn thời trung niên. Còn “Trịnh Công Sơn” là bức chân dung về nhạc sĩ thời trẻ tuổi, mở ra cánh cửa để người xem hiểu hơn về người nhạc sĩ này.

Sẽ chính thức công chiếu từ ngày 17/6, nhưng nhiều suất chiếu sớm đã đón khán giả từ 10/6. Theo số liệu trên Box Office Việt Nam, phim “Em và Trịnh” có doanh thu 3 ngày cuối tuần đầu tiên công chiếu là 11,8 tỉ đồng với 121.668 vé bán ra. Phim “Trịnh Công Sơn” chỉ thu được 1,1 tỉ đồng với tổng vé bán được là 11.414.

Ngay trước những suất chiếu sớm, phía phát hành nói với báo chí: “Việc có tới hai bộ phim cùng lúc về Trịnh Công Sơn là một bất ngờ ngay cả với chính chúng tôi…

Xem lại gần 1.000 giờ quay, chúng tôi đã kinh ngạc khi phát hiện ra có đến hai câu chuyện, hai góc nhìn rất khác biệt về người nhạc sĩ, mà góc nhìn nào cũng có những nét đặc biệt thú vị. Vì thế, chúng tôi đã làm hai bộ phim để mong mỏi được chia sẻ điều thú vị đó...”.

Tuy nhiên, sự thực có như vậy không? Và sau những suất chiếu sớm, trên các diễn đàn mạng xã hội đã có những bình luận trái chiều từ khán giả. Hai bộ phim hóa ra lại là một, “Em và Trịnh” là bản phim dài, đem cắt đi 40 phút sẽ cho ra “Trịnh Công Sơn”.

Thêm 40 phút trong “Em và Trịnh”  chính là chuyện tình của người nhạc sĩ này với Michiko. Nói dễ hiểu, “Trịnh Công Sơn” là bản rút gọn của “Em và Trịnh”. Chính vì sự thực này, nên dư luận cho rằng, nhà sản xuất đã “chiêu trò” khi quảng cáo việc chiếu hai phim cùng ngày là sự kiện chấn động, mang tính lịch sử.

Nhà sản xuất phủ nhận đây là chiêu trò quảng cáo gây chú ý, phủ nhận do quá cầu toàn hay chắp vá: “Không phải vì quá cầu toàn hay không muốn bỏ sót. Quan trọng là chúng tôi muốn giới thiệu với khán giả hai cách hình dung khác nhau về cùng một huyền thoại âm nhạc”.

Một cảnh trong phim “Em và Trịnh”.

Một cảnh trong phim “Em và Trịnh”.

Khó đạt kỳ vọng

Đạo diễn xây dựng cùng lúc ba chân dung nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: Trải đời ở tuổi trung niên, nồng nhiệt thuở thanh xuân, yêu chuộng hòa bình giữa thời bom đạn. Tuy nhiên do ôm đồm tình tiết nên khi chuyển mạch, câu chuyện như bị bỏ lửng. Điểm cộng cho bộ phim - như nhận xét của giới phê bình, giàu cảm xúc nhờ hình ảnh khi chọn khung hình 4:3, và âm nhạc - được vang lên qua giọng diễn viên, khi văng vẳng từ đĩa than, đài radio. 

Trước các ý kiến trái chiều của dư luận về cách phát hành hai phim cùng ngày, nhà sản xuất Lương Công Hiếu - Tổng Giám đốc Galaxy EE - nói rằng: “Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn được xem là huyền thoại âm nhạc Việt. Việc có nhiều tưởng tượng khác nhau về cùng một huyền thoại là điều hết sức bình thường”.

Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh cho hay, bản thân ông ít quan tâm đến bình luận bên ngoài. Vì khán giả - họ có quyền yêu, ghét, khen, chê. “Ngay từ khoảnh khắc nói mình làm phim này là biết bước vào con đường bị chỉ trích. Thực ra bản thân nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng là nhân vật gây nhiều tranh cãi”.

Trên fanpage phim “Em và Trịnh” viết rằng: Không chỉ kể lại câu chuyện tình yêu lãng mạn của thời đại trước, “Trịnh Công Sơn”, “Em và Trịnh” muốn đưa khán giả của mình ngược dòng thời gian, tìm về nét đẹp của thập niên 60 - 70…

Chính vì nội dung phim đều diễn ra trong quá khứ nên việc phục dựng các bối cảnh trở thành thách thức lớn cho ê-kíp sản xuất. Đối với ê-kíp, mỗi cảnh quay đều là đại cảnh được dàn dựng công phu.

5 năm lên ý tưởng, 1 năm casting, 2 năm nghiên cứu, 1 năm hậu kỳ, 3.000 diễn viên quần chúng, 30 bản Trịnh ca được làm mới, 78 bối cảnh, 700 bộ phục trang cho các nhân vật trải dài suốt 3 thập niên… của hai bộ phim: “Trịnh Công Sơn”, “Em và Trịnh”.

Tuy nhiên, những con số trên trên Box Office Việt Nam đang cho thấy hai bộ phim về Trịnh Công Sơn khó có kỳ tích như mục tiêu của nhà sản xuất.

Mọi sự so sánh đều khập khiễng, nhưng nếu so với phim Việt bán vé thành công gần đây, thì trong 3 ngày “Nghề siêu dễ” thu về hơn 21 tỉ. Bên cạnh đó, “Chuyện ma gần nhà” đạt hơn 40 tỉ chỉ trong 3 ngày cuối tuần đầu tiên, “Bẫy ngọt ngào” dù thấp cũng có doanh thu lên tới gần 13 tỉ đồng.

Tính từ đầu năm 2022 đến nay, không có phim Việt nào đạt trên 100 tỉ đồng. “Bẫy ngọt ngào” cao nhất cũng chỉ đạt trên 83 tỉ đồng, “Nghề siêu dễ” trên 68 tỉ đồng, “Chuyện ma gần nhà” gần 59 tỉ đồng.

Với những con số ấn tượng trong 3 ngày cuối tuần đầu tiên của các bộ phim kể trên, mà tổng doanh thu cũng không đạt được 100 tỉ. Trong khi “Em và Trịnh” chỉ đạt 11,8 tỉ đồng - thì khó có được doanh thu trên 100 tỉ đồng nhằm hòa vốn.

Tuy nhiên, nhà sản xuất, đạo diễn và ê-kíp làm phim về Trịnh Công Sơn có quyền lạc quan về sản phẩm của mình. Ba mươi chưa phải là Tết, khen – chê đôi khi cũng chỉ là một phép thử đối với sự quyết tâm khi đưa phim ra rạp. Quan trọng, vẫn là chiến lược thu hút khán giả đến với một thân phận lớn như Trịnh Công Sơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ