Trịnh Công Sơn “vẫn hát”

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm ngày mất nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (1/4/2001 - 1/4/2021), nhiều chương trình văn nghệ, ra mắt sách... được tổ chức trên khắp cả nước để tưởng nhớ ông.

Trường ĐH Văn Lang khánh thành Hội trường mang tên Trịnh Công Sơn.
Trường ĐH Văn Lang khánh thành Hội trường mang tên Trịnh Công Sơn.

Không những thế tên ông đã được đặt cho hội trường lớn của một trường đại học.

Thao thức cùng âm nhạc của Trịnh

Đêm thao thức cùng Trịnh dự kiến được tổ chức vào tối 1/4 kéo dài tới rạng 2/4 do nhóm câu lạc bộ (CLB) những người hâm mộ Trịnh Công Sơn tổ chức.

Theo anh Hữu Lợi, thành viên CLB những người hâm mộ Trịnh Công Sơn, chương trình diễn ra suốt đêm, mọi người thắp nến, cắm hoa và cùng uống rượu, hát ca khúc của Trịnh. Năm nào chương trình cũng thu hút hàng trăm khán giả cùng nhiều ca sĩ quen thuộc tham dự như Thuỷ Tiên, Thế Vinh, Hà Chương…

“Năm vừa qua chương trình không thể thực hiện được do dịch Covid-19. Tôi nghĩ, năm 2021 chương trình sẽ được nhiều người quan tâm hơn, bởi năm nay là giỗ lớn của Trịnh khiến người ta nhớ nhiều hơn, nghĩ tới nhiều hơn”, anh Hữu Lợi chia sẻ. 

Bên cạnh đó, tại Đường sách Nguyễn Văn Bình (Q.1, TPHCM), người yêu Trịnh sẽ tổ chức đêm nhạc Trịnh Công Sơn. Đây là nơi để mọi người giãi bày tâm sự, chia sẻ những kỷ niệm, tình cảm của mình với nhạc sĩ và các ca khúc của ông theo cách riêng của mình.

Đồng thời, tại ngôi nhà Trịnh Công Sơn sống những ngày cuối đời (hẻm 47 đường Phạm Ngọc Thạch, Q.3, TPHCM) ca sĩ Quang Dũng, Đức Tuấn, Hồng Nhung, Trần Mạnh Tuấn, An Trần, Cẩm Vân, Hồng Vân... sẽ thể hiện những ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Chương trình chỉ dành cho khách mời thân thiết nhưng sẽ được phát trực tiếp để mọi người cùng được nhìn ngắm ngôi nhà cùng với những kỷ niệm thân thương của người nhạc sĩ tài hoa.

Diễn ra đúng ngày mất của Trịnh Công Sơn (1/4), đêm nhạc Có một ngày như thế do ca sĩ Ánh Tuyết tổ chức sẽ diễn ra tại vườn tượng An Hội (TP Hội An, tỉnh Quảng Nam) với sự tham gia của ca sĩ Kyo York, Quỳnh Lan, Phi Thúy Hạnh, Tấn Đạo... Chương trình chỉ phát vé mời cho những người yêu nhạc Trịnh tới thưởng thức. 

Đặc biệt, ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh (em gái Trịnh Công Sơn), cho biết, ngày 17/4 năm nay gia đình sẽ phối hợp với tỉnh Quảng Trị tổ chức đêm nhạc Hãy yêu nhau đi.

Đây là lần đầu tiên chương trình được tổ chức tại Công viên Fidel Castro, TP Đông Hà (tỉnh Quảng Trị) với mong muốn góp thêm tiếng nói để Quảng Trị - mảnh đất nhiều đau thương, mất mát trong chiến tranh - trở thành biểu tượng khát vọng hòa bình mang tầm quốc gia và quốc tế.

Nhạc Trịnh đi vào học đường

Trường ĐH Văn Lang (VLU) cho hay tối ngày 9/4, nhà trường cùng gia đình cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sẽ tổ chức đêm nhạc với chủ đề “20 năm nhớ Trịnh Công Sơn 2021” tại Hội trường Trịnh Công Sơn VLU. Đây là sự kiện thường niên được tổ chức hàng năm tại Trường ĐH Văn Lang trong chính Hội trường mang tên cố nhạc sĩ.

Trước đó, vào ngày 22/4/2019, trong chuyến thăm cơ sở 3 Trường ĐH Văn Lang của gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, lãnh đạo VLU bày tỏ ý định được đặt tên cho Hội trường lớn là Trịnh Công Sơn. Xúc động trước thành ý này, ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh (em gái nhạc sĩ Trịnh Công Sơn) và chồng bà là doanh nhân Nguyễn Trung Trực đồng ý với lời đề nghị của lãnh đạo VLU.

Ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh chia sẻ: “Với một hội trường đẹp như vậy, tôi hy vọng một ngày nào đó, nhóm du ca Trịnh Công Sơn của chúng tôi sẽ có cơ hội biểu diễn ở đây, hát cho sinh viên trên sân khấu này”.

Từ quyết định đó, gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và VLU đã cùng lên ý tưởng trong nhiều tháng trước khi chính thức công bố tổ chức Đêm nhạc “Nối vòng tay lớn” (tháng 9/2019), một sự kiện chính thức công nhận hội trường rộng lớn tại cơ sở 3 Văn Lang được mang danh xưng Trịnh Công Sơn – một tượng đài trong làng âm nhạc Việt Nam.

Hội trường Trịnh Công Sơn sẽ không chỉ là sợi dây kết nối với gia đình nhạc sĩ, mà còn là dấu ấn văn hóa của sinh viên và giảng viên VLU.

Hằng năm, những sự kiện âm nhạc tưởng nhớ nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sẽ được tổ chức tại Hội trường này, với quy mô 1.600 chỗ ngồi và những chuẩn mực thiết kế của một nhà hát chuyên nghiệp. Đây là tiền đề tạo điều kiện cho sinh viên Văn Lang được tiếp cận và tìm hiểu các loại hình văn hóa nghệ thuật.

Không chỉ vậy phía ngoài hội trường, VLU cho trang trí bức tranh điêu khắc chân dung của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn như là một món quà độc đáo lưu kỷ niệm lại tại cơ sở 3 của trường.

“Sự hiện diện tác phẩm điêu khắc của một tượng đài âm nhạc Việt Nam trong không gian đại học là điều thật đặc biệt! Món quà như một minh chứng về sự nối tiếp tinh thần Trịnh Công Sơn nơi giảng đường đại học, là dấu ấn văn hóa của sinh viên và giảng viên VLU.

Hằng năm, những sự kiện âm nhạc tưởng nhớ nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sẽ được tổ chức tại Hội trường này, nối dài tình yêu nhạc Trịnh với người trẻ” - TS Võ Văn Tuấn - Phó Hiệu trưởng VLU chia sẻ.

Địa đàng còn in dấu chân người

Ấn phẩm “Trịnh Công Sơn và cây đàn lyre của hoàng tử bé” của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường được NXB Trẻ tái bản, ra mắt bạn đọc đúng vào ngày 1/4. Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường cũng là người bạn thời niên thiếu của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Tác phẩm có sự đóng góp rất lớn từ gia đình họa sĩ Đinh Cường, đã cung cấp ảnh bìa và những bức tranh quý khác vẽ chân dung Trịnh Công Sơn.

Từ anh Trần Viết Ngạc, đã cung cấp những tư liệu về hoạt động tham dự của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong phong trào đấu tranh đòi hòa bình của sinh viên học sinh các thành phố, và từ anh Nguyễn Văn Dũng, anh Nguyễn Trọng Huấn đã giúp tác giả Hoàng Phủ Ngọc Tường hoàn chỉnh bản thảo.

“Trịnh Công Sơn và cây đàn lyre của hoàng tử bé” được xem như một cuốn phim quay chậm từng khoảnh khắc trong cuộc đời Trịnh Công Sơn, với ba chương: “Dấu chân địa đàng”, “Tuổi đá buồn” và “Để gió cuốn đi”. Ở chương đầu “Dấu chân địa đàng” là những ngày tháng còn thơ ấu, những ảnh hưởng đến Trịnh Công Sơn được miêu tả chân thực và sinh động.

Âm nhạc của ông được nuôi dưỡng từ những nỗi buồn, từ những xúc cảm về một miền xa xăm, từ tình yêu của mẹ và từ tư tưởng Phật giáo.

Tác giả Hoàng Phủ Ngọc Tường cũng dành nhiều lời khen cho ca từ đậm chất thơ của Trịnh Công Sơn: “Nhưng chính ca từ của Trịnh Công Sơn mới khiến người ta lạ lùng, và dành cho Trịnh Công Sơn một vị trí đặc biệt trong nền âm nhạc Việt Nam, một vị trí dành cho nhà thơ, giữa những nhà thơ hàng đầu của Việt Nam thời tiền chiến, cả bây giờ cũng thế…”.

Những phần cuối tác phẩm, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đã dành những giây phút lắng đọng để cùng độc giả nhìn lại cuộc đời, sự nghiệp của Trịnh Công Sơn. Những câu từ như thước phim quay chậm lướt qua từng mảng ký ức, từng nhịp, từng hồi thăng trầm trong đời của con người tài hoa này. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cây guitar bí ẩn.

Những cây đàn huyền bí

GD&TĐ - Trong một số trường hợp, nhạc cụ còn được cho là sở hữu sức mạnh huyền bí, mắc lời nguyền.