Philippines: Sự sụp đổ của một thế hệ

GD&TĐ - Philippines thông báo đang chuẩn bị cho việc mở lại các tổ chức giáo dục. Theo kế hoạch, khoảng 120 trường học tại nước này sẽ hoạt động trở lại.

Jonathan Mapa không thể học trực tuyến khi đại dịch bùng phát.
Jonathan Mapa không thể học trực tuyến khi đại dịch bùng phát.

Tuy nhiên, đối với khoảng 2,3 triệu trẻ em được cho là đã bỏ học kể từ tháng 3 năm ngoái, quyết định mở lại trường học có lẽ đã quá muộn.

Vòng quay của nghèo đói

Khi các tổ chức giáo dục lần đầu tiên đóng cửa, Jonathan Mapa (12 tuổi) đã sử dụng điện thoại của chị gái để tham gia học trực tuyến. Song, việc học trực tuyến của Jonathan đã bị dừng lại, sau khi chị gái cậu chuyển đến một thành phố khác để làm việc. Trong khi đó, gia đình em không đủ điều kiện mua thêm một chiếc điện thoại khác.

“Gia đình em không còn tiền để mua thức ăn. Em ghen tị với những đứa trẻ khác vì các bạn sở hữu điện thoại di động”, cậu bé tâm sự.

Bất chấp sự lo lắng của cha, cách đây 9 tháng, Jonathan chấp nhận làm công việc nguy hiểm để kiếm thêm thu nhập. Tuy nhiên, ngay cả đối với những đứa trẻ may mắn hơn được tiếp tục đi học, việc ảnh hưởng là điều khó tránh khỏi. Các cuộc khảo sát tại Philippines cho thấy, kết quả học tập từ xa của học sinh nước này trở nên “ảm đạm”.

Nhiều chuyên gia cho biết, các trường học đóng cửa đồng nghĩa với việc, những đứa trẻ này phải đối mặt với mất mát và mức cắt giảm lương trong nhiều thập kỷ sau. Bởi, chúng sẽ “mắc kẹt” trong “vòng quay của nghèo đói”. Các dữ liệu cũng cho thấy, cuộc khủng hoảng học tập có thể ảnh hưởng đến năng suất và nền kinh tế của Philippines trong 40 năm tới.

Trước khi xảy ra đại dịch, cha của Jonathan - ông Jonathan Mapa Senior - một người lái xe ôm, đã kiếm đủ tiền để trang trải cho việc mua thực phẩm, trả các hóa đơn và đóng học phí.

Đồng thời, ông có thể trợ cấp cho con trai 10 peso (0,20 USD) mỗi ngày. Tuy nhiên, hiện tại, ông không thể trả tiền thuê nhà hoặc điện và nước. Mặc dù nhiều trẻ em trong cộng đồng ở Tondo (Manila) bắt đầu nhặt rác để tìm các vật dụng có thể tái chế trong đại dịch Covid-19, người đàn ông 47 tuổi này không muốn con trai mình đảm nhận công việc nguy hiểm như vậy.

“Tôi chỉ biết về việc Jonathan đi làm khi hỏi vợ. Thằng bé không xin phép vì biết rằng, tôi sẽ không đồng ý. Jonathan còn quá nhỏ. Thằng bé có thể gặp tai nạn, hoặc có thể bị chính quyền thành phố bắt”, ông Mapa tâm sự.

Trong bối cảnh phong toả toàn quốc do Covid-19, Chính phủ Philippines đã trợ cấp trung bình 78 USD/tháng cho các gia đình. Song, con số này chỉ bằng một nửa số tiền ông Mapa kiếm được. Khi chính phủ phát máy tính bảng điện tử cho học sinh, ông Mapa đã xếp hàng.

Tuy nhiên, số lượng máy tính bảng có hạn và ông Mapa không được nhận. Song, Jonathan không từ bỏ việc học, mặc dù cậu chưa biết mình sẽ trở lại bằng cách nào.

Vì vậy, cậu quyết định nhặt rác để tiết kiệm tiền tới trường. Với công việc này, cậu có thể kiếm được 0,4 USD mỗi buổi chiều. Ngay khi Jonathan tiết kiệm được 1.500 peso (29,5 USD), gia đình cậu lại gặp khó khăn khác. Mẹ Jonathan bị ốm và cần sử dụng khoản tiền đó để chữa bệnh.

Khủng hoảng thế hệ

Cậu bé 12 tuổi phải đi làm thêm để hỗ trợ gia đình.
Cậu bé 12 tuổi phải đi làm thêm để hỗ trợ gia đình.

Các chuyên gia nhận định, Chính phủ Philippines đã bỏ qua tác động của đại dịch đối với thanh thiếu niên. Trong khi đó, việc đóng cửa các trường học sẽ làm tổn thương cả một thế hệ.

“Tôi không muốn trở nên quá bi quan. Tuy nhiên, tôi nghĩ, phải nhìn nhận rằng, chúng ta đang thực sự đối mặt với một cuộc khủng hoảng. Đó không chỉ là khủng hoảng học tập mà là một cuộc khủng hoảng thế hệ sẽ ảnh hưởng đến tất cả các thành phần của xã hội”, Tiến sĩ Edilberto De Jesus - thành viên nghiên cứu cấp cao tại Trường Chính phủ Ateneo, cho biết.

Vào tháng 5 năm ngoái, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte từng tuyên bố sẽ không cho phép học sinh trở lại trường học đến khi có vắc-xin. Đến nay, Philippines đã ghi nhận hơn 2,7 triệu trường hợp mắc bệnh và hơn 40.000 ca tử vong do Covid-19.

Trong khi đó, chưa đến 1/4 dân số nước này được chủng ngừa. Ngoài Philippines, Venezuela là quốc gia duy nhất trên thế giới không nối lại các lớp học trực tiếp.

Vincent Ramos - nghiên cứu sinh về chính sách kinh tế tại Trường Hertie ở Berlin (Đức) cho biết, việc đóng cửa tất cả trường học trong nước không phải là cách tiếp cận đúng đắn.

Lý do là bởi không phải tất cả các khu vực trong một quốc gia đều bị  ảnh hưởng theo cách tương tự bởi Covid-19. Trong khi đó, ông De Jesus cho biết, một lần nữa, đất nước có thể phải dựa vào các tổ chức phi chính phủ (NGO) và xã hội dân sự để hỗ trợ chính phủ, giúp đáp ứng nhu cầu cơ bản của người dân.

Bà Elenita Reyes - người đứng đầu làng Barangay 105 (Manila) cho biết, những hạn chế về đại dịch và di chuyển đã dẫn đến việc giảm viện trợ từ các tổ chức phi chính phủ.

“Trước đại dịch, chúng tôi đã làm tốt. Chúng tôi nhận được sự giúp đỡ. Trẻ em được các tổ chức phi chính phủ tặng giày dép, thức ăn, các loại vitamin. Tuy nhiên, hiện, họ chỉ có  thể cung cấp cho chúng tôi 1/4 hoặc 1/2 so với trước đây”, bà Elenita Reyes bày tỏ.

Hỗ trợ sức khoẻ tâm thần

Jonathan Mapa thường thu thập những món đồ có thể tái chế.
Jonathan Mapa thường thu thập những món đồ có thể tái chế.

Ngay cả đối với những trẻ em vẫn cố gắng “bám trụ”, kết quả học tập từ xa vẫn rất ảm đạm. Từ cuối tháng 6 đến đầu tháng 7, nhóm xã hội dân sự - Phong trào Giáo dục An toàn, Bình đẳng, Chất lượng và Phù hợp (SEQuRe Education Movement) đã khảo sát gần 6.000 người bao gồm giáo viên, học sinh và phụ huynh. Kết quả cho thấy, có 73% trong số 1.299 sinh viên được khảo sát xác nhận đã không tham gia các lớp học trực tuyến hoặc không nộp bài tập đúng hạn.

Đa số cho biết, họ học kém hơn so với khi tới trường. Nhóm xã hội dân sự kết luận: “Rõ ràng là tình trạng thiếu tài nguyên giảng dạy và học tập, cũng như chương trình đào tạo từ xa được thiết kế không hợp lý đã cản trở việc học tập từ xa hiệu quả”.

Điểm số của Judith Damiar (14 tuổi) đã “tuột dốc” trong quá trình học tập từ xa. Vì gia đình sống ở Wawa - nơi kết nối Internet không ổn định, Judith đã chọn “học từ xa theo mô-đun”. Với chương trình này, giáo viên sẽ phát và thu lại tài liệu cũng như bài tập trên giấy ít nhất mỗi tuần một lần. Tuy nhiên, Judith không có ai để hỏi khi chưa hiểu bài.

“Với các mô-đun, giáo viên thực sự không thể giải thích vì họ không có ở đây. Cha mẹ em cũng không thể giải thích đúng cách. Thật đau lòng khi chứng kiến điểm số bị ảnh hưởng, trong khi cha mẹ đang hỗ trợ em”, nữ sinh này tâm sự.

Theo Giáo sư Lizamarie Campoamor-Olegario - trưởng nhóm nghiên cứu của SEQuRE, những cảm giác như vậy có thể gây ra ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần ở trẻ em, bao gồm căng thẳng, lo lắng, trầm cảm và hoảng loạn.

“Học sinh gặp lo lắng thường là do sự quá tải trong các nhiệm vụ ở lớp và gia đình. Họ cũng hạn chế hoặc thiếu tương tác xã hội, cũng như không thể hiểu các bài học trực tuyến. Hoặc, họ đã gặp khó khăn trong việc tự định hướng”, Giáo sư Lizamarie nhận định.

Vào tháng 9, Cơ quan Kinh tế và Phát triển Quốc gia của Philippines ước tính, thiệt hại do nghỉ học và tình trạng cắt giảm lương ở các phụ huynh sẽ lên tới 11 nghìn tỷ peso (tương đương 220 tỷ USD) trong 40 năm tới.

Trong khi đó, tổn thất do tử vong sớm, đau ốm và không có khả năng tiếp cận dịch vụ điều trị các bệnh liên quan đến Covid-19 sẽ rơi vào khoảng 4,5 nghìn tỷ peso trong 40 năm tới.

Trước khi đại dịch xảy ra, gia đình của Juriel Natividad (19 tuổi) đủ điều kiện để cậu đăng ký vào một trường tư thục. Nếu Covid-19 không xuất hiện, có lẽ, Juriel đã là sinh viên năm thứ hai của trường đại học.

Tuy nhiên, hiện tại, cậu đã bỏ học. Lý do là bởi, mẹ của Juriel - bà Alma đã mất việc làm do đại dịch. Hiện, bà Alma dành thời gian chăm sóc cửa hàng nhỏ của gia đình. Thu nhập của bà chỉ có thể trang trải cho nhu cầu hằng ngày.

Mặc dù muốn hỗ trợ gia đình, nhưng Juriel cho biết, thị trường việc làm hiện vô cùng khó khăn. Juriel bày tỏ mong muốn chính phủ sẽ giúp trẻ em trở lại trường học. Đồng thời, có thể giúp những người như Juriel tìm được việc làm.

“Thế hệ của chúng tôi đang phải chịu những bất ổn tinh thần tồi tệ nhất. Tôi không thể tránh khỏi cảm giác lo lắng và chán nản vì khó khăn”, Juriel tâm sự.

Trang tin Rappler của Philippines đưa tin, trong tháng 10, có 59 trường công lập đã vượt qua đánh giá của các quan chức y tế để thí điểm mở lại lớp học trực tiếp. Tuy nhiên, sau đó, 29 trường đã xin rút. Một số lý do bao gồm các đơn vị chính quyền địa phương hoặc phụ huynh không ủng hộ việc mở lại trường học.

Tại Philippines, các trường phải có sự ủng hộ bằng văn bản của phụ huynh và học sinh để có thể hoạt động trực tiếp. Tối đa 100 trường công lập và 20 trường tư thục có thể tham gia vào cuộc thí điểm, dự kiến kết thúc vào ngày 31/1/2022.

Bộ trưởng Giáo dục Philippines Leonor Briones cho biết, nếu thử nghiệm được chứng minh là an toàn và hiệu quả, số lượng trường học hoạt động trực tiếp có thể tăng lên. Tuy nhiên, đối với chuyên gia De Jesus, trừ khi những đứa trẻ được giáo dục, sẽ không có hy vọng nào để chúng cải thiện vị thế trong cuộc sống. Trong khi đó, đối với nhiều gia đình, tương lai của trẻ đang vô cùng “mờ mịt”.

“Nếu số phận tốt đẹp, tôi ước gì Jonathan sẽ kiếm được một tấm bằng dạy học, trở thành một giáo viên, hoặc miễn là thằng bé học xong”, ông Mapa chia sẻ. Đối với Judith, anh hy vọng có thể hoàn thành việc học và trở thành cảnh sát, ở một thế giới không còn Covid-19...

Theo CNA

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ