Philippines: Nhiều trẻ bỏ học trở thành “lực cản cho sự phát triển xã hội”

GD&TĐ - Philippines dự kiến tái mở cửa 120 trường học vào tháng 11 nhưng với 2,3 triệu trẻ em bỏ học từ tháng 3 năm ngoái, mọi việc đã quá muộn.

Jonathan bỏ học đi nhặt phế liệu.
Jonathan bỏ học đi nhặt phế liệu.

Jonathan, 12 tuổi, sống tại Tondo, thủ đô Manila, cho biết, khi trường học đóng cửa, em sử dụng điện thoại của chị gái để theo dõi các bài học trực tuyến. Nhưng sau đó, chị gái đã chuyển đến thành phố khác làm việc. Gia đình cậu bé không đủ tiền mua một chiếc điện thoại thông minh cho con học trực tuyến, đặc biệt khi phải lo cơm áo gạo tiền khi đất nước phong tỏa.

Jonathan chia sẻ: “Nhà em thậm chí không có tiền để mua thức ăn. Em ghen tị với bạn bè vì có điện thoại di động”.

9 tháng trước, để phụ cha mẹ kiếm sống, Jonathan bắt đầu nhặt rác và đồ nhựa tái chế. Em cũng nghỉ học vì không có thiết bị học trực tuyến. Nhiều đứa trẻ khác tại Manila cũng đang làm công việc tương tự để kiếm thêm thu nhập cho gia đình.

Khi thành phố phong tỏa, chính phủ Philippines hỗ trợ mỗi gia đình khó khăn 78 USD (khoảng 1,7 triệu đồng) một tháng. Nhưng số tiền này quá ít, chỉ bằng một nửa số tiền gia đình Jonathan bình thường kiếm được. Cậu bé cũng đăng ký nhận máy tính bảng trong chương trình quyên góp và ủng hộ thiết bị học cho học sinh khó khăn nhưng phải xếp hàng rất lâu.

Tương tự Jonathan, em Juriel Natividad, 19 tuổi, phải bỏ học đại học do gia đình không đủ khả năng chi trả học phí tư thục. Juriel đã từ bỏ ước mơ trở thành sinh viên ngành Điện ảnh.

Juriel bày tỏ: “Thế hệ của chúng em đang phải chịu đựng những bất ổn tinh thần tồi tệ nhất. Em không thể tránh khỏi cảm giác lo lắng, chán nản về những khó khăn hiện tại”.

Ước tính, 73% trong gần 1.300 học sinh Philippines không học trực tuyến. Hầu hết các em học kém hơn so với trước dịch Covid-19.

TS Edilberto De Jesus, thành viên nghiên cứu cấp cao tại Trường Chính phủ Ateneo, cho biết: “Tôi không muốn quá bi quan nhưng thực tế đất nước đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng. Không chỉ liên quan đến học tập, nó sẽ ảnh hưởng đến cả xã hội”.

Tháng 5 năm ngoái, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte từng khẳng định không cho học sinh trở lại trường đến khi có vắc-xin. Cho đến nay, nước này ghi nhận hơn 2,7 triệu người nhiễm bệnh và 40.000 trường hợp tử vong. Hơn 1/4 dân số đã được tiêm vắc-xin.

De Jesus đánh giá nếu chính phủ không có phương án hỗ trợ 26 triệu học sinh, nhiều em sẽ bỏ học và sau này trở thành “lực cản cho sự phát triển xã hội”. Theo tiến sĩ, chính phủ cần phối hợp chặt chẽ với các tổ chức phi chính phủ và xã hội để bổ sung nguồn lực đáp ứng nhu cầu cơ bản của người dân.

Vào tháng 9, Cơ quan Kinh tế và Phát triển quốc gia Philippines ước tính trong 40 năm tới, nước này sẽ thiệt hại 220 tỷ USD do gián đoạn học tập trong giai đoạn dịch Covid-19.

Với những đứa trẻ may mắn hơn Jonathan khi được học trực tuyến, kết quả học tập cũng bị ảnh hưởng. Theo các chuyên gia, chính phủ đã bỏ qua tác động của đại dịch với thanh thiếu niên và việc đóng cửa trường học sẽ làm tổn thương thế hệ trẻ cùng tương lai của các em.

Em Judith Damiar, 14 tuổi, thừa nhận kết quả học tập giảm sút trong quá trình học trực tuyến. Gia đình em sống tại Wawa, tỉnh Rizal, khu vực có kết nối Internet kém, thậm chí gần như mất sóng.

Do đó, em nhận phiếu bài tập hàng tuần từ giáo viên nhưng không có ai để hỏi nếu gặp bài tập khó hoặc vấn đề không hiểu. Damiar cảm thấy bất lực và buồn bã khi kết quả học tập sa sút dù bố mẹ đã cố gắng hết sức để em được tiếp tục học.

“Em hi vọng có thể trở lại trường học. Sau đó, em mong rằng Covid-19 sớm bị tiêu diệt”, em Damiar bày tỏ.

Theo CNA

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.