Trong khi hầu hết các quốc gia trên thế giới đã mở cửa một phần hoặc toàn bộ trường học, Philippines vẫn học trực tuyến năm thứ 2 liên tiếp vì dịch Covid-19.
Báo cáo của các tổ chức giáo dục thế giới chỉ ra nếu tiếp tục tình trạng này, cuộc khủng hoảng giáo dục tại Philippines sẽ càng thêm trầm trọng. Trong tương lai, vấn đề này sẽ ảnh hưởng trực tiếp lên nền kinh tế và xã hội đất nước.
Dự án thí điểm do Tổng thống Rodrigo Duterte phê duyệt cho phép 120 trường công lập tại các khu vực có nguy cơ lây nhiễm Covid-19 thấp tái mở cửa trong khoảng 2 tháng. 20 trường tư thục cũng có thể đăng ký tham gia.
Ông Harry Roque, người phát ngôn của Tổng thống Rodrigo Duterte cho biết: “Chúng tôi thí điểm các lớp học trực tiếp không chỉ vì vấn đề giáo dục mà còn là vấn đề sức khoẻ tâm thần của trẻ em. Đây cũng là vấn đề của nền kinh tế nếu thế hệ tương lai mất đi thời gian học tập quý giá”.
Chính quyền các địa phương sẽ đánh giá điều kiện tái mở cửa và chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị phòng chống dịch của trường đăng ký tham gia. Đồng thời, phải có sự đồng ý bằng văn bản của phụ huynh.
Đối tượng học sinh tham gia từ mẫu giáo đến lớp 3 và bậc THPT nhưng số lượng học sinh và thời gian học trực tiếp có giới hạn. Đến nay, 95 trường tiểu học công lập, 5 trường THPT và 20 trường tư thục đã đáp ứng điều kiện tham gia. Danh sách chính thức sẽ được Bộ Giáo dục thông báo sau.
Bộ Giáo dục Philippines yêu cầu giáo viên, nhân viên trường học tham gia chương trình thí điểm cần tiêm đủ 2 mũi vắc-xin phòng Covid-19. Những người này phải dưới 65 tuổi, không có bệnh lý nền.
Trước đó, quy định tiêm chủng cho giáo viên là không bắt buộc nhưng hiện nay, để mô hình thí điểm diễn ra an toàn, Bộ Giáo dục phối hợp với Bộ Y tế yêu cầu giáo viên, nhân viên nghiêm túc thực hiện. Các lớp học sẽ chỉ có một giáo viên để hạn chế sự tiếp xúc.
Đại diện Chính phủ Philippines cho biết, khi kế hoạch thí điểm đạt hiệu quả, đất nước có thể từng bước mở cửa các trường phổ thông, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch và an toàn sức khoẻ cho học sinh, giáo viên. Tuy nhiên, từ nay cho đến thời điểm thích hợp, việc học trực tuyến vẫn là lựa chọn phù hợp.
Bà Oyunsaikhan Dendevnorov, đại diện Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) tại Philippines cho rằng, việc đóng cửa trường học gây nên hàng loạt hệ lụy cho học sinh như nguy cơ gặp các vấn đề về tinh thần, bỏ học, phải lao động sớm hay tảo hôn.
Động thái đóng cửa trường học năm thứ 2 liên tiếp đã tác động tiêu cực đến học sinh, phụ huynh, đặc biệt tại quốc gia có tỷ lệ nghèo đói cao như Philippines. Mạng lưới sóng Internet cũng không đồng đều, làm gia tăng bất bình đẳng và đói nghèo cho trẻ em trên cả nước.