Phi đội huyền thoại trong Thế chiến II

GD&TĐ - Các phi công thuộc Phi đội Tuskegee đã chiến đấu chống lại phe phát xít trong Thế chiến II và trở thành những anh hùng được kính trọng.

Các phi công của Phi đội Tuskegee chuẩn bị xuất kích.
Các phi công của Phi đội Tuskegee chuẩn bị xuất kích.

Họ là những người Mỹ gốc Phi được đào tạo lái máy bay trong bối cảnh chủ nghĩa phân biệt chủng tộc ở Mỹ vẫn còn nặng nề.

Thử nghiệm thành công

Việc đào tạo phi công da đen ở Tuskegee, Alabama năm 1941 được xem là một “cuộc thử nghiệm”, bởi Chính phủ Mỹ không chắc sẽ thành công. Bằng những thuật ngữ hàm ý phân biệt chủng tộc, chính phủ cho rằng họ hoàn toàn không được trang bị đầy đủ để trở thành người lính.

Các tổ chức dân quyền như NAACP và những tờ báo của người da đen như The Chicago Defender và The Pittsburgh Courier đã đấu tranh chống lại quan điểm này. Tuy nhiên, kế hoạch này đã cho ra đời đội ngũ phi công, hoa tiêu, thợ cơ khí và xạ thủ dũng cảm.

Mãi đến tháng 9/1940, khi chiến tranh đang diễn ra khốc liệt ở châu Âu, Chính phủ Mỹ mới đồng ý cho Quân đoàn Không quân (AAC) đào tạo phi công gốc Phi. Vào ngày 16/1/1941, Bộ trưởng Lục quân Henry L. Stimson đã phê chuẩn việc thành lập “Phi đội truy kích” gồm các phi công da đen được đào tạo ở Tuskegee, Alabama. Tháng 3 năm đó, Tổng thống Franklin D. Roosevelt chính thức ký lệnh cho phép Phi đội truy kích 99 toàn người da đen (sau này được gọi là Phi đội Tiêm kích 99) hoạt động.

Phi công Tuskegee Leroy Roberts Jr. sau này nhớ lại: “Chúng tôi không được trao cơ hội như các học viên da trắng. Trước đó đã có một số nghiên cứu ngu ngốc nói rằng chúng tôi không có đủ tố chất cần thiết để lái máy bay.

Với nhiều áp lực, cuối cùng họ mới quyết định xây dựng sân bay quân sự ở Tuskegee, Alabama để đào tạo phi công da đen, nhưng dự đoán chúng tôi sẽ không thành công. Tất nhiên chúng tôi quyết tâm không thất bại”.

Cái gọi là đào tạo thử nghiệm đã thu hút người Mỹ da đen từ khắp nơi trên đất nước. Gần 1.000 người trở thành phi công và khoảng 14.000 người được đào tạo thành hoa tiêu, kỹ sư, thợ cơ khí và xạ thủ. Chương trình này sớm được tuyên truyền rộng rãi vào tháng 3/1941, khi đệ nhất phu nhân Eleanor Roosevelt đến thăm Học viện Tuskegee.

“Cuối cùng, chúng tôi đã đến sân bay, nơi các phi công gốc Phi đang hoạt động sôi nổi. Họ đã được đào tạo nâng cao và một số học viên đã điều khiển máy bay nhào lộn cho chúng tôi xem. Những chàng trai này là những phi công giỏi. Tôi rất vui khi được lên một trong những chiếc máy bay huấn luyện và ngắm nhìn vùng nông thôn thú vị này từ trên không”, bà kể lại.

Các chiến binh quả cảm

phi-doi-huyen-thoai-trong-the-chien-ii-2.jpg
Tượng đài kỷ niệm Phi đội Tuskegee.

Vào ngày 7/3/1942, khóa học viên đầu tiên tốt nghiệp Trường Không quân Tuskegee. Đây là những phi công quân sự người Mỹ da đen đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ. Tháng 4/1943, Phi đội truy kích số 99 được cử đi chiến đấu ở Bắc Phi và sau đó là Sicily (Italy). Tuy nhiên, ban đầu họ chỉ được giao những chiếc máy bay cũ, cồng kềnh, ít được không lực sử dụng trong chiến tranh.

Không chỉ các phi công của Tuskegee phải đối mặt với nạn phân biệt chủng tộc. Học viên thuộc lĩnh vực cơ khí cũng vậy. Cho rằng các phi công Mỹ gốc Phi sẽ thất bại nên Không quân cung cấp hạn chế các bộ phận hoặc bất cứ thứ gì tương tự để sửa chữa máy bay.

Bất chấp những thách thức này, các phi công Tuskegee đã chiến đấu anh dũng trên chiến trường. Họ đã thực hiện hơn 15.000 phi vụ riêng lẻ, tiêu diệt 36 máy bay Đức Quốc xã trên không và 237 chiếc trên mặt đất, đồng thời phá hủy khoảng 1.000 toa tàu và phương tiện vận tải của đối phương.

Và khi phục vụ trong phi đội máy bay ném bom của Đội ném bom số 477 (tiền thân của Đội tổng hợp số 477) vào năm 1944, các phi công Tuskegee đã chiến đấu hiệu quả đến mức có tin đồn rằng họ không hề để mất một máy bay nào.

Bất chấp sự phục vụ dũng cảm, các phi công Tuskegee đã phải đối mặt với những bất công khi hoàn thành nhiệm vụ. Rất ít phi công Tuskegee được tổ chức lễ chào đón khi họ về đến nhà bằng tàu.

Thậm chí, nhiều người trong số họ còn được yêu cầu xuống tàu ở lối ra khác với lối ra của những người da trắng. Trở về sau khi Thế chiến II kết thúc, các phi công Tuskegee đã chán nản khi nhận thấy tệ phân biệt chủng tộc không có nhiều thay đổi.

“Chúng tôi từng hy vọng sau khi hoàn thành những gì đã làm sẽ được chấp nhận theo cách tốt hơn trước đây, nhưng mọi thứ về cơ bản vẫn không thay đổi”, phi công Leroy Roberts Jr. nhớ lại và cho biết: “Chúng tôi nghĩ mọi người sẽ chú ý hơn đến những gì chúng tôi thể hiện trên chiến trường, những gì chúng tôi đã đạt được, những gì chúng tôi đã hy sinh. Nhưng điều đó không tạo nên sự khác biệt lớn”.

Tuy nhiên, sự phục vụ dũng cảm của họ đã đánh dấu một bước tiến quan trọng. Chỉ vài năm sau khi Thế chiến II kết thúc, vào ngày 26/7/1948, Tổng thống Harry S. Truman đã ra lệnh xóa bỏ sự phân biệt đối xử trong Lực lượng Vũ trang Hoa Kỳ.

Các phi công Tuskegee cũng đã được tặng thưởng hơn 850 huy chương vì lòng dũng cảm. Nhiều thập niên sau khi phục vụ, khoảng 300 phi công Tuskegee còn sống đã được Tổng thống George W. Bush trao tặng Huân chương Vàng của Quốc hội vào năm 2007. Cái gọi là “thử nghiệm” ban đầu còn hơn cả thành công, nó đã thay đổi sâu sắc tiến trình lịch sử nước Mỹ.

Theo Allthatsinteresting

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.