Câu chuyện tình báo trong Thế chiến II: Những điệp vụ chống Mỹ của phát xít Đức

GD&TĐ - Cơ quan tình báo Đức Abwehr, đã bắt đầu đưa lực lượng đặc nhiệm vào Mỹ hoặc thu hút người Mỹ gốc Đức làm việc.

Câu chuyện tình báo trong Thế chiến II: Những điệp vụ chống Mỹ của phát xít Đức

Kỳ II:

Các điệp vụ này “nở rộ” trong giai đoạn những năm 1930 và 1940 với những vụ nổi tiếng mà kỳ trước chúng tôi đã đăng tải như: Cuộc đổ bộ Long Island; Chiến dịch Magpie; Waldemar Othmer; Những tấm hộ chiếu giả mạo của Guenther Rumrich hay Lilly Stein… Và, tiếp theo là những cuộc đổ bộ tình báo được ghi nhận.

Bản thiết kế máy bay ném bom Norden

Mặc dù chuyển đến New York vào năm 1927 ở tuổi 25 và làm việc theo hướng nhập tịch trong nhiều năm, Hermann W. Lang luôn trung thành với nước Đức.

Lòng trung thành đó đã giúp anh ta có được nhiều thông tin tình báo quý giá cho cơ quan gián điệp của Đức Quốc xã sau khi được tuyển dụng trong một chuyến về thăm nhà vào năm 1938.

Làm việc trong một nhà máy của Carl L. Norden Corp. chuyên sản xuất các thiết bị và vật liệu quân sự và quốc phòng tối mật của Mỹ, Lang có cơ hội tiếp cận một trong những dự án được bảo vệ cẩn mật nhất của Mỹ là cải tiến tầm ngắm bom cho Hải quân và Không quân.

Đây là dự án rất quan trọng đối với lợi ích của Mỹ, đến mức sự thật về sự tồn tại của nó được giữ kín. Ngay cả các đồng minh thân cận nhất của Mỹ, bao gồm cả Anh, cũng không được phép tiếp cận hệ thống ngắm bom Norden, vì Chính phủ Mỹ muốn duy trì tính trung lập của mình khi bắt đầu chiến tranh ở châu Âu.

Với tư cách là một thanh tra, Lang có quyền truy cập vào bản thiết kế của thiết bị này. Chính sách của công ty cấm bất kỳ ai mang bản thiết kế ra khỏi văn phòng, nhưng anh ta đã tìm cách lén mang về nhà và sao chép, sau đó được gửi sang Đức trong một chiếc ô do một đặc vụ khác mang trên tàu du lịch chở khách.

Lang tiếp tục làm công việc của mình và gửi các thông tin chi tiết khác qua mạng lưới của Đức cho đến khi bị bắt trong vụ án tình báo Duquesne.

Lang đã nhận tội và nhận bản án hai mươi năm tù. Trong quá trình xét xử và sau này, các công tố viên và người phát ngôn của Chính phủ Mỹ đã đảm bảo với công chúng rằng bí mật của thiết bị ném bom Norden vẫn an toàn. Tuy nhiên, người ta đã ghi nhận máy ngắm được Luftwaffe sử dụng sau năm 1938 giống với loại bị Lang đánh cắp.

The Ponte Vedra Foursome

Câu chuyện tình báo trong Thế chiến II: Những điệp vụ chống Mỹ của phát xít Đức ảnh 1

Trong Chiến dịch Pastorius của Adolph Hitler, hai nhóm phá hoại của Đức Quốc xã đã đổ bộ lên bờ biển Mỹ vào tháng 6/1942.

Giống như những người đồng cấp, nhiệm vụ của bộ tứ Ponte Vedra rất đơn giản: Thực hiện các hành động phá hoại và khủng bố như làm nổ tung đường sắt, âu thuyền và kênh đào; đánh bom các cửa hàng thuộc sở hữu của người Do Thái; và phá hủy hệ thống nước của Thành phố New York.

Nhóm Florida được dẫn đầu bởi John Edward Kerling, một người Đức đã sống ở Mỹ trong nhiều năm trước khi trở về quê hương của mình. Những người đàn ông này không được đào tạo nhiều về nghề gián điệp, ngoài một số kiến thức cơ bản về cách đặt chất nổ. Bất chấp điều đó, họ mang theo tiền mặt và những thùng thiết bị rồi chôn trong cát trên bãi biển nơi họ vào bờ.

Họ bắt xe buýt đến trung tâm thành phố Jacksonville và sau đó đi đến Cincinnati, Ohio, mà không xảy ra sự cố nào. Ở đó, họ được chỉ dẫn chờ đợi để gặp đội Long Island do George Dasch đứng đầu. Kerling không hay biết Dasch đã phạm sai lầm khiến cả nhóm bị bắt, càng không biết Dasch đã khai với chính quyền liên bang tất cả những gì anh ta biết, bao gồm thời gian và địa điểm cuộc hẹn với nhóm của Kerling.

Kerling và ba người của ông ta bị bắt, bị xét xử trước tòa án quân sự, và bị hành quyết bằng ghế điện vào tháng 8 năm 1942, cùng với hai người từ nhóm của Dasch.

Gián điệp siêu đẳng Ignatz Griebl

Câu chuyện tình báo trong Thế chiến II: Những điệp vụ chống Mỹ của phát xít Đức ảnh 2

Sau khi phục vụ cho Quân đội Đức trong Thế chiến I, Tiến sĩ Griebl - một bác sĩ sản khoa và bác sĩ phẫu thuật - nhập cư vào Mỹ vào năm 1925 và sau khi trở thành công dân, cư trú tại quận Yorkville, Manhattan, New York.

Tại đây, vị tiến sĩ này trở thành lãnh đạo cộng đồng và là thành viên của Lực lượng Dự bị Quân đội Mỹ. Tuy nhiên, vị tiến sĩ có vẻ đáng kính ấy lại ẩn chứa một bí mật đen tối: Là một đặc vụ ngầm của Đức Quốc xã từ năm 1934.

Nhờ siêng năng, các mối quan hệ xã hội và lòng trung thành với chủ nghĩa Đức Quốc xã, Griebl được tình báo Đức hết mực tin tưởng và trở thành điều phối viên chính và người đứng đầu một đường dây gián điệp rộng khắp nước Mỹ.

Thông tin từ các nhân viên tình báo Đức ở các thành phố khác như Boston, Norfolk và Baltimore, trực tiếp đến tay của Griebl. Griebl cũng tìm kiếm các kỹ sư có gốc gác người Mỹ gốc Đức, và tuyển dụng để phá hoại các kế hoạch quân sự và quốc phòng bí mật.

Vì không có cơ quan liên bang nào ở Mỹ chịu trách nhiệm điều tra các hành vi lật đổ, nên Griebl có thể điều hành hoạt động trong nhiều năm mà không bị phát hiện. Griebl đã nhận được những khoản tiền hậu hĩnh và một khoản hoa hồng danh dự với tư cách là đội trưởng Không quân Đức.

Năm 1938, một trong những điệp viên ở New York là Guenther Rumrich bị FBI bắt giữ và khai ra Griebl. Đổi lại, Griebl đã phản bội tất cả thành viên trong mạng lưới của mình, cung cấp tên và thông tin chi tiết một cách dễ dàng đến mức FBI đã thả nhân vật này và chỉ yêu cầu có mặt trong phiên điều trần của bồi thẩm đoàn liên bang.

Tất nhiên, vị tiến sĩ điệp viên không lãng phí thời gian lên tàu đến Hamburg và trốn khỏi Mỹ. Cuối cùng anh ta định cư ở Vienna, mở lại cơ sở y tế và không làm gián điệp cho Đức Quốc xã nữa. Như một lời chú thích thú vị, Griebl là người duy nhất lĩnh được các khoản tiền hoa hồng từ quân đội Mỹ lẫn Đức.

Gustav Guellich

Câu chuyện tình báo trong Thế chiến II: Những điệp vụ chống Mỹ của phát xít Đức ảnh 3

Cô đơn và chán nản, chưa kết hôn và có vẻ hơi vô hại qua cách nhìn của đồng nghiệp, trên thực tế, Guellich lại là một điệp viên Đức Quốc xã làm việc cho mạng lưới gián điệp của Ignatz Griebl và tìm cách đánh cắp bí mật khi làm việc tại một xưởng đóng tàu ở New Jersey.

Guellich sinh ra ở Đức đến Mỹ vào năm 1932 và được Griebl tuyển dụng vào năm 1935 do là kỹ sư luyện kim tại Công ty Đóng tàu Liên bang ở Kearney, NJ. Nhờ vị trí của mình, Guellich có quyền tiếp cân các dự án bí mật phát triển cho Hải quân Mỹ, bao gồm súng và đạn pháo, các bản thiết kế tàu khu trục và các mẫu dây cáp sử dụng trên tàu. Tài liệu đã được gửi đến Griebl và sau đó là đến Đức. Không lâu sau, sự siêng năng của Guellich đã giúp anh ta có được vị trí hàng đầu trong mạng lưới gián điệp của Đức Quốc xã.

Đặc biệt, Guellich đã lấy cắp một báo cáo trình bày chi tiết công việc của Robert H. Goddard, một nhà nghiên cứu tên lửa đẩy và gửi bản sao cho Griebl. Berlin tỏ ra rất quan tâm đến vấn đề này và yêu cầu Guellich lấy thêm thông tin.

Guellich đã đến phòng thí nghiệm của Goddard ở Roswell, New Mexico để quan sát vụ phóng thử tên lửa Nell, đồng thời tiếp tục tìm ra những bí mật khác để từ đó, các nhà khoa học Đức phát triển tên lửa của nước Đức quốc xã.

Sau khi Griebl sau khi FBI bắt giữ, ông ta đã khai ra Guellich và nhận một bản án khá nhẹ nhàng cho các hoạt động gián điệp của mình.

William Sebold và đường dây gián điệp Duquesne

Câu chuyện tình báo trong Thế chiến II: Những điệp vụ chống Mỹ của phát xít Đức ảnh 4

Sự căm ghét của Frederick “Fritz” Duquesne đối với nước Anh đã khiến anh ta trở thành kẻ phản bội và làm gián điệp cho quân Đức trong Thế chiến I. Duquesne vẫn trung thành với phát xít Đức khi chuyển đến Thành phố New York và nhập quốc tịch Mỹ.

Cuối cùng Duquesne tình nguyện làm điệp viên cho tình báo Đức. Làm việc tại 120 Phố Wall, Duquesne đã thiết lập một mạng lưới gián điệp chuyên nghiệp rộng khắp, thu thập thông tin từ các điệp viên Đức Quốc xã và các đầu mối tại các địa điểm chiến lược ở Mỹ.

Duquesne không hề hay biết, Gestapo và Abwehr đã cố gắng chiêu mộ một điệp viên tiềm năng khác là William Sebold, một người Đức bản địa đã nhập quốc tịch Mỹ, trong chuyến thăm quê năm 1939. Do lo sợ cho gia đình vẫn sống ở Đức, Sebold đồng ý trở thành điệp viên của Đức Quốc xã, nhưng ngay sau đó đã lặng lẽ đến Lãnh sự quán Mỹ ở Cologne và đề xuất làm việc cho Mỹ với tư cách là một điệp viên hai mang.

Sau khi trở về Mỹ vào năm 1940, Sebold hỗ trợ FBI thiết lập một hoạt động giám sát chống lại mạng lưới gián điệp của Duquesne. Với sự hợp tác của anh ta, các đặc vụ liên bang cũng có thể sử dụng các mã được chỉ định của anh ta để gửi thông tin sai lệch bằng radio sóng ngắn đến Abwehr.

Vào tháng 12/ 1941, chỉ sáu ngày sau cuộc tấn công của Nhật Bản vào Trân Châu Cảng, FBI bắt đầu bắt giữ các thành viên của vòng gián điệp Duquesne, bao gồm cả chính Fritz Duquesne. Tất cả tổng cộng ba mươi ba điệp viên đã bị bắt. Đây là vụ bắt giữ tình báo nước ngoài lớn nhất ở Mỹ, tất cả đều bị kết án.

Tuy nhiên William Sebold đã biến mất. Không ai rõ số phận của anh ta ra sao. Một số người tin rằng anh ta đã được cấp một danh tính mới để bảo vệ anh ta khỏi sự trả thù của Đức Quốc xã. Bộ phim năm 1945, Ngôi nhà trên Phố 92, được xây dựng từ nguyên mẫu William Sebold và đường dây điệp viên của Duquesne.

Kỳ 1: Câu chuyện tình báo trong Thế chiến: Những điệp vụ chống Mỹ của phát xít Đức

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.