Phi công diệt chuột cứu di sản

GD&TĐ - Công việc của Peter Garden nghe rất lạ: Thả mồi nhử trên những hòn đảo xa xôi, hẻo lánh có nhiều loài gặm nhấm đang sinh sống. Kỹ thuật nhử mồi này nhằm tiêu diệt các loài gặm nhấm vốn là tác nhân phá hại những loài động thực vật bản địa, khiến chúng có nguy cơ tuyệt chủng.

Các nhân viên đang chuyển mồi nhử chuột lên máy bay trực thăng ở đảo Macquarie (nằm giữa New Zealand và Nam Cực)
Các nhân viên đang chuyển mồi nhử chuột lên máy bay trực thăng ở đảo Macquarie (nằm giữa New Zealand và Nam Cực)

Chuột bọ - nỗi khổ của các di sản

Nếu Peter Garden và các phi công khác chểnh mảng bỏ sót dù là một vuông đất nhỏ thì cũng đồng nghĩa tạo điều kiện cho các loài chuột bọ tái sinh sôi và thế là sứ mạng diệt chuột cũng đi tong. Chính phủ và các tổ chức môi trường nhiều nước trên khắp thế giới đã thuê nhiều toán nhử mồi để “dọn sạch” chuột bọ ở các hoang đảo tại Châu Âu, Australia và duyên hải Bắc Mỹ cũng như một số vùng lãnh thổ nằm giữa các đại dương. Nỗ lực này thường mất vài năm để lên kế hoạch, nhưng nếu chuột bọ có thể bị tiêu trừ ở các hòn đảo này - phần nhiều trong số đó có các điểm di sản của UNESCO, nơi đang tồn tại các hệ sinh thái đặc biệt và quý hiếm - thì cũng đáng công.

Trong các năm qua, Peter Garden và các điều phối viên trong dự án vẫn luôn cảm thấy bất ngờ với mỗi loại hệ sinh thái mới mẻ mà họ ghé thăm. Ông Keith Springer, một quản lý dự án diệt trừ sâu bệnh tự do, cho biết: “Sự hấp dẫn của công tác diệt trừ là chỉ làm một lần, nhưng phải làm đúng cách, sẽ giúp bảo tồn vĩnh viễn và có ý nghĩa giáo dục cho các thế hệ mai sau”. Ông hé lộ, mỗi đợt thả mồi nhử thường chi ra một khoản tiền khá lớn, như đảo Macquarie ở Nam Cực muốn diệt sạch chuột bọ phải chi tới 19 triệu USD, nhưng các cơ quan chính phủ sẵn sàng đáp ứng để có thể giữ sạch các hòn đảo nhiều thập kỷ.

Nếu không trừ diệt chuột thì chúng sẽ đớp sạch các loài động vật không xương sống và cả các quần xã thực vật trên các đảo. Chuột còn tấn công cả chim chóc. Loài chim Kâmao ở Hawaii đã tuyệt chủng do bị lũ chuột ăn sạch, hay loài chim quý hiếm Masafuera rayadito (Chile) cũng bị tuyệt chủng một phần vì kẻ thù chuột.

Máy bay trực thăng của Peter Garden đang làm việc ở đảo Nam Georgia (Nam Đại Tây Dương)
Máy bay trực thăng của Peter Garden đang làm việc ở đảo Nam Georgia (Nam Đại Tây Dương) 

Kỳ công thả mồi nhử

Trong lúc cố gắng di dời một loài chim quý hiếm, chính phủ New Zealand phát hiện hầu hết các hòn đảo đều ngập tràn chuột bọ. Nhiều môi trường sống tiềm năng không có người ở nên khó định vị để nhử chuột. Vào thập niên 1990, thiết bị theo dõi bằng GPS siêu chính xác đã dẫn đường cho các phi công thực hiện các đường bay hoàn hảo trên những lãnh thổ khó định hướng và giúp đảm bảo mỗi 1m2 có loài gặm nhấm đều lọt vào tầm ngắm.

Vì mỗi sứ mạng diệt chuột thường rất mất thời gian nên phi công Peter Garden phải tham gia trước từng kế hoạch. Ông phải gặp gỡ các nhà sinh vật học hay những nhân viên kiểm lâm trên một hòn đảo suốt nhiều tháng ròng trước khi đi làm nhiệm vụ thả mồi nhử, nhằm kiểm tra tác động của chúng đối với thế giới hoang dã.

Ông Keith Springer giải thích: “Nếu các loài động vật không phải mục tiêu tiêu diệt như chim hải âu bị chết khi ăn nhầm mồi nhử, thì những mất mát này rất nặng nề. Có những loài động vật quý hiếm mà ta không thể để chúng bị “chết oan” (như loài gà nước hay quạ trên đảo Lord Howe ở phía Đông Australia), cho nên các nhà bảo tồn phải tìm cách dẫn dụ chúng vào trong các chuồng cho đến khi thả xong mồi nhử”. Những lo ngại tương tự là ở các đảo Nam Cực, như đảo Macquarie - nơi loài cánh cụt vua đang sinh sống.

Ngoài ra âm thanh gầm rú của động cơ máy bay cũng có thể khiến các loài chim hoảng sợ và giẫm đạp lên nhau trong lúc bay trốn, vì thế các phi công khi thi hành sứ mạng diệt chuột thường phải bay rà trước một khoảng thời gian để chọn ra một độ cao thích hợp nhằm tránh tổn thương các loài động vật bên dưới. Sau những thử nghiệm này mới đến “đợt thanh trừng”. Hai nhân viên hỗ trợ sẽ bay theo phi công, họ là các kỹ sư hay chuyên gia IT, cầm theo các thùng mồi nhử.

Nhưng là một chuyên gia về chuyện này, Peter Garden tự mình làm mọi thứ khi bay. Một hệ thống ròng rọc trong buồng lái của Garden sẽ mở ra từ một cánh cửa và có treo các thùng mồi nhử toòng teng bên dưới. Giữ cho máy bay trực thăng bay ở tốc độ và độ cao hợp lý (89km/giờ và ở độ cao cách mặt đất 45,72m), Garden thường xuyên thò đầu ra ngoài để dòm coi mồi nhử có được thả đều hay không.

Phi công Garden cũng phải rất dè chừng chim chóc. Theo ông Keith Springer: “Chim hải âu thường bay vút lên cao trên đảo Gough (Nam Đại Tây Dương) và chúng thường không né máy bay, do đó nếu phi công không tránh kịp để máy bay đụng chim chóc thì có thể khiến nó chết máy và rơi”. Thời tiết cũng là một mối đe dọa. Gió có thể bất ngờ thổi mạnh lên tới 161km/giờ trên các hòn đảo ở vĩ độ 40 khiến cho mồi nhử rơi vãi khó lường, hoặc làm bể cánh quạt động cơ máy bay.

Có trường hợp các phi hành đoàn phải đợi vài tuần cho thời tiết xấu tan đi mới hành sự. Garden thì ngủ qua đêm trong máy bay trực thăng là chuyện thường. Garden tiết lộ, mỗi đợt thả mồi nhử thường mất từ 3 đến 10 năm để lập kế hoạch, và các nhân viên thường phải xa gia đình vài tháng là thường để hoàn thành nhiệm vụ. Và nếu dự án thất bại thì chỉ cần 2 năm, số chuột bọ sẽ sinh sôi trở lại khủng khiếp và tiếp tục tàn phá không biết đâu mà lường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ