Trưng bày “Kho báu” trong những con tàu cổ

GD&TĐ - Bảo tàng Lịch sử quốc gia (BTLSQG) sẽ giới thiệu đến công chúng nhiều trải nghiệm thú vị, bất ngờ khi trưng bày chuyên đề “Bí mật từ đại dương - Gốm sứ trong những con tàu cổ”.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Gần 500 hiện vật niên đại thế kỷ XV - XVIII sẽ ra mắt công chúng từ ngày 18/1/2019 tại BTLSQG. Hiện vật vốn là hàng hóa trên các thuyền buôn cổ sẽ góp phần giới thiệu khái quát về thành tựu khảo cổ học dưới nước của Việt Nam, về những đồ gốm xuất khẩu của Việt Nam và các nước châu Á và về “con đường tơ lụa” trên biển.

Những di vật đồ gốm sứ này chính là hàng hóa trên các thuyền buôn cổ được phát hiện trên vùng biển Việt Nam, khẳng định vị trí quan trọng của Việt Nam trong giao thương quốc tế ở thời kỳ hoàng kim của “con đường tơ lụa” trên biển.

Gần 30 năm kể từ khi con tàu đầu tiên - Tàu cổ Hòn Cau (Bà Rịa - Vũng Tàu) được phát hiện và khai quật vào năm 1990, đến nay, hàng chục con tàu cổ đã được phát hiện dưới lòng biển. Dù có những vùng biển thuộc Bình Châu (Quảng Ngãi), Phú Quốc (Kiên Giang) đã mang dấu tích “nghĩa địa” tàu đắm song đến nay mới có 5 con tàu cổ được bảo tàng nghiên cứu, khai quật, trục vớt lên được nhiều tài liệu, hiện vật.

Từ tháng 11/2017 - 4/2018, BTLSQG và Viện Nghiên cứu di sản văn hóa biển quốc gia Hàn Quốc đã phối hợp tổ chức trưng bày “Đồ gốm sứ phát hiện ở vùng biển Việt Nam” tại Mokpo và Pusan (Hàn Quốc).

Lần đầu tiên trong một không gian được thiết kế công phu, trưng bày về kho báu dưới đáy biển sẽ xuất hiện với các chủ đề: Biển Việt Nam và thương mại đường biển; Đồ gốm thương mại Việt Nam; Con đường tơ lụa trên biển và những con tàu được khai quật từ đáy biển Việt Nam.

“Chủ đề điểm nhấn “Những con tàu được khai quật từ đáy biển Việt Nam” sẽ mang đến cho khách tham quan nhiều cảm xúc bất ngờ. Những di tích tàu đắm cổ được tìm thấy ở vùng biển Việt Nam với vô số hiện vật đắt giá, ẩn chứa các giá trị khó có thể đong đếm đã chứng minh cho sự phát triển rực rỡ trong giao lưu văn hóa đường biển đương thời...

Giới khoa học và công chúng sẽ có cơ hội nắm bắt những nhận thức mới về khoa học khảo cổ, chứng minh tầm quan trọng và vị trí chiến lược của biển Việt Nam trong mối giao thương quốc tế. Bởi dưới đáy biển Việt Nam cũng còn ẩn chứa nhiều bí ẩn, hứa hẹn một tương lai phát triển của ngành khảo cổ học dưới nước” - TS Nguyễn Văn Cường - Giám đốc BTLSQG khẳng định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ