Hai thanh kiếm được phát hiện cùng với hai bộ xương, áo giáp, vũ khí, yên cương trong hầm mộ từ thế kỷ 6 ở quận Shimauchi phía nam Kyushu, Ancient Origins hôm qua đưa tin.
Sau khi đưa lên từ mộ, những thanh kiếm được giao cho Viện Nghiên cứu Di sản Văn hóa Gangoji ở Nara để phân tích và bảo quản. Thanh kiếm dài có núm tròn ở chuôi kiếm làm bằng gỗ và bao kiếm phủ loại vải sợi dọc quý mang tên tate nishiki.
Kiếm dài 142 cm, nhưng các nhà nghiên cứu cho rằng kích thước ban đầu của kiếm là 150 cm. Đây là thanh kiếm dài nhất từng được khai quật trong mộ Nhật Bản cổ đại. Nhóm nghiên cứu suy đoán thanh kiếm là quà tặng từ vương quốc Yamato cai trị tỉnh Yamato cổ đại, nay là quận Nara, từ năm 250 đến 710.
Thanh kiếm thứ hai dài khoảng 85 cm. Núm tròn ở chuôi trang trí bằng bạc và chuôi kiếm phủ da cá đuối. Theo Panam Leathers, Nhật Bản là một trong những quốc gia sử dụng da cá đuối làm chuôi kiếm sớm nhất.
Vật liệu này rất lý tưởng bởi độ bề chắc, khả năng chịu lửa, lực đâm và chống nước. Các võ sĩ đạo (samurai) thường dùng da cá đuối ở chuôi kiếm cùng áo giáp. Nhóm nghiên cứu cho biết mẫu da cá đuối trên thanh kiếm thuộc loại lâu đời nhất ở Đông Á.
Chủ nhân hai thanh kiếm nhiều khả năng thuộc tầng lớp thượng lưu và được kính trọng. "Những thanh kiếm cho thấy chủ sở hữu là người quyền thế ở phía nam Kyushu, phụng sự vị quan ở cấp bậc cao hơn và là bề tôi thân cận của vua Yamato", Tatsuya Hashimoto, phó giáo sư khảo cổ học ở Viện bảo tàng Đại học Kagoshima, cho biết.
Theo Heritage of Japan, hầm một dưới lòng đất là hình thức chôn cất ở thời Kofun (năm 250-538) trong lịch sử Nhật Bản. Hầm có thể là những phòng chứa xếp bằng đá ở trên đỉnh gò đất hoặc xây dưới gò đất với đường hầm dẫn vào ở bên hông. Cấu trúc bên trong mộ rất đơn giản nhưng người chết thường được chôn cất cùng nhiều tài sản quý giá.