Các hoạt động tương tác này giúp thầy, trò hiểu nhau hơn, góp phần xây dựng môi trường học đường thân thiện, lành mạnh.
Làm gì để xây dựng tình bạn đẹp?
Đoàn trường THCS&THPT Thới Thuận (quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ) vừa tổ chức Diễn đàn “Xây dựng tình bạn đẹp - Nói không với bạo lực học đường” năm học 2023 - 2024. Tại diễn đàn, học sinh được tuyên truyền về cách phòng chống bạo lực học đường kết hợp với phần trả lời các câu hỏi giao lưu xoay quanh chủ đề này. Chương trình đã đem lại nhiều kiến thức bổ ích cho các em.
Chia sẻ cảm nhận, Phạm Mỹ Tiên - học sinh lớp 11 cho biết: “Em và các bạn học được nhiều điều như rèn thói quen tốt, tạo hành động đẹp để góp phần phòng, chống bạo lực học đường. Chúng em được nghe phổ biến kiến thức pháp luật có liên quan đến hậu quả do bạo lực học đường gây ra cũng như kỹ năng xử lý tình huống để ngăn chặn. Đặc biệt thú vị là chương trình đã chia sẻ những câu chuyện đẹp về tình bạn, định hướng việc xây dựng tình bạn đẹp trong học sinh”.
Không chỉ cấp THCS, THPT, mà ở cấp tiểu học, các trường cũng quan tâm cung cấp kiến thức phòng tránh bạo lực học đường cho học sinh. Trường Tiểu học Ngô Quyền (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) cũng vừa tổ chức Diễn đàn “Xây dựng tình bạn đẹp - Nói không với bạo lực học đường”.
Đã có hơn 1.100 học sinh được thầy cô tư vấn, phân tích và nhận diện vấn đề bạo lực học đường. Các em cũng được hướng dẫn cách thức giải quyết, kỹ năng xử lý tình huống hợp lý khi xảy ra mâu thuẫn với bạn bè. Diễn đàn nhằm giúp học sinh nâng cao nhận thức về vấn nạn bạo lực học đường, góp phần xây dựng môi trường học tập lành mạnh, thân thiện…
Bên cạnh tổ chức diễn đàn, nhiều đơn vị, trường học còn tổ chức sân chơi cho học sinh để lồng ghép nội dung phòng tránh bạo lực học đường. Một trong những điểm sáng triển khai mô hình này là Phòng GD&ĐT quận Bình Thủy (TP Cần Thơ). Theo lãnh đạo Phòng GD&ĐT, thông qua sân chơi, các trường giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa, ngăn chặn nạn bạo lực học đường trong học sinh. Đây là giải pháp hữu hiệu giúp các em nhận thức rõ hơn về giá trị của tình bạn, đồng thời nâng cao nhận thức trong xây dựng văn hóa ứng xử.
Các đội thi đại diện cho các trường THCS trên địa bàn tham gia tranh tài ở ba nội dung: Giới thiệu về đội chơi, trình diễn tiểu phẩm, xử lý tình huống. Ở mỗi phần thi, bằng sự hiểu biết, thông minh, dí dỏm của mình, các đội đã trả lời những câu hỏi về phòng, chống bạo lực học đường liên quan đến quy định của pháp luật, thể hiện kỹ năng xử lý tình huống, phòng vệ để ngăn chặn bạo lực học đường và các phương pháp tham gia giải quyết, đấu tranh với hành vi bạo lực học đường… Những nội dung trong hoạt động vừa chơi vừa học này phản ánh chân thực những tình huống đã và đang xảy ra trong môi trường học đường, đồng thời truyền tải nhiều thông điệp ý nghĩa.
Theo bà Nguyễn Kiều Phương, Trưởng phòng GD&ĐT quận Bình Thủy, diễn đàn là một trong những hoạt động có ý nghĩa thiết thực, tạo môi trường để học sinh được rèn luyện, trau dồi kỹ năng sống, vun đắp tình bạn đẹp, góp phần xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực. Đây là một trong những hoạt động có ý nghĩa thiết thực, bồi dưỡng nhận thức giúp các em hiểu rõ những giá trị đạo đức tốt đẹp trong việc xây dựng tình bạn đẹp của tuổi học trò, hạn chế phát sinh mâu thuẫn dẫn tới bạo lực học đường.
Học sinh quận Bình Thủy (TP Cần Thơ) tham gia Diễn đàn “Xây dựng tình bạn đẹp - Nói không bạo lực học đường”. Ảnh: Q. Ngữ |
Tăng cường đối thoại, lắng nghe học trò
Đối thoại giữa lãnh đạo nhà trường với đoàn viên, thanh niên, học sinh trong thời gian qua được nhiều trường học triển khai. Nhờ đó học sinh có thể trình bày ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của mình và thầy, cô kịp thời tư vấn, hỗ trợ học trò giải quyết những khó khăn vướng mắc trong tâm tư.
Trường THPT Mỹ Quý (Tháp Mười, Đồng Tháp) là một trong những trường học thường xuyên tổ chức đối thoại với học sinh. Trong không khí cởi mở, thân thiện, buổi đối thoại diễn ra sôi nổi với sự trao đổi thẳng thắn, tích cực, gần gũi. Đại diện học sinh các lớp đã đưa ra hơn 50 ý kiến và nhiều câu hỏi liên quan đến nội dung học tập, rèn luyện, điều kiện cơ sở vật chất trường lớp, trang thiết bị dạy học, công tác thi đua nền nếp, các hoạt động phong trào… Tập thể sư phạm đã phản hồi các ý kiến của học sinh và giải đáp tận tình, thỏa đáng.
Theo thầy Trần Văn Hân - Hiệu trưởng Trường THPT Mỹ Quý, thầy cô muốn được lắng nghe các thông tin, ý kiến đóng góp và những tâm tư, nguyện vọng từ phía học sinh.
Qua buổi đối thoại, nhà trường cũng đã nắm bắt được những tâm tư, tình cảm, những vướng mắc, khó khăn và những đề xuất của các em, từ đó có những giải pháp thích hợp để giải quyết trong phạm vi quyền hạn và trách nhiệm của nhà trường và các bộ phận liên quan. Buổi đối thoại giữa lãnh đạo nhà trường với học sinh đã đạt được những kết quả tốt đẹp. Đây là tín hiệu rất đáng mừng thể hiện rõ mong muốn của lãnh đạo nhà trường cũng như học sinh cùng hướng tới xây dựng trường học Thân thiện - Tích cực - An toàn và Hạnh phúc.
Trường THPT Trần Văn Bảy (Thạnh Trị, Sóc Trăng) hằng năm cũng đều tổ chức cuộc gặp gỡ, đối thoại giữa hiệu trưởng với học sinh. Lãnh đạo nhà trường xác định, đây là dịp tốt để lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng cũng như giải đáp các thắc mắc của học sinh…
Chia sẻ về kiến nghị của tập thể lớp mình, Lê Bảo Hân, học sinh lớp 12 cho biết: “Em và các bạn hy vọng nhà trường sẽ tổ chức thêm nhiều hoạt động ngoại khóa và khuyến khích thành lập các câu lạc bộ sở thích để học sinh được trải nghiệm và học hỏi thêm nhiều kỹ năng mềm. Chúng em mong muốn có nhiều hoạt động hướng nghiệp, nhà trường mời chuyên gia tư vấn đến để giúp học sinh chọn trường, chọn ngành nghề phù hợp. Đây là vấn đề chúng em thường gặp phải khó khăn, lúng túng”.
Trao đổi về hoạt động gặp gỡ, đối thoại giữa hiệu trưởng với học sinh, thầy Lê Tuấn Mãi - Hiệu trưởng Trường THPT Trần Văn Bảy cho biết thêm: Buổi đối thoại vừa được tổ chức với sự tham gia của học sinh đại diện 40 lớp trong toàn trường. Các em rất phấn khởi khi các ý kiến đề xuất, kiến nghị của mình được lãnh đạo nhà trường ghi nhận, đưa ra phương án thực hiện khả thi. Đây là dịp để nâng cao hơn nữa chất lượng dạy và học, các hoạt động phong trào, góp phần xây dựng môi trường học tập thân thiện, tích cực.