Phạt vi phạm hành chính trong dạy nghề nặng nhất 40 triệu đồng

Phạt vi phạm hành chính trong dạy nghề nặng nhất 40 triệu đồng
vvcxvxc
Vi phạm quy định về đối tượng, tiêu chuẩn, sử dụng tuyển sinh và thẩm quyền tuyển sinh, có thể bị phạt đến 40 triệu đồng (ảnh mang tính chất minh họa)

Mức phạt này áp dụng đối với hành vi thành lập trung tâm dạy nghề, trường trung cấp nghề, trường cao đẳng nghề mà chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép (phạt tiền từ 20.000.000 đến 40.000.000 đồng); hành vi lợi dụng hoạt động dạy nghề để trục lợi, lạm dụng sức lao động của người học nghề (Phạt tiền từ 30.000.000 đến 40.000.000 đồng); tuyển vượt từ 30% trở lên so với số lượng được tuyển sinh hoặc tuyển sai đối tượng, tiêu chuẩn từ 41 người học trở lên (Phạt tiền từ 30.000.000 đến 40.000.000 đồng).

Các hành vi vi phạm quy định về thành lập trường và đăng ký hoạt động dạy nghề có thể bị xử phạt từ 1 triệu đến 40 triệu đồng. Trong đó mức phạt từ 5.000.000 đến 10.000.000 đồng được áp dụng đối với một trong các hành vi vi phạm: Tẩy xóa, sửa chữa, bổ sung nội dung QĐ thành lập, QĐ cho phép thành lập, giấy chứng nhận đăng ký hoạt động dạy nghề; Báo cáo sai các điều kiện để được thành lập, cho phép thành lập cơ sở dạy nghề; Báo cáo sai các điều kiện để được nâng cấp, chuyển đổi thành trường trung cấp nghề, trường cao đẳng nghề; Báo cáo sai các điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động dạy nghề hoặc được bổ sung, thay đổi nghề đào tạo; Mua bán, chuyển nhượng, thuê, cho thuê, mượn, cho mượn QĐ thành lập, QĐ cho phép thành lập, Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động dạy nghề; Chậm đăng ký hoạt động dạy nghề với cơ quan có thẩm quyền từ 1 năm trở lên, kể từ khi hết thời hạn bắt buộc phải đăng ký. Cùng với phạt hành chính, các vi phạm trên còn chịu hình phạt bổ sung là tước quyền sử dụng không thời hạn quyết định thành lập, quyết định cho phép thành lập, Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động dạy nghề và phải khắc phục hậu quả gây ra (buộc trả lại cho người học các khoản đã thu; buộc khôi phục quyền lợi học tập cho người học).

Vi phạm quy định về hoạt động của cơ sở dạy nghề có thể bị phạt từ 5 triệu đến 40 triệu đồng. Đối với hành vi tổ chức đào tạo các nghề trình độ sơ cấp nghề, trung cấp nghề khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép (Phạt 10.000.000 đến 20.000.000 đồng); tổ chức đào tạo các nghề trình độ cao đẳng nghề khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép (Phạt 20.000.000 đến 30.000.000 đồng), ngoài tiền phạt còn bị tước quyền sử dụng có thời hạn từ 3 tháng đến dưới 1 năm quyết định thành lập, quyết định cho phép thành lập, Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động dạy nghề. Hành vi lợi dụng hoạt động dạy nghề để trục lợi, lạm dụng sức lao động của người học nghề, ngoài phạt tiền từ 30.000.000 đến 40.000.000 đồng còn bị tước quyền sử dụng không thời hạn quyết định thành lập, quyết định cho phép thành lập, Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động dạy nghề…

Vi phạm quy định về chương trình, nội dung và kế hoạch đào tạo sẽ bị phạt từ hình thức cảnh cáo đến 20 triệu đồng. Trong đó, nặng nhất là tổ chức đào tạo khi chưa có chương trình dạy nghề theo quy định (Phạt 10.000.000 đến 20.000.000 đồng). 

Một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực dạy nghề chỉ bị xử phạt một lần. Không xử phạt vi phạm hành chính trong các trường hợp thuộc tình thế cấp thiết, phòng vệ chính đáng, sự kiện bất ngờ hoặc vi phạm hành chính trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc các bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng tự điều khiển hành vi của mình. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dạy nghề là một năm, kể từ ngày hành vi vi phạm hành chính được thực hiện. Nếu quá thời hạn nêu trên thì không xử phạt, nhưng vẫn áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại khoản 3 Điều 7 Nghị định này.

Vi phạm quy định về đối tượng, tiêu chuẩn, sử dụng tuyển sinh và thẩm quyền tuyển sinh, tùy theo các mức sẽ bị phạt từ cảnh cáo đến phạt tiền 40 triệu đồng cho các hành vi khai man hồ sơ tuyển sinh hoặc tiếp tay cho việc khai man hồ sơ tuyển sinh để được trúng tuyển; vi phạm quy định về đối tượng, tiêu chuẩn tuyển sinh đào tạo ở trình độ sơ cấp nghề, trung cấp nghề, CĐ nghề; thông báo tuyển sinh khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép; thu nhận hồ sơ, tổ chức thi hoặc xét tuyển khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép. Cùng với đó, hình phạt bổ sung là tịch thu hồ sơ, tài liệu khai man để được trúng tuyển; tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động dạy nghề có thời hạn từ 3 tháng đến dưới 1 năm nếu vi phạm lần đầu và tước quyền sử dụng không thời hạn nếu vi phạm lần thứ hai đối với hành vi vi phạm quy định về đối tượng, tiêu chuẩn tuyển sinh đào tạo…

Vi phạm quy định về thi tuyển sinh vào các cơ sở dạy nghề và thi tốt nghiệp sẽ bị phạt từ 1 triệu đến 20 triệu đồng.

Vi phạm quy định về đánh giá kết quả học tập của người học trong các cơ sở dạy nghề sẽ tùy vào mức độ vi phạm phạt từ cảnh cáo tới phạt tiền từ 300.000 đến 500.000 đồng đối với hành vi không thực hiện đầy đủ các quy định của cơ quan có thẩm quyền về đánh giá, làm sai lệch việc xếp loại kết quả học tập môn học, mô đun, học kỳ, năm học, khóa học. Bên cạnh đó, buộc sửa chữa sai sót trong việc xếp loại kết quả học tập của người học.

Vi phạm quy định về in ấn, quản lý, cấp phát, sử dụng văn bằng, chứng chỉ nghề tùy theo mức vi phạm phạt từ cảnh cáo đến phạt tiền 20 triệu đồng. Hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động dạy nghề có thời hạn từ 3 tháng đến dưới 1 năm nếu vi phạm lần đầu và tước quyền sử dụng không thời hạn nếu vi phạm lần thứ hai đối với hành vi không lập hoặc lập không đầy đủ, không đúng quy định hồ sơ dùng làm căn cứ để cấp và quản lý văn bằng, chứng chỉ nghề; Xác nhận sai sự thật hoặc làm sai lệch hồ sơ dẫn đến việc cấp văn bằng, chứng chỉ cho người không đủ tiêu chuẩn; cấp cấp chứng chỉ sơ cấp nghề, cấp bằng trung cấp, cao đẳng nghề trái quy định và in ấn, phát hành phôi văn bằng, chứng chỉ nghề không đúng quy định.

Vi phạm quy định về sử dụng nhà giáo sẽ phải chịu phạt tiền theo Nghị định quy định xử phạt hành chính về hành vi vi phạm pháp luật lao động đối với hành vi không giao kết hợp đồng hoặc giao kết hợp đồng không đúng quy định với giáo viên. Phạt tiền đối với hành vi sử dụng giáo viên không đủ tiêu chuẩn quy định với các mức phạt từ 3 triệu đến 10 triệu đồng.

Vi phạm quy định về bảo đảm tỷ lệ giáo viên cơ hữu trong cơ sở dạy nghề, tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị phạt từ 5 triệu đến 15 triệu đồng và tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động dạy nghề có thời hạn từ 3 đến 6 tháng nếu tái phạm đối với hành vi trên.

Vi phạm quy định về sử dụng giáo trình, tài liệu dùng cho dạy nghề và mua bán, sử dụng thiết bị dạy nghề: Phạt tiền từ 1.000.000 đến 5.000.000 đồng đối với hành vi mua sắm, tiếp nhận tặng biếu và đưa vào sử dụng giáo trình, tài liệu dùng cho dạy nghề, thiết bị dạy nghề trái quy định, không bảo đảm chất lượng gây ảnh hưởng xấu đến giảng dạy, học tập.

Vi phạm quy định về trả công cho người học nghề, tập nghề, về học phí, lệ phí và các khoản thu khác từ người học sẽ bị xử phạt từ 1 đến 20 triệu đồng. Đối với các hành vi vi phạm về thu học phí, lệ phí thực hiện theo quy định tại Nghị định số 106/2003/NĐ-CP ngày 23/9/2003 của Chính phủ quy định về việc xử phạt hành chính trong lĩnh vực phí, lệ phí.

Vi phạm quy định về giao kết hợp đồng học nghề tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị phạt từ cảnh cáo đến 10 triệu đồng.

Vi phạm quy định trong việc liên kết đào tạo, bồi dưỡng nghề phạt tiền từ 3 triệu đến 15 triệu. Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động dạy nghề có thời hạn từ 3 đến 6 tháng nếu tái phạm đối với hành vi nhận liên kết đào tạo nghề mà không ký kết hợp đồng đào tạo hoặc thực hiện sau các quy định về liên kết đào tạo nghề; nhận liên kết đào tạo không được phép của cơ quan có thẩm quyền; liên kết đào tạo với tổ chức, cá nhân không có tư cách pháp nhân về dạy nghề.

Vi phạm quy định về quản lý hồ sơ người học tùy theo mức độ phạt từ cảnh cáo đến 5 triệu đồng.

Vi phạm quy định về hình thức kỷ luật buộc thôi học phạt từ cảnh cáo đến 3 triệu đồng.

Vi phạm quy định về hoạt động tư vấn dạy nghề phạt tiền từ 2 đến 5 triệu đồng. Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động tư vấn dạy nghề có thời hạn từ 3 đến 6 tháng nếu không thông báo với cơ quan cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động tư vấn dạy nghề khi thay đổi trụ sở chính hoặc mở thêm chi nhánh của cơ sở trong phạm vi tỉnh, thành phố hoặc không đăng ký lại hoạt động tư vấn dạy nghề khi di chuyển trụ sở chính của cơ sở tư vấn sang tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác.

Vi phạm quy định về hoạt động kiểm định chất lượng dạy nghề chịu mức phạt từ cảnh cáo đến 10 triệu đồng. Tước quyền sử dụng thẻ kiểm định viên chất lượng dạy nghề không thời hạn nếu báo cáo sai các tiêu chuẩn, điều kiện để được cấp thẻ kiểm định viên chất lượng dạy nghề; không nộp lại thẻ kiểm định viên chất lượng dạy nghề khi đã có quyết định thu hồi thẻ kiểm định viên; cho thuê, cho mượn hoặc cho người khác sử dụng tên và thẻ kiểm định viên của mình; tiết lộ thông tin về kết quả kiểm định khi chưa được phép công bố; làm sai lệch nội dung báo cáo tự kiểm định chất lượng dạy nghề của cơ sở dạy nghề; làm sai lệch kết quả kiểm định chất lượng dạy nghề của Đoàn kiểm định chất lượng dạy nghề. Tước quyền sử dụng Giấy phép hoặc giấy chứng nhận kiểm định chương trình dạy nghề không thời hạn nếu không nộp lại Giấy chứng nhận kiểm định chất lượng dạy nghề hoặc Giấy chứng nhận kiểm định chất lượng chương trình dạy nghề khi cơ quan có thẩm quyền đã có quyết định thu hồi; sử dụng giả mạo Giấy chứng nhận kiểm định chất lượng dạy nghề và Giấy chứng nhận kiểm định chất lượng chương trình dạy nghề.

Vi phạm quy định về chế độ báo cáo trong lĩnh vực dạy nghề, tùy từng mức độ sẽ bị phat từ 2 đến 15 triệu đồng.

Các cơ sở vi phạm cũng sẽ phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định.

Cá nhân, tổ chức hoặc người đại diện hợp pháp có quyền khiếu nại đối với quyết định xử phạt, quyết định áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dạy nghề của người có thẩm quyền.

Cá nhân có quyền tố cáo với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền những vi phạm hành chính trong lĩnh vực dạy nghề của cá nhân, tổ chức khác; tố cáo các hành vi vi phạm pháp luật trong xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực dạy nghề của người có thẩm quyền xử phạt.

Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dạy nghề có hành vi sách nhiễu, dung túng, bao che, không xử lý hoặc xử lý không kịp thời, không đúng mức, xử lý vượt thẩm quyền quy định thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Người bị xử phạt hành chính trong lĩnh vực dạy nghề nếu có hành vi chống người thi hành công vụ, trì hoãn, trốn tránh việc chấp hành hoặc có những hành vi vi phạm khác thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật...

Hiếu Nguyễn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ