Đó là nhận định của nhóm nghiên cứu khoa học cấp quốc gia “Nghiên cứu giải pháp phát triển công tác tâm lý học trường học đáp ứng yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông mới” do TS Nguyễn Thị Tứ - Trưởng khoa Tâm lý học thuộc Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh làm chủ nhiệm cùng 9 thành viên khác.
Tâm lý học đường gắn liền với nhiệm vụ giáo dục
Theo nhóm nghiên cứu, tâm lý học trường học là một khoa học còn non trẻ nhưng đang nhận được sự quan tâm nhiều hơn trong giai đoạn gần đây dù rằng những thành tựu của tâm lý học trường học đã xuất hiện từ khá lâu. Sự quan tâm đến tâm lý học trường học là xuất phát từ những nhu cầu rất cấp bách của việc nâng cao chất lượng môi trường giáo dục, trong đó có nhiệm vụ chăm sóc sức khoẻ tinh thần cho học sinh, sinh viên.
Tuy nhiên, vận dụng khoa học tâm lý nói chung, tâm lý học trường học nói riêng từ những lý thuyết căn bản đến môi trường cụ thể là cả một hành trình phức tạp. Từ đó, cần nhìn nhận về vai trò của công tác tâm lý học trường học với những định hướng cụ thể và những yêu cầu đặc trưng mang màu sắc của môi trường, xã hội, văn hóa, và con người Việt Nam.
Nhóm nghiên cứu đã chỉ ra rằng, trong sự nghiệp đổi mới đất nước nói chung và sự nghiệp giáo dục nói riêng, tâm lý học trường học đóng một vai trò vô cùng quan trọng vì đối tượng nghiên cứu, mục tiêu phục vụ của nó gắn liền với sự nghiệp giáo dục và phát triển con người. Cụ thể, nhiệm vụ của tâm lý học trường học chỉ ra các lý thuyết và phương pháp có thể được ứng dụng nhằm nâng cao hiệu quả học tập và giáo dục cho từng học sinh cũng như cho toàn thể lớp học, qua đó nâng cao hiệu quả của chính quá trình dạy học. Song song đó, tâm lý học trường học đảm nhiệm khá nhiều nhiệm vụ giáo dục trong trường học, học đường.
|
Tư vấn, hỗ trợ tâm lý trong nhà trường
Theo nghiên cứu, khảo sát của nhóm nghiên cứu: Trước năm 1975 tại miền Nam Việt Nam, chương trình Khải đạo học đường đã được triển khai trong các trường học. Sau ngày thống nhất đất nước, với sự thay đổi gần như hoàn toàn cách thức tiếp cận của giáo dục, chương trình khải đạo đã không còn tồn tại trong các trường học với đúng nghĩa của nó.
Vào cuối những năm 1980, đầu những năm 1990, các nghiên cứu tâm lý học trường học được đặt trong công tác giáo dục dài hạn trước đó vẫn tiếp tục được triển khai, đồng thời nghiên cứu những vấn đề mới, trong đó nổi bật là việc triển khai thực hiện dự án quốc tế về “Giáo dục dân số và đời sống gia đình” (VIE/88/P09) dưới sự chỉ đạo nghiên cứu của tác giả Nguyễn Đức Minh và cộng sự. Đây là công trình hợp tác quốc tế quy mô đầu tiên của Viện KHGD trong lĩnh vực tâm lý học trường học. Lần đầu tiên, một chương trình giáo dục giới tính và đời sống gia đình đã được nghiên cứu, soạn thảo và đưa vào nhà trường phổ thông ở Việt Nam để giáo dục và phát triển học sinh. Song song đó, vấn đề tư vấn và hỗ trợ tâm lý cho học sinh trong học đường cũng bắt đầu nhận được sự quan tâm nhất định.
Trong những năm tiếp theo, trước yêu cầu phổ cập giáo dục bậc tiểu học và THCS, các nghiên cứu tâm lý học trường học dần đi vào chiều sâu. Hàng loạt đề tài nghiên cứu về lứa tuổi học sinh tiểu học và THCS đã đề cập đến các đặc điểm phát triển sinh, tâm lý khác nhau của học sinh, như: “Một số đặc điểm tâm lý và trình độ phát triển trí tuệ của học sinh tiểu học”, “Đặc điểm tự đánh giá của học sinh tiểu học”, “Nghiên cứu sức làm việc trí óc của học sinh cấp I theo lứa tuổi”, “Sự phát triển trí nhớ trong học tập của học sinh PTCS”, “Tuổi dậy thì của học sinh một số tỉnh và thành phố những năm 1978 - 1988”, “Tìm hiểu sự phát triển trí tuệ của học sinh bằng trắc nghiệm Raven”; “Ảnh hưởng của hoạt động tập thể và những mối quan hệ giao lưu nhóm đối với sự hình thành một số phẩm chất nhân cách XHCN ở học sinh thiếu niên”… Những nghiên cứu này phục vụ cho công tác dạy học ở một mức độ nhất định nhưng có thể nói, vấn đề ứng dụng kết quả nghiên cứu để giáo dục học sinh, triển khai công tác giáo dục học sinh hiệu quả rất được quan tâm. Đây là những cơ sở góp phần hình thành chân dung của tâm lý học trường học hôm nay.
Tâm lý học đường đã có “màu sắc” rõ nét
Nhóm nghiên cứu cho biết: Sau đại hội Đảng lần thứ VI năm 1986, Việt Nam bước vào giai đoạn đổi mới, nền kinh tế được mở cửa cho nhiều thành phần tham gia, thanh niên có nhiều cơ hội để tìm kiếm và lựa chọn cho mình một nghề nghiệp ổn định và phù hợp, vì thế, các nghiên cứu về đặc điểm tâm lý - xã hội trong chọn nghề được quan tâm nhiều hơn, đặc biệt nghiên cứu về định hướng giá trị nghề nghiệp ở học sinh. Những nghiên cứu này mở ra hướng ứng dụng các thành tựu của tâm lý học trường học cho người học. Đây cũng là ảnh hưởng rõ nét và có màu sắc của tâm lý học trường học đến học sinh một cách cụ thể và có “màu sắc” rõ nét.
Năm 1989, tác giả Phạm Tất Dong đã cho ra đời tác phẩm “Giúp bạn chọn nghề”. Đây là một trong những hướng nghiên cứu đáp ứng nhu cầu từ thực tiễn giáo dục của tâm lý học trường học. Năm 1993, Viện Nghiên cứu Đại học và Giáo dục chuyên nghiệp (nay thuộc Viện KHGD Việt nam) đã triển khai đề tài: “Nghiên cứu những yêu cầu tâm lý cơ bản đối với một số nhóm nghề và phương pháp xác định đặc điểm tâm lý cá nhân phù hợp nghề làm cơ sở cho công tác hướng nghiệp, tư vấn nghề” do tác giả Mạc Văn Trang chủ trì. Nghiên cứu đã xây dựng họa đồ nghề cho một số nhóm nghề đang có nhu cầu cao trong xã hội, đồng thời đưa ra một số trắc nghiệm tâm lý nhằm kiểm tra sự phù hợp giữa những đặc điểm nhân cách với những yêu cầu của nghề đặt ra.
Có thể nói song song với công tác giáo dục đạo đức, giáo dục giá trị, giáo dục giới tính - sức khỏe sinh sản thì công tác giáo dục hướng nghiệp trở thành trọng điểm quan trọng của tâm lý học trường học đang hướng đến. Đây là minh chứng quan trọng cho thấy sự ảnh hưởng rõ rệt của tâm lý học trường học trong giai đoạn những năm đầu đổi mới sau đại hội VI.
Từ năm 1996, Việt Nam đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Việc chuyển đổi sang cơ chế kinh tế thị trường, hội nhập ngày càng sâu với thế giới và khu vực có tác động mạnh mẽ đến con người Việt Nam nói chung, học sinh nói riêng theo hai chiều cả tích cực lẫn tiêu cực. Tình hình này đặt ra cho giáo dục Việt Nam những yêu cầu mới, cấp bách.
Tâm lý học trường học ra đời dưới một chỉnh thể liên ngành tâm lý học, tâm lý học phát triển, tâm lý học giáo dục và nhiều chuyên ngành khoa học khác nhằm hỗ trợ việc nâng cao chất lượng giáo dục, chất lượng học tập và cuộc sống của học sinh.
Ngày 4/11/2013, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI (Nghị quyết số 29-NQ/TW) về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, đáp ứng yêu cầu CNH-HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế nhằm tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo; đáp ứng ngày càng tốt hơn công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và nhu cầu học tập của nhân dân.
Giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; yêu gia đình, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào; sống tốt và làm việc hiệu quả. Bên cạnh đó, xây dựng nền giáo dục mở, thực học, thực nghiệp, dạy tốt, học tốt, quản lý tốt; có cơ cấu và phương thức giáo dục hợp lý, gắn với xây dựng xã hội học tập; bảo đảm các điều kiện nâng cao chất lượng; chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế hệ thống GD-ĐT; giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa và bản sắc dân tộc. Phấn đấu đến năm 2030, nền giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực.
Trong định hướng này, công tác giáo dục học đường và đảm bảo phát triển tâm lý của người học được đặt để ở một vị trí quan trọng. Nói khác đi, vấn đề đảm bảo cho người học phát triển đúng nghĩa của sự toàn diện cần đầu tư cả về hoạt động dạy học và giáo dục. Trong đó, công tác giáo dục phải được cân bằng bởi nhà giáo dục và các nhân sự làm việc tương tự như nhà giáo dục. Trên cơ sở này, tham vấn tâm lý, tham vấn học đường, tham vấn trường học hay tâm lý học trường học bắt đầu phát triển.
Bài 2: Đáp ứng yêu cầu của Chương trình mới