Giáo viên - cánh tay nối dài cho các chuyên viên tâm lý

GD&TĐ - Nắm bắt được nhu cầu và tầm quan trọng của công tác tư vấn tâm lý học đường, thời gian qua, ngành GD-ĐT đã sớm có các chỉ đạo triển khai công tác này trong tất cả các trường học, từ bậc mầm non, bậc giáo dục phổ thông và giáo dục đại học. 

Nhu cầu được hỗ trợ tâm lý ở học sinh, sinh viên ngày càng trở nên cấp bách hơn
Nhu cầu được hỗ trợ tâm lý ở học sinh, sinh viên ngày càng trở nên cấp bách hơn

Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo GD&TĐ đã có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Thị Trâm Anh – Chủ nhiệm khoa Tâm lý giáo dục – Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng).

- Thực hiện chủ trương của ngành GD-ĐT, các cơ sở trường học đã nỗ lực thực hiện công tác tư vấn tâm lý học đường cho học sinh, gia đình phụ huynh. TS có nhìn nhận như thế nào về thực trạng, cũng như kết quả công tác tư vấn tâm lý học đường hiện nay?

Thông qua hàng loạt các văn bản, thông tư mà Bộ GD&ĐT đã ban hành hướng dẫn, chỉ đạo quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh, sinh viên trong thời gian qua, để thấy rằng, công tác tư vấn tâm lý học đường được ngành GD-ĐT xác định là nhiệm vụ, hoạt động hết sức quan trọng.

Tuy nhiên, từ thực tế hiện nay, công tác tư vấn tâm lý học đường mới được quan tâm ở các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, còn rất nhiều địa phương công tác này chưa được quan tâm đúng mức. Hoạt động tư vấn tâm lý học đường ở các địa phương trong cả nước còn chưa đồng bộ.

Cán bộ quản lý các cấp còn lúng túng chưa biết phải triển khai kế hoạch và tổ chức thực hiện như thế nào. Vấn đề khó khăn tâm lý của học sinh vẫn chưa được giải quyết triệt để, bởi giáo viên làm công tác tư vấn tâm lý tại các cơ sở giáo dục chưa được đào tạo bài bản, giáo viên kiêm nhiệm cũng chưa có kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ tư vấn tâm lý. Học sinh chưa nhận thức rõ về hoạt động tư vấn tâm lý học đường, coi đến phòng tư vấn tâm lý là khi “có bệnh tâm thần”, “có vấn đề” và e ngại khi đến phòng tư vấn tâm lý học đường...

- Nắm bắt được thực trạng của công tác tư vấn tâm lý học đường hiện nay, Bộ GD&ĐT vừa có chỉ đạo giao nhiệm vụ cho các trường đại học sư phạm tổ chức bồi dưỡng đội ngũ giáo viên phổ thông làm công tác tư vấn học sinh. TS có ý kiến, nhìn nhận như thế nào về vấn đề này?

Khi có Thông tư 31/2017/TT-BGDDT của Bộ GD&ĐT về hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường phổ thông, cùng với sự hướng dẫn của Bộ GD&ĐT trong việc chỉ đạo giao nhiệm vụ thực hiện công tác bồi dưỡng năng lực tư vấn cho giáo viên phổ thông làm công tác tư vấn học sinh, Trường ĐH Sư phạm – ĐH Đà Nẵng đã quyết định bắt tay ngay vào việc hoàn thiện đề án và được Bộ GD&ĐT cho phép thực hiện.

Thiết nghĩ, công tác tư vấn tâm lý cho học sinh hiện nay là vấn đề cấp bách cần được tiếp cận từ góc độ làm việc một cách chuyên nghiệp bài bản. Bởi làm việc với học sinh về các vấn đề tâm lý là việc làm đòi hỏi nhiều kiến thức nền tảng về khoa học tâm lý, các kỹ năng thực hành trong đánh giá - đo lường tâm lý con người, năng lực tư vấn, tham vấn và trị liệu về vấn đề sức khỏe tâm thần học đường. Lý tưởng nhất là có một cán bộ chuyên trách tâm lý học đường – người chủ công thực hiện toàn bộ cho một chu trình hoạt động tâm lý học đường trong trường học, họ được đào tạo bài bản từ trình độ đại học đến thạc sĩ tâm lý học trường học.

Hiện nay, trong cả nước có 3 cơ sở đào tạo chuyên viên tâm lý học đường ở trình độ thạc sĩ là Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Giáo dục và Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng. Vấn đề đào tạo các cử nhân tâm lý học, thạc sĩ tâm lý học đường sẽ là những chuyên viên tâm lý trường học trong tương lai, khi các nhà quản lý giáo dục quan tâm đến mức độ hỗ trợ tốt nhất cho các vấn đề khó khăn tâm lý ở học sinh của mình.

Tuy nhiên, hoạt động bồi dưỡng này được xem như là bước khởi đầu lan tỏa các giá trị công tác tư vấn tâm lý học đường. Tôi cho rằng, giáo viên chính là người tiếp cận đầu tiên với học sinh. Do vậy, họ cần phải có tư chất như là một nhà tâm lý, có các kỹ năng nghiệp vụ tư vấn tâm lý để bước đầu giúp cho học sinh có thể vượt qua được các khó khăn tâm lý. Giáo viên là cánh tay nối dài cho các chuyên viên tâm lý học đường chuyên trách (nếu có sau này). Họ sẽ có sự phối hợp tốt nhất với các nhà chuyên môn khi họ hiểu được công tác tư vấn tâm lý học đường.

- Có ý kiến cho rằng, trong bối cảnh sống, học tập và rèn luyện của thế hệ trẻ trong xã hội hiện đại chứa đựng nhiều yếu tố bất lợi, ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển nhân cách người học. Nhu cầu được hỗ trợ về mặt tinh thần để phát triển thuận lợi nhất ngày càng trở nên cấp bách hơn đối với từng người học. Ý kiến của TS về vấn đề này như thế nào?

TS Nguyễn Thị Trâm Anh – Chủ nhiệm khoa Tâm lý giáo dục, Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng

Thời đại nào cũng luôn có những biến động buộc con người phải đối diện và thích nghi với những biến động đó. Ở xã hội hiện đại, với sự phát triển của khoa học công nghệ, sự bùng nổ thông tin như hiện nay thì thế hệ trẻ càng đối diện nhiều với những khó khăn ngoại cảnh và dẫn đến những bất ổn về tâm trí, có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển nhân cách của người học.

Trong các nghiên cứu gần đây đều chỉ ra rằng, tỉ lệ trẻ có rối nhiễu tâm trí học đường chiếm khoảng 20%, với sự gia tăng các hành vi hung tính, bạo lực, các vấn đề lo âu, trầm cảm học đường, việc nghiện các chất kích thích, tự hủy hoại bản thân… Do vậy, nhu cầu được hỗ trợ tâm lý ở học sinh ngày càng trở nên cấp bách hơn.

Tôi cho rằng, trong công tác hỗ trợ tâm lý học đường hiện nay cần lưu ý những vấn đề sau: Hiện nay chúng ta chủ yếu quan tâm đến những em học sinh có khó khăn tâm lý, mà ít lưu ý đến 80% học sinh còn lại là những học sinh mà có thể có nguy cơ gặp những vấn đề khó khăn trong tương lai.

Hoạt động hỗ trợ tâm lý cần thiết đến với từng học sinh, ngay cả khi học sinh đó chưa xuất hiện những khó khăn cần hỗ trợ - tức là công tác phòng ngừa về sức khỏe tâm thần cho học sinh cần được chú trọng hơn cả công tác can thiệp. Làm sao, mỗi một học sinh trong trường học được thụ hưởng dịch vụ hỗ trợ tâm lý học đường một cách chuyên nghiệp, nhằm tạo dựng đời sống tinh thần lành mạnh cho học sinh và cơ hội để phát triển nhân cách một cách tối ưu nhất.

Học sinh sẽ chỉ có nhu cầu hỗ trợ tâm lý khi được khơi dậy và có niềm tin với người trợ giúp. Không phải học sinh nào cũng ý thức được rằng mình đang cần được giúp đỡ. Hơn nữa, học sinh có nhu cầu nhưng chỉ tiếp cận đến người mà học sinh cho rằng người đó mang lại niềm tin và có thể giúp được cho bản thân mình. Giáo viên cũng có thể là sự lựa chọn, khi giáo viên được học sinh tin tưởng.

Đặc biệt với vai trò là nhà tâm lý học đường, nếu xây dựng được niềm tin và khơi dậy được các nhu cầu cần được trợ giúp từ người học, học sinh sẽ chủ động tiếp cận. Do vậy, cần có các hoạt động tương tác với toàn bộ học sinh trong nhà trường để nắm bắt từng vấn đề của học sinh, giúp học sinh chủ động tìm đến sự trợ giúp. Theo đó, cần có hồ sơ tâm lý của từng cá nhân học sinh trong từng lớp học để mỗi giáo viên đến lớp đều có căn cứ triển khai hoạt động dạy học phù hợp với đặc điểm tâm lý của học sinh, giúp học sinh phát triển toàn diện nhân cách.

- Xin cám ơn TS!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ