Hội thảo do Trường ĐHSP Hà Nội và CASP-I tổ chức, với sự tài trợ của Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ quốc gia (NAFOSTED).
Phát biểu tại phiên khai mạc, ông Bùi Văn Linh, Phó Vụ trưởng Phụ trách Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD&ĐT), cho biết:
Năm học 2018-2019 là năm thứ 6 thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT. Trong suốt 5 năm qua, ngành Giáo dục đã không ngừng đổi mới các nội dung, chương trình tổ chức hoạt động giáo dục để tạo môi trường chăm sóc giáo dục toàn diện cho học sinh tốt nhất. Một trong những nội dung được ưu tiên là công tác tâm lý học trường học. Nhiều văn bản của Chính phủ, Bộ GD&ĐT về nội dung này đã được ban hành.
Chia sẻ mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, Việt Nam có ít nhất 95% các trường THCS, THPT thành lập tổ tư vấn tâm lý hoạt động hiệu quả, thiết thực; đảm bảo 100% học sinh phổ thông được tham gia công tác tư vấn học đường bài bản, trách nhiệm - ông Bùi Văn Linh hy vọng, từ hội thảo này, Khoa Tâm lý Giáo dục, Trường ĐHSP Hà Nội sẽ tổng hợp các nội dung, kinh nghiệm của chuyên gia, trên cơ sở đó, tiếp tục tham mưu với Bộ GD&ĐT để Bộ có thể hoạch định ra các văn bản tốt hơn, triển khai công tác tư vấn tâm lý đạt hiêu quả cao nhất.
Nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế sẽ chia sẻ những nghiên cứu mới về lĩnh vực tâm lý học trường học tại hội thảo |
Ông Bùi Văn Linh bày tỏ mong muốn các cơ sở đào tạo sư phạm thường xuyên cập nhật kiến thức về tâm lý học đường, bổ túc, bồi dưỡng cán bộ cốt cán tại các sở GD&ĐT, hiệu trưởng các trường, trưởng phòng GD&ĐT các địa phương trong toàn quốc. Các cơ sở đào tạo sư phạm có ngành Tâm lý giáo dục sẽ tham mưu cho các phương, cũng như Bộ GD&ĐT để thành lập các trung tâm can thiệp chuyên sâu, hướng đến giải quyết các trường hợp cá biệt, có dấu hiệu tâm lý nặng của học sinh…
Tại hội thảo, các chủ đề chính được trao đổi thảo luận tại 4 tiểu ban và ở các chủ đề bàn tròn. Trong đó có bàn đến những vấn đề chuyên sâu như lĩnh vực về nhận thức và học tập; lĩnh vực cảm xúc - hành vi - tương tác xã hội; hỗ trợ tâm lý học đường; hỗ trợ tâm lý cho trẻ có nhu cầu đặc biệt; thuận lợi và thách thức trong xây dựng phòng tâm lý học đường ở trường phổ thông; để trở thành chuyên gia tâm lý học đường; vai trò của truyền thông trong nâng cao nhận thức của cộng đồng về tâm lý học đường...
"Năm học 2017-2018 là một mốc quan trọng đối với tâm lý học trường học ở nước ta khi Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư số 31 về hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lí cho học sinh trường phổ thông".
Ông Nguyễn Đức Sơn, Trưởng khoa Tâm lý - Giáo dục học (Trường ĐHSP Hà Nội)