Giáo viên Toán không chỉ cần có năng lực toán
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển nhấn mạnh đến nội dung đào tạo và bồi dưỡng để có được đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông, chuyển từ giảng dạy trang bị kiến thức sang phát triển năng lực người học.
Theo đó, sinh viên tốt nghiệp trường sư phạm phải là nhà giáo dục (có phẩm chất và năng lực), đồng thời phải là người học tập suốt đời. Đầu ra của sinh viên sư phạm toán phải đảm bảo năng lực tự học, năng lực giáo dục và năng lực Toán học.
Trong đó, năng lực Toán học không chỉ là kiến thức Toán học mà còn là phương pháp làm việc, nghiên cứu Toán, có khả năng vận dụng Toán vào giải quyết vấn đề thực tiễn, đồng thời, phải thường xuyên theo dõi, học tập để nắm được xu hướng phát triển Toán học, từ đó áp dụng vào dạy học…
Thứ trưởng cũng yêu cầu phải đổi mới chương trình và tổ chức quá trình đào tạo sư phạm để sinh viên ra trường đáp ứng ngay được chương trình giáo dục phổ thông mới. Đối với giáo viên đang giảng dạy ở trường phổ thông, cần được bồi dưỡng để đáp ứng yêu cầu này.
Các giảng viên sư phạm Toán cũng cần nâng cao trách nhiệm và năng lực để đáp ứng mục tiêu mới của quá trình đào tao, bồi dưỡng giáo viên phổ thông; đồng thời, giảng viên phải đáp ứng yêu cầu của việc đa dạng hoá các hình thức bồi dưỡng giáo viên cùng với việc áp dụng công nghệ thông tin, truyền thông ngày càng rộng rãi.
“Chúng ta đã có và đang hoàn thiện lại quy định về chuẩn nghề nghiệp giáo viên. Giáo viên phải đảm bảo theo chuẩn, cũng có nghĩa sinh viên sư phạm ra trường cũng phải đảm bảo những yêu cầu tối thiểu đó.
Tuy nhiên, chuẩn nghề nghiệp giáo viên mới chỉ là nói chung, chưa có chuẩn riêng cho giáo viên từng bộ môn. Do đó, cần thảo luận, giáo viên Toán nên có những tiêu chí cụ thể nào từ chuẩn nghề nghiệp chung; làm thế nào để có thể phát triển được năng lực đó trong cả đào tạo tại các trường sư phạm và bồi dưỡng giáo viên Toán trong các trường phổ thông hiện nay” – Thứ trưởng đặt vấn đề tại hội thảo.
Đề xuất năng lực cốt lõi giáo viên Toán phổ thông
Tham luận tại hội thảo, GS.TS Đào Tam (Hội giảng dạy Toán phổ thông) và TS Nguyễn Chiến Thắng (khoa Sư phạm Toán học, Trường ĐH Vinh) cùng đề xuất các năng lực cốt lõi của giáo viên Toán ở phổ thông, đáp ứng dạy học theo định hướng phát triển năng lực.
Đó là: Năng lực hiểu biết tốt về môn học; năng lực hiểu biết sâu sắc về đặc điểm và cấu trúc tâm lí riêng biệt của học sinh khi học tập môn Toán; năng lực chẩn đoán, đo trình độ học sinh trong học tập môn Toán; năng lực thiết kế và tổ chức các tình huống dạy học Toán có hiệu quả cho sự phát triển của học sinh, trong đó bao hàm dạy học phân hóa, thiết kế các tình huống Toán học hóa;
Cùng với đó là năng lực xử lý và biến đổi thông tin trong dạy học Toán; năng lực giải thích tài liệu Toán học và các vấn đề liên quan đến môn Toán ở trường phổ thông; năng lực hướng dẫn có hiệu quả giúp học sinh thiết lập mối liên hệ giữa tri thức Toán học và nội dung dạy học trong sách giáo khoa;
Năng lực nhận thấy được các mối liên hệ và khả năng sử dụng Toán học trong các khoa học và các lĩnh vực môn học khác; năng lực ứng dụng CNTT và truyền thông trong dạy học Toán; năng lực nghiên cứu khoa học giáo dục Toán học. Cuối cùng là năng lực chuyển hóa sư phạm nhằm định hướng cách phát hiện và giải quyết vấn đề trong dạy học Toán.
PGS.TS Cao Thị Hà (Trường ĐH Sư phạm, ĐH Thái Nguyên) thì cho rằng: Giáo viên Toán trong giai đoạn hiện nay, bên cạnh những kĩ năng cơ bản, truyền thống như kĩ năng tìm hiểu chương trình, sách giáo khoa; kĩ năng trình bày bảng; kĩ năng giải bài tập Toán học, còn cần những kĩ năng mới.
Đó là: Kĩ năng ứng dụng CNTT và truyền thông trong quá trình dạy học; kĩ năng hợp tác trong quá trình dạy học; kĩ năng lập kế hoạch và tổ chức các diễn đàn Toán học (hoặc tổ chức các hoạt động trải nghiệm, sáng tạo thông qua môn Toán); kĩ năng thiết kế và dạy học trực tuyến.
PGS.TS Vương Dương Minh (Trường ĐH SP Hà Nội) lại đưa ra 3 điểm nhấn trong năng lực giáo viên Toán, gồm: Vận dụng tốt phương pháp dạy học Toán theo định hướng phát triển năng lực học sinh; kiểm tra, đánh giá kết quả học tập theo định hướng phát triển năng lực học sinh và cuối cùng là phát triển chương trình giáo dục. Ngoài ra, đáp ứng yêu cầu mới, giáo viên Toán cần không ngừng tự bồi dưỡng và trải nghiệm sáng tạo.
Đào tạo giáo viên Toán theo hướng tiếp cận năng lực
Phát triển năng lực dạy học cho sinh viên là nhiệm vụ quan trọng trong các trường sư phạm. Kết quả phát triển năng lực dạy học cho sinh viên phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như trình độ chuyên môn nghiệp vụ của giảng viên; khả năng, trình độ của người học; điều kiện cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy…
Theo PGS.TS Trịnh Thanh Hải (Trường ĐH Thái Nguyên), định hướng cơ bản cho việc bồi dưỡng năng lực sư phạm cho sinh viên trong các trường sư phạm là phải phát huy được các tố chất, năng lực sư phạm ở dạng tiềm ẩn hay tường minh trong mỗi sinh viên; tạo được môi trường thuận lợi có tính thực tiễn, tương tác cao để triển khai các hoạt động bồi dưỡng năng lực sư phạm cho sinh viên. Chú trọng và coi việc sinh viên chủ động tự bồi dưỡng năng lực sư phạm một cách thường xuyên là biện pháp chính.
Để đáp ứng được định hướng đổi mới giáo dục sau 2015, các trường sư phạm cần phải chuyển đổi mô hình đào tạo theo “định hướng nội dung” dạy học hay “định hướng đầu vào” sang theo định hướng năng lực hay “định hướng chuẩn đầu ra”, triển khai đồng bộ các biện pháp sư phạm phù hợp để đổi mới việc hình thành, rèn luyện năng lực nghề nghiệp cho sinh viên.
Với TS Lê Xuân Trường (Trường ĐH Đồng Tháp), năng lực nghề nghiệp của sinh viên trong giai đoạn hiện nay không chỉ thể hiện ở khả năng dạy học mà bao gồm cả các kĩ năng mềm mà sinh viên được bồi dưỡng và tự rèn luyện trong quá trình học tập ở trường sư phạm. Việc phát triển năng lực nghề nghiệp cho sinh viên cần bắt đầu ngay từ năm thứ nhất. Có như vậy, việc phát triển năng lực mới đi vào chiều sâu và thiết thực.
Đặt vấn đề phát triển năng lực dạy học theo yêu cầu đổi mới giáo dục cho sinh viên sư phạm Toán thông qua các môn khoa học cơ bản, TS Hoàng Công Kiên và TS Phan Thị Tình (Trường ĐH Hùng Vương, Phú Thọ) cho rằng:
Dạy học Toán ở trường phổ thông hướng vào mục tiêu chung theo tinh thần đổi mới giáo dục đòi hỏi giáo viên điều chỉnh hoạt động dạy học so với cách thức truyền thống. Các trường sư phạm cần có sự điều chỉnh nhằm chuẩn bị cho giáo sinh tiềm năng thích ứng với yêu cầu mới ngay trong quá trình đào tạo.
Đối với sinh viên sư phạm Toán, việc dạy học các môn khoa học cơ bản cần đảm bảo nguyên tắc kết hợp chặt chẽ các kiến thức sẽ dạy với kiến thức, kĩ năng cần thiết để thiết lập việc dạy phục vụ cho việc học. Hạn chế sự tách biệt giữa nội dung, phương pháp, cách thức tổ chức dạy học, hình thành phát triển năng lực dạy học cho sinh viên, đáp ứng yêu cầu triển khai chương trình dạy học mới.