Giải các bài toán va chạm với định luật bảo toàn

GD&TĐ - Các định luật bảo toàn có vai trò vô cùng quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề về vật lí nói chung và giải các bài toán vật lí trong chương trình THPT nói riêng.

Giải các bài toán va chạm với định luật bảo toàn

Thầy Nguyễn Huy Hoàng - Giáo viên Trường THPT Dương Quảng Hàm (Hưng Yên) cho rằng, đối với học sinh, đây là vấn đề khó. Các bài toán va chạm rất đa dạng và phong phú.

Tài liệu tham khảo thường đề cập tới vấn đề này một cách riêng lẻ. Do đó học sinh không có cái nhìn tổng quan về bài toán va chạm.

Hơn nữa trong bài toán va chạm, các em thường xuyên phải tính toán với động lượng - đại lượng có hướng. Đối với loại đại lượng này, các em thường lúng túng không biết khi nào viết dưới dạng véc tơ, khi nào viết dưới dạng đại số, chuyển từ phương trình véc tơ về phương trình đại số như thế nào, đại lượng véc tơ bảo toàn thì những yếu tố nào được bảo toàn....

Về thực trạng áp dụng các định luật bảo toàn vào bài toán va chạm, theo thầy Nguyễn Huy Hoàng, đa số học sinh đều khẳng định được có thể coi hiện tượng va chạm là một hệ kín và áp dụng định luật bảo toàn động lượng, định luật bảo toàn cơ năng để giải.

Nhưng khi bước vào giải, học sinh lại mắc vào việc xử lý dấu của vận tốc của các vật trong hệ trước và sau va chạm dẫn đến không ra kết quả đúng.

Việc xử lý biểu thức định luật bảo toàn động lượng dưới dạng vectơ, biến đổi toán học của học sinh lớp 10 còn thiếu chuẩn xác và rất lúng túng.

Để khắc phục hiện trạng nói trên, thầy Nguyễn Huy Hoàng cho rằng, giáo viên có thể dùng giải pháp phân loại bài tập về hiện tượng va chạm, nêu phương pháp cụ thể khi áp dụng các định luật bảo toàn vào từng loại bài tập đó.

Bài toán các vật chuyển động trên cùng một trục

Với bài toán này, học sinh cần lưu ý 3 bước. Bước 1: Chọn hệ trục toạ độ. Bước 2: Lập phương trình hoặc hệ phương trình (Viết biểu thức định luật bảo toàn động lượng dưới dạng đại số; viết phương trình bảo toàn động năng (nếu va chạm là đàn hồi) ...

Bước cuối cùng, giải phương trình hoặc hệ phương trình trên để suy ra các đại lượng vật lí cần tìm.

Thầy Nguyễn Huy Hoàng lưu ý: Động lượng, vận tốc nhận giá trị (+) khi véc tơ tương ứng cùng chiều với chiều (+) của trục toạ độ.

Động lượng, vận tốc nhận giá tri (-) khi véc tơ tương ứng ngược chiều với chiều (+) của trục toạ độ.

Trong thực tế không nhất thiết phải chọn trục toạ độ. Ta có thể ngầm chọn chiều (+) là chiều chuyển động của một vật nào đó trong hệ.

Các dạng bài tập cơ bản về va chạm

Với dạng bài này, thầy Nguyễn Huy Hoàng lưu ý cần: Xác định vận tốc của các vật trước và sau va chạm; tính phần có năng bị suy giảm sau va chạm không đàn hồi; xác định hướng chuyển động của các vật sau va chạm.

“Việc phân loại bài tập như trên giúp học sinh có cái nhìn đúng đắn khi gặp các bài toán va chạm và không còn túng túng bỡ ngỡ khi gặp các bài tập này” - thầy Nguyễn Huy Hoàng cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ