Bộ trưởng Bộ GD&ĐT gặp gỡ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành GD,ĐT:

Phát triển giáo dục đại học đứng trước nhiều thách thức

GD&TĐ - Giảng viên, cán bộ quản lý, nhân viên bậc đại học đã bày tỏ nhiều tâm tư, nguyện vọng, thuận lợi, khó khăn về quá trình công tác với Bộ trưởng.

GS.TS Phạm Thị Huyền, Trưởng bộ môn Marketting, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phát biểu. Ảnh: Thế Đại
GS.TS Phạm Thị Huyền, Trưởng bộ môn Marketting, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phát biểu. Ảnh: Thế Đại

Tạo động lực nghiên cứu khoa học

TS Lâm Thành Hiển (Trường ĐH Lạc Hồng) đại diện cho gần 600 cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường đã đề xuất lên Bộ trưởng 3 vấn đề. Thứ nhất, cứ 5 năm phải tái đánh giá một lần. Điều này tạo ra nhiều áp lực với nhà trường, giảng viên. Thứ hai, 3 trụ cột chính của một trường đại học là: Đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng.

Tuy nhiên, chính sách này không được áp dụng cho các trường đại học tư thục. Mong Bộ trưởng quan tâm thêm để khích lệ tinh thần giảng viên các trường tư thục khi tham gia nghiên cứu khoa học. Thứ ba, TS Hiển mong muốn hỏi về cơ chế để các nhà giáo ở trường tư thục được công nhận là giảng viên chính.

TS Đinh Minh Hằng - giảng viên Khoa Ngữ văn, Trưởng phòng Hành chính đối ngoại, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đánh giá, nghiên cứu khoa học và giảng dạy là hai nhiệm vụ song song trong các trường đại học, cao đẳng. TS Hằng mong Bộ trưởng cho biết, thời gian tới Bộ GD&ĐT sẽ có các giải pháp, chính sách ra sao để tạo động lực, khuyến khích nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong các trường đại học.

Lựa chọn chia sẻ về chủ đề “tôn sư trọng đạo”, giảng viên Đinh Ngọc Thắng, Trường Sư phạm - Trường Đại học Vinh (Nghệ An), nêu ý kiến đến Bộ trưởng GD&ĐT: Thứ nhất, trong các chương trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên cần lồng ghép đào tạo bồi dưỡng truyền thống của dân tộc Việt Nam, trong đó có truyền thống “tôn sư trọng đạo”. Việc bồi dưỡng giúp lan tỏa giá trị truyền thống của cha ông trong môi trường sư phạm.

Thứ hai, các chủ trương, quyết sách lớn của Bộ GD&ĐT cần gắn liền với sứ mệnh của những người đã lựa chọn nghề giáo... Thứ ba, vấn đề nêu gương nhà giáo cũng hết sức quan trọng. Việc nêu gương phải kịp thời chính xác… Giảng viên này đề nghị ngành Giáo dục cần tiếp tục tăng cường đào tạo, bồi dưỡng các truyền thống tốt đẹp của dân tộc, đặc biệt cần phát huy truyền thống “tôn sư trọng đạo”.

PGS.TS Phạm Thị Huyền, Trưởng bộ môn Marketing, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (Hà Nội) lại đưa ra kiến nghị về vấn đề tự chủ đại học. Từ thực tế Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, PGS.TS Phạm Thị Huyền đề nghị Bộ GD&ĐT chung tay truyền thông về tự chủ đại học. Cùng đó, đề nghị Bộ GD&ĐT và các cơ quan điều hành có đề xuất cơ chế chính sách, văn bản chỉ đạo giúp các trường đại học điều hành tự chủ tài chính một cách hợp lý trong thời gian tới.

Đại diện cho Đại học Thái Nguyên, PGS.TS Nguyễn Danh Nam đánh giá Luật Giáo dục đại học sửa đổi 2018 chưa khai phóng hết tiềm năng của giảng viên Việt Nam. TS Nam có 2 đề xuất tới Bộ trưởng: Cần tạo môi trường tự do học thuật trong các trường đại học thông qua cơ chế của Nhà nước, đặc biệt là qua môi trường tự chủ đại học.

Có kinh phí hỗ trợ nghiên cứu khoa học, đặc biệt là với các giảng viên trẻ giảng dạy, nghiên cứu khoa học. Đề xuất Bộ GD&ĐT kiến nghị Quốc hội, Chính phủ tăng kinh phí đầu tư cho giáo dục đại học, tạo môi trường để giảng viên làm nghiên cứu khoa học; chỉ đạo thực hiện quyết liệt việc quy hoạch mạng lưới các trường đại học nhằm phát huy tiềm năng của các cơ sở giáo dục và đưa lĩnh vực giáo dục đại học vươn tầm quốc tế.

Bộ GD&ĐT cần có cơ chế đặt hàng với các đại học vùng, góp phần phát triển chiến lược vùng và chiến lược đất nước…

Đại biểu tại Trường ĐH Trà Vinh tham dự chương trình.
Đại biểu tại Trường ĐH Trà Vinh tham dự chương trình.

Chính sách giữ người tài

PGS.TS Phạm Ngọc Minh - Trưởng bộ môn Ký sinh trùng, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Trường Đại học Y Hà Nội trăn trở với việc giữ chân giảng viên giỏi, từ đó đề xuất, cần có cơ chế chính sách, đặc thù, thu hút tương xứng. PGS.TS Phạm Ngọc Minh cũng kiến nghị sửa đổi quy định về điều kiện có thể trở thành giảng viên trường y.

Thay vì quy định phải có bằng thạc sĩ, nên chăng sửa thành giảng viên trường đại học y phải có bằng thạc sĩ hoặc tương đương để các trường có thể vận dụng được. Ngoài ra, cần sửa đổi Nghị định 99 về tự chủ đại học để phù hợp với thực tiễn.

TS Trần Trọng Đạo, Chủ tịch Công đoàn Trường Đại học Nha Trang nêu 2 đề xuất: Thứ nhất, nên có chính sách tiền lương, bảng lương riêng cho nhà giáo. Đây là việc khó bởi nguồn lực của Nhà nước có hạn và phải xem xét trong tương quan với các ngành khác. Hai là, có chính sách cho vay vốn với các ưu đãi đặc thù (thực hiện thông qua hệ thống ngân hàng) cho viên chức, người lao động trong ngành. Nhà nước có thể cho vay để mua đất, xây nhà, đi học với các ưu đãi về lãi suất, thời gian vay (10 - 20 năm), phương thức trả nợ vay.

Đại diện cho khối các trường ngoài công lập, GS.TS Phạm Thành Huy, Hiệu trưởng Trường Đại học Phenikaa ý kiến với Bộ trưởng về chính sách để trường ngoài công lập phát triển. GS Phạm Thành Huy kiến nghị với Bộ trưởng và mong muốn các cơ quan có sự điều chỉnh chính sách quan tâm nhiều hơn đến các trường ngoài công lập.

Bộ GD&ĐT và Chính phủ ghi nhận sự đóng góp của các trường ngoài công lập, tiếp tục có điều chỉnh cơ chế chính sách, tạo cơ hội bình đẳng phát triển cho trường công lập và ngoài công lập, trường ngoài công lập được tiếp cận với quỹ đất xây dựng, được ưu đãi về chính sách thuế.

Đồng thời mong có chính sách động viên các nhà giáo được ghi nhận thành tích, tham gia vào hệ thống thi đua khen thưởng của Bộ GD&ĐT. Các chính sách liên quan đến danh hiệu nhà giáo nhân dân và nhà giáo ưu tú, các thầy cô tham gia giảng dạy từ đầu ở trường ngoài công lập có đủ điều kiện tham gia, mong được xét công nhận các danh hiệu trên.

ThS Hoàng Ngọc Cảnh, Giám đốc Trung tâm CNTT, giảng viên Tin học, Trường Đại học Thương mại (Hà Nội) cho rằng, trong quá trình triển khai chuyển đổi số, trường gặp một số thách thức đến từ việc giáo dục Việt Nam và đại học Việt Nam còn yếu về cơ sở hạ tầng kỹ thuật. Do đó, Trường ĐH Thương mại mong muốn Bộ GD&ĐT xây dựng thêm đề án, cơ chế hỗ trợ tài chính, trang thiết bị hạ tầng, khoá học đào tạo kỹ năng cho giảng viên về chuyển đổi số.

Thầy Mai Đình Nam – Chủ tịch Hội đồng trường CĐSP tỉnh Điện Biên nêu ra 4 vấn đề mà tập thể nhà trường trăn trở. Đồng thời mong muốn Bộ GD&ĐT sớm ban hành quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm nói chung, các trường cao đẳng sư phạm nói riêng; Bộ GD&ĐT quan tâm, hỗ trợ để các trường có đủ điều kiện về cơ sở vật chất, đáp ứng quá trình đào tạo trong bối cảnh hiện nay;

Bộ có những giải pháp để hỗ trợ cán bộ, giảng viên bằng việc tạo cơ chế để các trường cao đẳng sư phạm được thực hiện việc bồi dưỡng thường xuyên cho cấp tiểu học và THCS tại địa phương; Bộ GD&ĐT, cùng với các cơ quan, các tỉnh triển khai thực hiện cụ thể hơn, tạo điều kiện tối đa nhất để các trường cao đẳng sư phạm thực hiện tốt chức năng của mình theo Điều lệ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Truyện ngắn: Mở trái tim yêu

GD&TĐ - Hạnh phúc của người đàn bà chính là có người đàn ông để nương tựa, nhưng Hiền thấy, đàn ông chỉ đem đến sự khổ đau...