Gần 6.300 ý kiến gửi Bộ trưởng Bộ GD&ĐT trong Chương trình gặp gỡ nhà giáo

GD&TĐ - Đã có gần 6.300 ý kiến gửi tới Chương trình Bộ trưởng Bộ GD&ĐT gặp gỡ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành Giáo dục năm 2023.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn chủ trì cuộc họp.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn chủ trì cuộc họp.

Đây là thông tin tại cuộc họp bàn về việc tổ chức Chương trình này diễn ra chiều 10/8 do Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chủ trì. Tham dự có Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam và đại diện lãnh đạo các cục, vụ, đơn vị thuộc Bộ GD&ĐT.

Ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục cho biết: Chuẩn bị tổ chức Chương trình, Công đoàn Giáo dục Việt Nam làm đầu mối nắm bắt tâm tư, nguyện vọng đội ngũ giáo viên, giảng viên và đến nay tập hợp được khoảng 6.294 ý kiến.

Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục đã tổng hợp lại các ý kiến này. Kết quả tổng hợp cho thấy, với giáo dục phổ thông, các ý kiến tập trung vào 3 nhóm vấn đề lớn.

Thứ nhất liên quan đến triển khai Chương trình GDPT 2018, như dạy học các môn tích hợp, bố trí giáo viên, tổ chức các cuộc thi trong nhà trường… Nhóm 2 liên quan đến chế độ chính sách nhà giáo, như tiền lương, phụ cấp, tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non… Nhóm 3 liên quan đến điều kiện làm việc của đội ngũ giáo viên, như trường lớp, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, hệ thống máy tính, nhà công vụ…

Đối với khối giáo dục đại học, có khoảng hơn 200 ý kiến của các giảng viên, tập trung vào 4 nhóm vấn đề: tự chủ đại học và vai trò đội ngũ giảng viên trong thực hiện tự chủ đại học; nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ trong các nhà trường; vấn đề chuyển đổi số trong giáo dục và thích ứng của các trường đại học với chuyển đổi số; cơ sở vật chất, quy hoạch mạng lưới…

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại cuộc họp.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại cuộc họp.

Tại buổi họp, các ý kiến trao đổi xung quanh việc tổ chức Chương trình; hướng đến tổ chức sát với yêu cầu thực tế, trên tinh thần thẳng thắn, cởi mở, chân tình; nội dung trao đổi thiết thực, hiệu quả; tạo không khí phấn khởi cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên, từ đó giúp nâng cao chất lượng giáo dục toàn ngành.

Chương trình sẽ được tổ chức trong 1 ngày (15/8), theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến.

Theo đó, buổi sáng, Bộ trưởng sẽ gặp gỡ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành GD-ĐT đang công tác tại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên, các trường chuyên biệt. Điểm cầu trực tiếp được tổ chức tại Bộ GD&ĐT. Điểm cầu trực tuyến kết nối tới 63 sở GD&ĐT và dự kiến tới cả địa bàn huyện, cơ sở giáo dục (tùy điều kiện cụ thể của địa phương).

Buổi chiều, Bộ trưởng gặp gỡ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành GD-ĐT đang công tác tại các cơ sở giáo dục đại học, các trường cao đẳng sư phạm. Bộ trưởng chủ trì tại điểm cầu Bộ GD&ĐT; các điểm trực tuyến được kết nối tới các cơ sở giáo dục ĐH, các trường CĐ sư phạm trên cả nước.

Trước đó, Bộ GD&ĐT đã ban hành Kế hoạch số 1062/KHBGDĐT về tổ chức Chương trình "Bộ trưởng gặp gỡ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành GD-ĐT năm 2023".

Mục đích, Chương trình là dịp để Bộ trưởng thông tin về tình hình của ngành; chia sẻ, động viên đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên các đơn vị, trường học, cơ sở giáo dục trong cả nước chuẩn bị năm học mới.

Đồng thời qua Chương trình, Bộ trưởng lắng nghe, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, những khó khăn của nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên trong quá trình thực hiện đổi mới giáo dục hiện nay; giúp việc định hướng chính sách phù hợp để phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành GD-ĐT và thực hiện thành công đổi mới GD-ĐT.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.