Đổi mới GDĐH không phải một đích đến nhất thời
Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, thông qua tự chủ đại học, nhà trường đã đạt được những thành quả đáng khích lệ và rút ra những bài học kinh nghiệm sâu sắc. Tất cả các hoạt động đổi mới của trường đều phải dựa vào triết lý giáo dục: nhân bản - sáng tạo - hội nhập và khẩu hiệu hành động: trở thành trường ĐH sáng tạo nhất.
“Do vậy, việc cần làm là thay đổi tư duy, văn hóa làm việc của tất cả thành viên của nhà trường, một công việc không dễ dàng nhưng không phải là không thực hiện được. Công cuộc tự chủ, đổi mới GDĐH là một quá trình liên tục, không phải một đích đến nhất thời. Thành công của cải cách đòi hỏi thời gian, sự kiên trì, sự quyết tâm; quan trọng nhất là sự đoàn kết, đồng lòng của tập thể nhà trường và các bên liên quan. Cải cách hay là chết!” - PGS.TS Đỗ Văn Dũng nêu quan điểm, đồng thời nhấn mạnh:
Để thực hiện tự chủ đại học thành công đòi hỏi các trường cần phải tiến hành cải cách, có sự đầu tư cơ sở vật chất nhất định, thương hiệu của nhà trường đảm bảo sinh viên ra trường có việc làm, đội ngũ cán bộ giảng viên đủ về số lượng, mạnh về chất lượng; đặc biệt phải có sự đồng lòng của toàn thể cán bộ viên chức, chọn được hội đồng trường đủ năng lực quản trị thay mặt cơ quan quản lý Nhà nước, và lãnh đạo trường phải năng động, sáng tạo để thu hút được sinh viên giỏi vào học, nâng cao chất lượng đào tạo, xem sinh viên là trung tâm.
Nếu các trường đại học chưa chuẩn bị đủ các điều kiện trên thì không thể tự chủ được. Tự chủ đại học là một quá trình, cần có điều kiện, lợi thế; cần thời gian để chuyển đổi cơ chế, nhận thức, ý thức và văn hóa chất lượng… từ cơ quan quản lý đến cơ sở GDĐH và trong toàn xã hội.
Giải pháp quan trọng hàng đầu để phát triển đất nước
Theo GS.TS Nguyễn Hữu Đức - Đại học Quốc gia Hà Nội, tự chủ đại học được thực hiện thông qua Hội đồng trường, với quyền hạn 10 điểm quy định trong Luật sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục đại học. Đây là bước tiến lớn trong lịch sử phát triển giáo dục đại học Việt Nam.
Chủ trương này đang từng bước giải phóng các nguồn lực, mang đến sinh khí mới cho các cơ sở giáo dục đại học. Tuy nhiên, để hệ thống đại học phát triển đáp ứng với chiến lược phát triển quốc gia, lợi thế của tự chủ phát huy đúng hướng và tránh các xu thế cực đoan, cần đảm bảo một số nguyên tắc và vấn đề căn bản, trong đó các vấn đề về quan hệ và trách nhiệm của các đại diện chủ sở hữu; năng lực chỉ đạo chiến lược của Hội đồng trường và công cụ quản trị và giám sát. Đây là các vấn đề quan trọng. Không đảm bảo được các yếu tố này, dù các đại học có đầy đủ các nguồn lực cũng sẽ khó vươn tới đỉnh cao và hoàn thành chức năng của mình.
Tại Hội thảo “Tự chủ trong giáo dục đại học - từ chính sách đến thực tiễn” do Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, phối hợp với Bộ GD&ĐT tổ chức, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng khẳng định, GD-ĐT là lĩnh vực có vai trò quan trọng đối với quốc gia, dân tộc ở mọi thời đại, đều được xem là giải pháp quan trọng hàng đầu để phát triển đất nước.
Với Việt Nam ta, Đảng, Nhà nước đã khẳng định chủ trương giáo dục là quốc sách hàng đầu nên việc đổi mới giáo dục trong giai đoạn hiện nay đang là mối quan tâm của các cấp, các ngành, các nhà khoa học và toàn xã hội, được mọi người dân, mọi gia đình cùng quan tâm.
Mỗi cấp học và trình độ đào tạo đều có vị trí, vai trò, ý nghĩa quan trọng, nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu giáo dục, tính chất và nguyên lý giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân.
GDĐH với chức năng là đào tạo nhân lực, nâng cao dân trí bồi dưỡng nhân tài, nghiên cứu khoa học công nghệ, đào tạo ra tri thức, sản phẩm mới để phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm Quốc phòng - An ninh và hội nhập quốc tế.
Đồng thời đào tạo người học có phẩm chất chính trị, đạo đức, có kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp để có năng lực nghiên cứu và phát triển ứng dụng khoa học và công nghệ tương xứng với trình độ đào tạo, có sức khỏe tốt, có khả năng sáng tạo và trách nhiệm nghề nghiệp, thích nghi với môi trường làm việc và có ý thức phục vụ nhân dân.
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh, trên 30 năm đổi mới, GD-ĐT Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần to lớn vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Mạng lưới các trường phát triển nhanh và đa dạng, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu học tập của nhân dân.
Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về GDĐH từng bước hoàn thiện là hành lang pháp lý cho GDĐH phát triển phù hợp với chủ trương, định hướng đổi mới của Đảng.
Đặc biệt có nhiều chính sách mới đã được hoạch định và thực thi như việc đẩy mạnh tự chủ cho các cơ sở GDĐH. Tuy nhiên trong thực thi còn những khó khăn, còn rào cản, còn khoảng cách, là một nội dung trong những thách thức, đòi hỏi phải đổi mới của GDĐH Việt Nam.