(GD&TĐ) - Chỉ tính riêng trong năm 2012, Đảng bộ ĐH Đà Nẵng đã phát triển 186 đảng viên mới, trong đó có 126 sinh viên (SV). Kết quả này đã chứng tỏ việc đứng trong hàng ngũ của Đảng đang là lý tưởng và mục tiêu phấn đấu của SV. Với việc ra đời của mô hình chi bộ SV, các đảng viên là SV đã phát huy được vai trò nòng cốt trong các hoạt động của SV và thanh niên. Tuy nhiên, nếu so với lực lượng đoàn viên - thanh niên của toàn ĐH Đà Nẵng, thì con số Đảng viên - SV được kết nạp mỗi năm còn khá khiêm tốn.
Mô hình chi bộ sinh viên sinh hoạt độc lập
Trong chiến dịch Mùa hè xanh 2012 tại xã Tiên Lãnh (Tiên Phước, Quảng Nam), có 7 SV trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng) được vinh dự kết nạp Đảng ngay tại mặt trận. Đây là những đoàn viên ưu tú đã được thử thách qua các phong trào hoạt động đoàn thể cũng như đạt nhiều thành tích trong học tập, nghiên cứu khoa học. Đến nay, chi bộ SV trường Kinh tế có 46 đảng viên sinh hoạt chính thức, trong đó có có 16 đảng viên chính thức, 30 đảng viên dự bị, ngoài ra còn có 01 đảng viên chính thức đang tham gia sinh hoạt tạm thời tại chi bộ.
Trước đây, khi chưa thành lập chi bộ SV, các đảng viên là SV cùng sinh hoạt chung với chi bộ tại các khoa, trong đó, các đảng viên hầu hết đều là giảng viên, cán bộ nhà trường. Về mặt thuận lợi, các đảng viên trẻ được sự dìu dắt, giúp đỡ của các đảng viên trưởng thành cũng đồng thời là người trực tiếp giảng dạy, quản lý. Tuy nhiên, việc sinh hoạt chung này cũng gặp một số khó khăn như tính chất công việc khác nhau nên khó bàn bạc, phát biểu, góp ý. Nói như PGS.TS Phan Văn Hòa - Bí thư Đảng ủy trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Đà Nẵng) thì khi sinh hoạt Đảng chung với giảng viên, các đảng viên là SV thường có tâm lý thụ động, vẫn còn rụt rè, ngại ngần trong phê và tự phê, không phát huy được tính dân chủ, bình đẳng.
Ảnh MH |
Thành lập và duy trì hoạt động hơn mười năm qua, mô hình chi bộ SV của trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng cho thấy rất thuận lợi cho các đảng viên là SV phát huy được vai trò nòng cốt trong các hoạt động của SV và thanh niên. Quan trọng hơn nữa, như bí thư chi bộ SV Trần Danh Nhân nhận xét: “Chi bộ SV ở ngày trong môi trường SV nên đã kịp thời nắm bắt mọi diễn biến về tư tưởng cũng như tâm tư, nguyện vọng của SV.
Chính vì vậy, lợi thế của mô hình chi bộ SV là có điều kiện phát hiện, giới thiệu được nhiều quần chúng ưu tú trong SV để phát triển Đảng”. Có thể thấy rõ điều này qua số đảng viên mới được kết nạp của chi bộ SV trường ĐH Ngoại ngữ. Trước khi thành lập chi bộ SV vào đầu năm 2012, trường ĐH Ngoại ngữ chỉ có 4 đảng viên là SV. Và chỉ sau 1 năm, con số này đã là 14 đảng viên. Để có thể đứng vào hàng ngũ của Đảng, SV phải hội đủ các yếu tố: học tập tốt, hoạt động phong trào xuất sắc và có nguyện vọng đứng vào hàng ngũ của Đảng.
Nếu chỉ xét ở từng điều kiện thì sẽ có nhiều SV đạt tiêu chuẩn, tuy nhiên, khi xét tổng thể 3 điều kiện cho một SV thì con số đạt được là rất ít so với tổng số SV toàn trường. Huỳnh Ngọc Mai Kha - Bí thư chi bộ SV trường ĐH Ngoại ngữ cho biết: “Có đến 70 - 80% SV trong toàn trường đã tham gia lớp bồi dưỡng tìm hiểu về Đảng nên đoàn viên thanh niên đều được các yêu cầu từ đó xác định được cho mình mục đích phấn đấu. Các tổ chức như Đoàn thanh niên, Hội sinh viên… cũng đều có những hoạt động giúp các bạn được rèn luyện, thử thách và phát huy năng lực của mình.
Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là phải đảm bảo được chất lượng đảng viên - SV, vậy nên, số đảng viên là SV phát triển mới không phải là nhiều do phải hội đủ 3 yếu tố như trên”.
Những gút mắc cần tháo gỡ
Theo số liệu thống kê của ĐH Đà Nẵng, công tác phát triển đảng trong SV ngày càng tăng về số lượng và chất lượng. Cụ thể, từ năm 2007 đến năm 2012, số lượng SV được kết nạp Đảng đã tăng từ 50 đảng viên năm 2007 lên 126 đảng viên năm 2011. Đặc biệt, ngày càng có nhiều SV người dân tộc thiểu số nỗ lực phấn đấu để được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Như chi bộ SV của Phân hiệu ĐH Đà Nẵng tại Kon Tum, từ cuối năm 2010 đến giữa năm 2012, có 27 đoàn viên thanh niên ưu tú được kết nạp Đảng, 72% trong số này là người dân tộc thiểu số. Điều này khẳng định thêm một lần nữa niềm tin của thanh niên với Đảng và ý thức phấn đấu trở thành đảng viên của thế hệ trẻ.
Tuy nhiên, như bí thư chi bộ SV trường ĐH Kinh tế Trần Danh Nhân trăn trở: “Năm 2012, chi bộ chúng tôi kết nạp được 20 đảng viên mới, nếu so với hơn 9.500 đoàn viên, thanh niên thì con số này chưa tương xứng với nguồn phát triển Đảng rất phong phú, dồi dào của nhà trường”. Đây cũng là thực trạng chung của các trường CĐ, ĐH hiện nay. Đó là chưa kể, việc kết nạp Đảng cho SV ở các bậc đào tạo CĐ và trung cấp còn gặp nhiều khó khăn do thời gian học ngắn, ảnh hưởng đến việc xem xét, kết nạp...
Một khó khăn khác nữa, theo anh Nhân, là chỗ trọ của SV thường không ổn định, hoặc chủ nhà trọ không đăng ký tạm trú nên rất khó để lấy nhận xét nơi cư trú, hoàn thành hồ sơ kết nạp đảng cho SV. Trường hợp này ở trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng không phải là ít. “Có những bạn, hồ sơ xét kết nạp Đảng gần như đã hoàn tất, chỉ thiếu bản nhận xét thái độ nơi cư trú hoặc chờ cho được bản nhận xét này cũng phải mất 2 - 3 tháng đã làm giảm đáng kể số lượng SV được xét kết nạp của mỗi năm. Chính vì vậy, chúng tôi rút kinh nghiệm, nhắc nhở các bạn SV là đối tượng Đảng phải lưu ý đăng ký tạm trú khi thuê nhà trọ, và những thủ tục nào làm có thể tiến hành trước thì chúng tôi sẽ làm, không chờ đến khi thẩm tra lý lịch mới hoàn tất mọi thủ tục như trước đây”.
Chưa gặp phải trường hợp vướng xác minh thái độ nơi cư trú như ở chi bộ SV trường ĐH Kinh tế, chi bộ SV trường ĐH Ngoại ngữ lại gặp khó khăn trong xác minh lý lịch của SV ở các tỉnh xa. Theo bí thư Huỳnh Ngọc Mai Kha thì do hầu hết đảng viên - sinh viên đang là đảng viên dự bị nên không thể đảm nhận được việc đi xác minh, thẩm tra lý lịch. Việc xác minh hồ sơ kết nạp thường là do đảng viên - giáo viên đảm trách, và vì là kiêm nhiệm nên thời gian xác minh kéo dài. Thêm vào đó, không phải SV nào cũng ý thức được việc hoàn thiện hồ sơ đúng thời hạn nên khi hoàn thiện hồ sơ qua tất cả các khâu cũng cận kề với thời điểm SV gần tốt nghiệp ra trường.
Có một thực tế nữa là có một bộ phận đảng viên - SV được kết nạp ở địa phương hoặc trường THPT, khi bước chân vào môi trường CĐ, ĐH, do không thích ứng được với môi trường học tập mới, có biểu hiện sa sút về kết quả học tập từ năm học đầu tiên nên không có điều kiện thể hiện vai trò nòng cốt trong các mặt hoạt động của lớp, của khoa nên rất khó khi chuyển đảng chính thức. Rồi có những đảng viên - SV tuy đã tốt nghiệp ra trường rồi nhưng vẫn chưa chuyển được sinh hoạt Đảng vì chưa tìm được việc làm hoặc chỗ trọ chưa ổn định.
Hiện việc phát triển đảng trong SV chủ yếu dựa vào lực lượng SV, vì vậy mô hình chi bộ SV là nhịp cầu nối quan trọng để kịp thời phát hiện, bồi dưỡng một đội ngũ đảng viên kế cận có đủ tâm - tài để góp phần xây dựng quê hương, đất nước.
Hà Nguyên