Phát triển chuyên môn qua các cộng đồng học tập

GD&TĐ - Mô hình bồi dưỡng giáo viên mới hình thành cộng đồng học tập trong nhà trường phổ thông, giữa các trường phổ thông với nhau và với trường ĐH sư phạm.

Tạo cảm hứng cho người học sau những giờ lên lớp thông qua văn hóa đọc và thực hành.
Tạo cảm hứng cho người học sau những giờ lên lớp thông qua văn hóa đọc và thực hành.

Cộng đồng này cần được duy trì, phát triển, giúp đội ngũ phát triển năng lực nghề nghiệp thường xuyên, liên tục.

Giáo viên hỗ trợ lẫn nhau phát triển năng lực nghề nghiệp

TS Nguyễn Thị Kim Dung, chuyên gia tư vấn của Ban Quản lý Chương trình Phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông (Chương trình ETEP), cho biết: Vai trò, nhiệm vụ của giáo viên cốt cán theo mô hình bồi dưỡng mới là hỗ trợ đồng nghiệp tự học, bồi dưỡng phát triển năng lực nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Đội ngũ giáo viên cốt cán được xem là cánh tay nối dài giữa trường đại học sư phạm, giảng viên sư phạm với trường phổ thông và giáo viên phổ thông. Cụ thể, giáo viên cốt cán có nhiệm vụ hỗ trợ giáo viên phổ thông truy cập vào tài khoản học tập trên hệ thống LMS; hỗ trợ giáo viên phổ thông tự học trên hệ thống LMS hoàn thành khối lượng học tập qua mạng và bài kiểm tra trắc nghiệm; chấm/đánh giá các bài tập hoàn thành mô-đun.

Thầy cô cốt cán cũng là người giải đáp các thắc mắc của giáo viên được phân công hỗ trợ; hướng dẫn giáo viên phổ thông trả lời Phiếu khảo sát trực tuyến. Đồng thời, tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên môn, bồi dưỡng trực tiếp khác, trao đổi kế hoạch bài dạy, dự giờ, thảo luận chuyên đề, xây dựng kế hoạch nhà trường, kế hoạch giáo dục năm với đồng nghiệp… từ đó xây dựng và phát triển cộng đồng học tập.

Những hỗ trợ này là thường xuyên, liên tục ngay cả khi đồng nghiệp hoàn thành các mô-đun bồi dưỡng hoặc chưa được học tập trên hệ thống LMS; từ đó xây dựng và phát triển cộng đồng học tập theo môn học và tại trường của mình. Mục đích của cộng đồng học tập là hỗ trợ lẫn nhau phát triển năng lực nghề nghiệp thường xuyên liên tục, tại chỗ về các nội dung chuyên môn được thể hiện trong các mô-đun bồi dưỡng.

Từ thực tế bồi dưỡng, với vai trò là giáo viên cốt cán, thầy Đỗ Lê Nam, Trường THPT chuyên Nguyễn Tất Thành, Yên Bái nhận thấy sự đồng hành rất hiệu quả của các giảng viên sự phạm chủ chốt.

“Nhiều nội dung tập huấn lý thuyết được thực hành luôn, từ đó học viên rút ra kinh nghiệm để vận dụng vào trường phổ thông. Giảng viên sư phạm chủ chốt thực hiện đúng vai trò là người đồng hành, không phải chỉ là giảng xong rồi thôi. Từ Mô-đun 3, 4 trở đi, thầy cô chủ động lập ra nhóm Zalo để giáo viên cốt cán cùng tham gia, trao đổi, gửi bài. Tôi cũng vận dụng cách đồng hành thiết thực, hiệu quả, trách nhiệm đó khi ở vai trò là giáo viên cốt cán” - thầy Đỗ Lê Nam chia sẻ.

Cô Trần Huỳnh Nhị, Trường THPT Hòa Ninh, Vĩnh Long cũng nhận thấy hoạt động hỗ trợ phát triển chuyên môn thông qua nhóm giáo viên là giải pháp tích cực trong tình hình hiện nay và sau này. Ở các trường đều có nhóm giáo viên theo khối lớp, sinh hoạt chia sẻ chuyên môn sâu thông qua việc nghiên cứu bài học. Giáo viên giữa các trường cũng lập nhóm để chia sẻ chuyên môn.

“Tại Vĩnh Long có nhóm giáo viên cốt cán, nhóm sẽ họp bàn về các vấn đề chuyên môn, định hướng chuyên môn. Trong nhóm cốt cán sẽ chia ra để thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn, như bồi dưỡng chương trình giáo dục phổ thông, bồi dưỡng học sinh giỏi, nghiên cứu khoa học kỹ thuật…

Mỗi giáo viên khi phụ trách việc học mô-đun cũng lập nhóm các thành viên mình phụ trách. Trong quá trình giáo viên học sẽ hỗ trợ giải đáp thắc mắc, hướng dẫn xây dựng kế hoạch... Việc lập nhóm thường diễn ra gắn với một nhiệm vụ và nội dung cụ thể nhằm đáp ứng yêu cầu nào đó trong bồi dưỡng chuyên môn. Nội dung mà nhóm thường trao đổi là những khó khăn, vướng mắc, hoặc chia sẻ những tài liệu chuyên môn” – cô Trần Huỳnh Nhị cho hay.

Những giờ đọc ở thư viện giúp người học mở mang kiến thức. Ảnh minh họa
Những giờ đọc ở thư viện giúp người học mở mang kiến thức. Ảnh minh họa

Làm sao để duy trì hiệu quả

Theo TS Nguyễn Thị Việt Nga, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Sư phạm, Trường ĐHSP Hà Nội 2, mô hình bồi dưỡng ETEP có đặc tính thường xuyên, liên tục, tại chỗ; kết hợp trực tiếp với trực tuyến. Các nội dung, tài liệu học tập được đưa vào tài khoản học tập của giáo viên phổ thông, vì vậy biến quá trình bồi dưỡng thành tự bồi dưỡng có hỗ trợ của đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục cốt cán và giảng viên sư phạm chủ chốt. Qua đây hình thành cộng đồng học tập trong nhà trường phổ thông, giữa các trường phổ thông với nhau và với trường ĐH sư phạm.

Cộng đồng học tập của giáo viên là nhóm có chung mối quan tâm hoặc mục tiêu học tập, cùng tham gia để chia sẻ hoặc chuyển giao tri thức liên quan đến mối quan tâm đó. Để tiếp tục phát triển cộng đồng học tập này, TS Nguyễn Thị Việt Nga nhấn mạnh: Cần tăng cường thêm sự liên kết giữa giáo viên phổ thông trong các cụm trường với nhau và với giảng viên sư phạm. Liên hệ này có thể trực tiếp hoặc thông qua các ứng dụng công nghệ. Ngoài ra, để hoạt động hiệu quả cộng đồng học tập, phải xác định rõ các nhu cầu, mục tiêu của cộng đồng giáo viên học tập, từ đó định hướng các nội dung học tập.

TS Nguyễn Thị Kim Dung thì cho rằng: Để có được cộng đồng học tập hiệu quả cần lưu ý tổ chức triển khai bồi dưỡng các mô-đun trên hệ thống LMS theo hình thức tự học có hỗ trợ của đội ngũ cốt cán và giảng viên sư phạm. Chính việc tự học có hỗ trợ, tương tác này tạo ra sự gắn kết, trao đổi, hình thành và phát triển các cộng đồng học tập giữa giảng viên sư phạm chủ chốt với giáo viên phổ thông/cán bộ quản lý giáo dục phổ thông cốt cán; giữa đội ngũ cốt cán với nhau; đội ngũ cốt cán với đại trà và giữa các giáo viên đại trà với nhau.

Cùng với đó, từng thành viên đều phải có nhu cầu tự học, tự bồi dưỡng để nâng cao năng lực nghề nghiệp cho bản thân; qua đó tác động tích cực, lan tỏa trong cộng đồng học tập. Điều vô cùng quan trọng là cơ chế quản lý, sự vào cuộc của các cấp quản lý, từ tổ chuyên môn, trường phổ thông đến phòng/sở GD&ĐT, kiên trì mục đích phát triển năng lực nghề nghiệp cho đội ngũ nhà giáo tại cơ sở.

Đưa giải pháp từ góc nhìn giáo viên, cô Trần Huỳnh Nhị nhấn mạnh đầu tiên đến vai trò của người lãnh đạo trực tiếp. Chỉ khi người lãnh đạo trực tiếp chỉ đạo đi vào chiều sâu thì các nhóm chuyên môn sẽ được đẩy mạnh. Bên cạnh đó, chất lượng của những nội dung chuyên môn chia sẻ là yếu tố thu hút giáo viên. Nếu người chủ nhóm tạo ra được những nội dung chia sẻ hay, có chất lượng, chắc chắn sẽ thu hút thành viên trao đổi thảo luận và học tập. “Người thích hợp nhất làm chủ nhóm chính là các tổ trưởng chuyên môn” – cô Trần Huỳnh Nhị cho hay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trao quà Tết cho học trò nghèo tại huyện Krông Bông, Đắk Lắk. (Ảnh: HT)

Lặng thầm trao gửi yêu thương

GD&TĐ - Thời gian qua, Báo GD&TĐ tại miền Trung - Tây Nguyên thường xuyên phối hợp Hội nội thất ô tô Tây Nguyên hỗ trợ học bổng, quà cho học trò nghèo.

Trịnh Ngọc Thanh Tú nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT. Ảnh: TT

Nữ sinh phố núi ước mơ thành cô giáo

GD&TĐ - Trịnh Ngọc Thanh Tú - lớp 12A1, Trường THPT Lê Quý Đôn (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) luôn nuôi ước mơ làm cô giáo để nối tiếp truyền thống gia đình.