Điều này có ý nghĩa như thế nào đối với công tác bồi dưỡng phát triển chuyên môn giáo viên?
Kiến thức và kĩ năng mới có thể được giới thiệu trong quá trình tập huấn, hội thảo, nhưng việc học thực tế của giáo viên sẽ diễn ra ở trường, trong lớp học, nơi giáo viên thực hành và áp dụng những kiến thức và kĩ năng mới tiếp thu được. Quá trình này sẽ giúp giáo viên từ việc “tôi không biết rằng tôi không thể làm điều đó” tới việc “tôi có thể làm điều đó thành thạo, như một thói quen” (Maslow; Howell & Fleischman, 1982).
Để giáo viên vận dụng những kiến thức mới vào việc dạy và học, họ cần có một môi trường thuận lợi để chủ động sáng tạo, thử nghiệm những ý tưởng mới, cũng như cởi mở chia sẻ và tiếp nhận các góp ý để những ý tưởng mới trở thành các thực hành mới có hiệu quả trong lớp học. Giáo viên cũng cần nhận được sự động viên, khuyến khích và sự công nhận về các nỗ lực trong việc tạo nên các đổi mới trong dạy và học. Môi trường học tập thuận lợi còn được kể đến đó là môi trường có sự cộng tác trong việc bồi dưỡng chuyên môn, học từ nhau và học cùng với nhau. Như vậy, các sáng kiến và thực hành mới sẽ trở thành tài sản chung của nhà trường và được phát huy rộng rãi.
Vậy cán bộ quản lý cần làm gì để tạo môi trường học tập thuận lợi cho giáo viên?
Trước tiên, hãy tạo cảm giác “an toàn, tin tưởng” để giáo viên có thể chia sẻ những lo lắng, thách thức đang xảy ra trong lớp học và chủ động đưa ra đề xuất các giải pháp. Cán bộ quản lý luôn song hành cùng giáo viên trong quá trình thử nghiệm ý tưởng mới, chấp nhận thất bại và cùng với các giáo viên tìm ra giải pháp để cải thiện và phát triển cũng như chia sẻ kinh nghiệm. Đây là cách để thúc đẩy văn hoá học tập cộng tác và học qua suy ngẫm, phản hồi từ thực tế lớp học.
Chia sẻ về sự khác nhau trước và khi xây dựng môi trường học tập thuận lợi, cô H.T.T.C – hiệu trưởng trường mầm non Ngọk Tem, tỉnh Kontum chia sẻ “Khác với ngày trước, khi dự giờ xong, cán bộ quản lý đưa ra nhận xét đối với giáo viên: cô làm điều gì tốt, điều gì chưa tốt, cần phải cải thiện ra sao, chỉ nhằm vào cô. Bây giờ các góp ý hướng vào trẻ, từ sự tham gia của trẻ mà cùng nhau rút kinh nghiệm. Cách nhận xét cũng giúp giáo viên tự suy ngẫm, phản hồi, hướng dẫn như vậy giúp ích được nhiều cho giáo viên, đặc biệt giáo viên mới”.
“Nhớ lại trước kia, mỗi khi cần xin ý kiến của Ban Giám hiệu tôi thường rất căng thẳng vì sợ bị đánh giá năng lực kém; hay khi có người dự giờ tiết dạy tôi luôn lo sợ đến nỗi đêm ngủ không được. Phần thì sợ trẻ không biết trả lời hay thực hiện hoạt động như cô mong muốn, phần thì sợ phải nghe những lời nhận xét không tốt về mình.
Còn bây giờ, đôi lúc bản thân tôi thấy mình có những câu hỏi thật ngây ngô, nhưng tôi vẫn nhận được ánh mắt nhìn thân thiện, những lời động viên kịp thời, làm tôi thấy việc nói ra suy nghĩ của mình không thật sự là khó, và cũng không có gì đáng sợ như trước đây tôi vẫn thường nghĩ. Từ đó, tôi có thêm sự tự tin, nhờ có thêm sự tự tin mà tôi mạnh dạn thay đổi cách nghĩ, cách làm kể cả những tình huống xảy ra với các trẻ trong lớp của tôi.”Cô N.T.K.O, giáo viên trường Ngọc Wang, tỉnh Kon tum chia sẻ về những thay đổi từ khi nhà trường bắt đầu áp dụng môi trường học tập thuận lợi.
Đối với cấp Phòng GD&ĐT, Sở GD&ĐT, làm thế nào để khuyến khích và hỗ trợ các trường mầm non tạo môi trường học tập thuận lợi cho giáo viên?
Tương tự, môi trường “an toàn, tin tưởng” là điều kiện cần thiết đầu tiên để đảm bảo sự chủ động, sáng tạo, tư liệu hoá kinh nghiệm hay và chia sẻ ở diện rộng. Việc tạo dựng môi trường an toàn có thể thông qua việc hướng dẫn cụ thể về các quy định, chính sách và chiến lược nâng cao chất lượng giáo dục, nhằm đảm bảo cán bộ quản lý, cán bộ Sở, Phòng GDĐT có cùng chung cách hiểu. Kế hoạch và nội dung bồi dưỡng được xây dựng dựa theo nhu cầu của giáo viên, các cam kết đối với trường về một tầm nhìn rõ ràng. Đồng thời CBQL Sở, Phòng GD&ĐT cũng cần cung cấp các hướng dẫn có sự liên kết giữa tầm nhìn này và chính sách.
Sở, Phòng GD& ĐT cũng có thể hoạt động như một trung tâm để trao đổi về các thực hành phát triển chuyên môn hiệu quả ở trong tỉnh, ví dụ như tổ chức các buổi chia sẻ các thực hành tốt trong các buổi sinh hoạt chuyên môn cụm và các mạng lưới giáo dục cấp huyện/ tỉnh và các buổi trao đổi chéo giữa các trường.
Như vậy, bồi dưỡng chuyên môn là một quá trình, và để cho công tác này được hiệu quả thì những cơ hội để thử nghiệm, để suy ngẫm, phản hồi, tư liệu hoá và chia sẻ là rất cần thiết. Và để có được những cơ hội này, vai trò của cán bộ quản lý nhà trường, Sở & Phòng GDĐT tại địa phương là rất quan trọng trong việc thúc đẩy một môi trường “an toàn, tin tưởng”.
Bạn đọc quan tâm đến chủ đề tạo dựng môi trường học tập thuận lợi có thể tham khảo thêm chương 1, tài liệu “Hỗ Trợ Phát Triển Chuyên Môn Giáo Viên Do Trường Chủ Trì” được tổ chức VVOB biên soạn tại đường dẫn : https://vietnam.vvob.org/vi/resources/boi-duong-phat-trien-chuyen-mon-cho-giao-vien-tai-lieu-tham-khao-danh-cho-nguoi-thuc-hien