Phát triển chương trình GDPT trong bối cảnh đổi mới giáo dục tại Việt Nam và Lào

GD&TĐ - Ngày 28/9, bằng hình thức trực tuyến, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam đã phối hợp với Viện Nghiên cứu Giáo dục Lào tổ chức Hội thảo về giáo dục.

Hội thảo tại đầu cầu Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam.
Hội thảo tại đầu cầu Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam.

Hội thảo quốc tế “Phát triển chương trình giáo dục phổ thông trong bối cảnh đổi mới giáo dục tại Việt Nam và Lào”, do TS Onekeo Nuannavong, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Giáo dục Lào và GS Lê Anh Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam đồng chủ trì tại điểm cầu chính Nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, tại điểm cầu Việt Nam là Viện Khoa học Giáo dục. Tham dự Hội thảo là các nhà khoa học giáo dục, quản lý giáo dục của 2 quốc gia.

Diễn đàn trao đổi kinh nghiệm

Theo GS Lê Anh Vinh, Hội thảo là diễn đàn để các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý giáo dục, các thầy cô giáo và sinh viên của 2 quốc gia Việt Nam và Lào cùng trao đổi các ý kiến về kinh nghiệm và thực tiễn đổi mới giáo dục phổ thông tại 2 quốc gia trước những thách thức của đổi mới.

Trong khi đó, TS Onekeo Nuannavong nhấn mạnh đây là dịp để các nhà khoa học giáo dục của hai quốc gia cùng nhìn nhận lại lộ trình phát triển chương trình giáo dục phổ thông, cũng như đưa ra các giải pháp cần thực hiện để đảm bảo chất lượng giáo dục. Các đánh giá này sẽ là nền tảng quan trọng để thúc đẩy hợp tác giáo dục qua các nghiên cứu mới góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

Phiên toàn thể của Hội thảo do GS Lê Anh Vinh và TS Onekeo Nuannavong, Viện Nghiên cứu Giáo dục Lào cùng điều hành tại điểm cầu Nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào. Các báo cáo tham luận đã làm rõ nhiều nội dung quan trọng như báo cáo “Đổi mới chương trình giáo dục phổ thông tại Lào” do Báo cáo viên của Viện Nghiên cứu giáo dục Lào thực hiện;

Báo cáo “Đổi mới chương trình giáo dục phổ thông tại Việt Nam” do Báo cáo viên của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam thực hiện; Và báo cáo “Đưa nội dung các sản phẩm của công trình lịch sử quan hệ đặc biệt hai nước việt nam – lào, lào – việt nam vào dạy học trong chương trình giáo dục phổ thông” do Báo cáo viên của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam thực hiện.

Tại phiên thảo luận, hai bên đã có những tham luận: Cơ hội và thách thức triển khai chương trình phổ thông trong bối cảnh đại dịch Covid-19; Triển khai chương trình phổ thông trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tại Lào; Triển khai chương trình phổ thông trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tại Việt Nam. Các báo cáo viên của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam và Viện Nghiên cứu Giáo dục Lào đã đưa ra những luận chứng khoa học mang tính thuyết phục cao làm rõ nội dung nghiên cứu đồng thời đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn.

Hội thảo Phát triển chương trình GDPT trong bối cảnh đổi mới giáo dục tại Việt Nam và Lào được tổ chức trực tuyến tại 2 quốc gia.

Hội thảo Phát triển chương trình GDPT trong bối cảnh đổi mới giáo dục tại Việt Nam và Lào được tổ chức trực tuyến tại 2 quốc gia.

Tăng cường các hoạt động hợp tác chiến lược

Kết thúc Hội thảo, GS Lê Anh Vinh – Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam và TS Onekeo Nuannavong – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Giáo dục Lào đã cùng tổng kết Hội thảo, hai bên đều đánh giá cao các tham luận đã làm rõ nhiều vấn đề đặt ra đối với giáo dục phổ thông của hai quốc gia. Đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 đã có nhiều tác động ảnh hưởng, tuy nhiên mỗi bên đều đã linh hoạt tổ chức các hoạt động giáo dục thích ứng hiệu quả với bối cảnh đại dịch.

Hai bên đã cùng ký biên bản ghi nhớ. Theo đó, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam và Viện Nghiên cứu Khoa học Giáo dục Lào thỏa thuận tăng cường các hoạt động hợp tác chiến lược, phù hợp với định hướng phát triển vì lợi ích chung của hai bên. Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam và Viện nghiên cứu Khoa học Giáo dục Lào phối hợp đề xuất, triển khai đưa nội dung các sản phẩm của công trình lịch sử quan hệ hợp tác đặc biệt Việt Nam-Lào vào giảng dạy tại các trường học của hai nước.

Viện nghiên cứu Khoa học Giáo dục Lào phối hợp và hỗ trợ Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam thực hiện và tiếp tục triển khai đề án Biên soạn chương trình dạy tiếng Việt và bộ sách giáo khoa tiếng Việt (thực nghiệm) từ lớp 1 đến lớp 12 cho học sinh Lào tại Lào” và triển khai “Thí điểm dạy học song ngữ Việt-Lào trong trường Nguyễn Du, thủ đô Viêng Chăn, nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, giai đoạn 2022-2027”. Thực hiện các dự án nghiên cứu trong lĩnh vực giáo dục.

Hai bên cam kết hỗ trợ nhau trong việc trao đổi thông tin khoa học và nghiên cứu cũng như trao đổi các tài liệu liên quan. Tăng cường sự tham gia của các phương tiện thông tin đại chúng có liên quan để công bố rộng rãi tin tức và thông tin về các sự kiện/dự án liên quan. Hai bên sẽ chia sẻ kinh nghiệm về quản lý, đề xuất nghiên cứu, thực hiện, đánh giá và ứng dụng trong nghiên cứu khoa học giáo dục.

Biên bản ghi nhớ: Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam và Viện Nghiên cứu Giáo dục Lào sẽ đồng tổ chức một hội thảo/hội nghị thường niên về các dự án/hợp tác hai bên đang triển khai thu hút sự tham gia của Bộ GD&ĐT, các Sở GD&ĐT và các nhà lãnh đạo giáo dục tại Việt Nam và Lào để các bên tham gia vào các hoạt động vì lợi ích chung của cả hai bên và các hoạt động hợp tác nghiên cứu khác. Đồng tổ chức các webinars (hội thảo online) về các chủ đề giáo dục khác nhau, bao gồm cả những chủ đề liên quan cụ thể đến bối cảnh Việt Nam, Lào.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.