Ngày 6/12, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith chủ trì Kỳ họp lần thứ 43 Ủy ban liên Chính phủ Việt - Lào về hợp tác song phương. Trong khuôn khổ sự kiện này, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Việt Nam Phùng Xuân Nhạ và Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Thể thao Lào Sengdeuane Lacchanthaboune đã ký kết 3 văn bản hợp tác về GD-ĐT.
3 văn bản hợp tác gồm: Thỏa thuận giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào về Đề án “Nâng cao chất lượng và hiệu quả hợp tác Việt Nam - Lào trong lĩnh vực giáo dục và phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2021-2030”; Thỏa thuận Kế hoạch triển khai Đề án “Đưa nội dung các sản phẩm công trình lịch sử quan hệ đặc biệt hai nước Việt Nam - Lào và Lào - Việt Nam vào giảng dạy tại các trường học hai nước Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam” và kế hoạch hợp tác năm 2021 giữa Bộ GD&ĐT Việt Nam và Bộ Giáo dục và Thể thao Lào.
Việt Nam - Lào có quan hệ hợp tác rất khăng khít và hiệu quả trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Trong giai đoạn 2011-2020, Bộ GD&ĐT Việt Nam và Bộ Giáo dục và Thể thao Lào đã phối hợp thực hiện tốt các nội dung của Đề án nâng cao chất lượng và hiệu quả hợp tác Việt - Lào trong lĩnh vực giáo dục và phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2011-2020.
Bộ GD&ĐT đã tham mưu chỉnh sửa, ban hành hoặc trực tiếp ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn, nghị định thư, thỏa thuận hợp tác nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý và chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho Lào. Kinh phí đào tạo, sinh hoạt phí cho lưu học sunh Lào đã được điều chỉnh tăng 3 lần theo đề nghị của Bộ GD&ĐT.
Việt Nam đã đào tạo cho Lào gần 30 nghìn người với cơ cấu ngành nghề và cấp bậc đào tạo khác nhau (cao đẳng, đại học, thạc sĩ, tiến sĩ), trong đó diện Hiệp định gần 5.000 người. Năm học 2019-2020, tổng số lưu học sinh Lào học tập tại Việt Nam là 16.644.
Việt Nam cũng đã cử 156 giáo viên Việt Nam sang giảng dạy tiếng Việt tại các trường phổ thông, trường đại học và bồi dưỡng tiếng Việt cho cán bộ các bộ, ngành của Lào. Hiện nay tiếng Việt đang được dạy cho 21 trường phổ thông tại 11 tỉnh của Lào (khoảng 17.000 học sinh).
Hoàn thành việc xây dựng bộ từ điển Việt - Lào, xây dựng chương trình dạy tiếng Việt và bộ sách dạy tiếng Việt từ lớp 1 đến lớp 12 cho học sinh Lào tại Lào. Đồng thời, thí điểm dạy học song ngữ Việt - Lào trong Trường phổ thông Nguyễn Du, Viêng Chăn, Lào.
Trong giai đoạn 2011-2019, phía Lào cũng đã tiếp nhận 395 sinh viên Việt Nam sang học tập, trong đó có 44 thạc sỹ, 289 đại học và 62 thực tập tiếng Lào.
Đề án hợp tác giáo dục Việt - Lào giai đoạn 2021-2030 đã đề xuất những giải pháp chiến lược, các nhiệm vụ cụ thể để tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng và hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực cho Lào. Bên cạnh việc kế thừa những hoạt động vẫn đang phát huy hiệu quả của giai đoạn trước, Đề án này sẽ tập trung triển khai một số nội dung mới để tạo sự đột phá về chất lượng đào tạo và làm sâu sắc hơn mối quan hệ Việt - Lào.
Bộ trưởng Ngoại giao Lào Samleumsay cho rằng, ASEAN là một khu vực hòa bình và ổn định lâu dài với những thành tựu đáng kể trong hợp tác kinh tế, điều này đã giúp ASEAN hòa nhập nền kinh tế toàn cầu và khu vực, qua đó đóng góp vào việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và cải thiện đời sống của người dân ASEAN”. Bộ trưởng Samleumsay cũng nhận định việc sau 23 năm trở thành thành viên ASEAN, Lào đã đạt được nhiều thành tựu và lợi ích thông qua việc tham gia đầy đủ và tích cực với tinh thần trách nhiệm cao vào các tiến trình chung của ASEAN, điều đã đóng góp đáng kể cho phát triển kinh tế xã hội của Lào.