1.
Nhiều thầy cô đã từng chọn cách phạt tiền khi học sinh vi phạm nội quy. Đồng nghiệp tôi cũng tự đặt ra nhiều mức độ phạt cho học sinh. Với nhiều lỗi vi phạm, một học sinh có thể phải nộp gộp chung lên đến mười, hai mươi ngàn trong một tuần. Số tiền này là đáng kể với sinh hoạt của các em vì không thể xin ba mẹ mà buộc phải trích ra từ các khoản ăn sáng hay chi dùng mua sắm của cá nhân.
Tôi không tán thành việc phạt học sinh bằng tiền vì có thể đưa học sinh đến chỗ suy nghĩ: tiền bạc có thể khắc phục được sai phạm của cá nhân. Khi lớn lên thật khó để sửa chữa vì nếp suy nghĩ ấy đã ăn sâu vào tiềm thức các em. Có nhiều cách để phạt học sinh nhưng quan trọng nhất là chỉ rõ sai phạm và cách sửa chữa chứ không phải dùng tiền để giải quyết.
Thầy cô dùng hình thức phạt tiền học sinh thường đưa ra lập luận: tiền nộp phạt dùng để liên hoan cuối năm hay dùng thưởng các bạn có thành tích trong học tập, hoạt động khác của lớp... Thử phân tích, nếu một học sinh chấp nhận nộp tiền vì số tiền phạt không lớn so với khả năng kinh tế gia đình, thì học sinh này sẽ tiếp tục vi phạm vì cho rằng cứ vi phạm và nộp tiền thì không phải chịu một hình thức chế tài nào khác. Khi đó thầy cô chỉ còn cách thu tiền phạt mãi mà quên đi mục đích giáo dục. Lại có học sinh do sơ xuất mà vi phạm nội quy, các em này cũng phải nộp phạt thì rõ ràng thầy cô đã quên mất rằng kỷ luật gì cũng phải bắt đầu từ nhắc nhở, nêu gương... chứ không phải tiền là cách giải quyết tốt nhất.
Không phải học sinh nào cũng chấp hành việc nộp phạt bằng tiền ngay lập tức vì lúc đó sẽ thiếu hụt mất tiền ăn sáng hay mua sắm dụng cụ học tập. Các em sẽ phải hẹn lần lửa và thầy cô phải tốn công truy thu. Thầy cô chủ nhiệm còn có nhiệm vụ chính là giảng dạy học sinh nên chắc chắn sẽ phân công học sinh theo dõi, ghi nhận vi phạm của các bạn, báo cáo thầy cô để phạt các bạn. Với chủ trương thu tiền phạt như thế, vô tình thầy cô đã làm xấu đi quan hệ thân thiện giữa các em. Thay vì nhắc nhở, giúp bạn điều chỉnh hành vi, sửa chữa sai phạm thì các em lai quay sang theo dõi, trông chờ bạn vi phạm và nộp phạt.
Không thể có việc học sinh bị phạt tiền mà vui. Cho dù bào chữa rằng số tiền đó chỉ bằng 1/10 tiền ăn sáng của các em nhưng việc phạt như vậy đã làm tổn thương các em rất nhiều. Nếu tiền ăn sáng không còn đủ, liệu các em có còn sức khỏe để học tập suốt buổi hay không? Chắc chắn là không. Các bạn khác thì hả hê vì thấy bạn bị phạt, bị nộp tiền, nghĩa là quỹ thu phạt của lớp ngày càng nhiều, đồng nghĩa với việc cuối năm sẽ liên hoan… hoành tráng.
Thầy cô không nghĩ cho học sinh bị phạt rằng các em cũng buồn cũng cảm thấy bị mất mát về vật chất. Tiền phạt của cá nhân trở thành khoản thanh toán liên hoan cho các bạn khác. Nếu chấp nhận việc nộp tiền khi học sinh vi phạm nội quy, thầy cô đã hình thành tư tưởng trong học sinh là tiền có thể khắc phục mọi sai lầm trong cuộc sống kể cả vi phạm pháp luật. Học sinh đã nộp tiền phạt, nghĩa là hoàn thành nghĩa vụ, thầy cô không thể có hình thức xử lý khác, miễn thông báo với phụ huynh nội dung vi phạm để phối hợp giáo dục các em.
2.
Phạt tiền không bao giờ là phương pháp có tính giáo dục cả. Có đồng nghiệp ở trường bạn né phạt tiền, chuyển sang hình thức phạt bằng hiện vật. Cứ một hành vi vi phạm nội quy như đồng phục chưa đúng, đi muộn, không thuộc bài… là phải nộp một quyển tập 100 trang hay một cây bút bi. Có tuần, số tập, viết thu được lên đến hàng mấy mươi. Buồn cười là có học sinh đã tự nguyện mang nộp trước nguyên một... lốc tập và viết vì em biết chắc mình khó tránh khỏi vi phạm và bị ghi tên vào sổ đầu bài.
Học sinh này chấp nhận nộp phạt suốt năm vì điều này “dễ thở” hơn nhiều so với việc bị thông báo sai phạm về với gia đình hay bị đánh giá lại hạnh kiểm. Đồng nghiệp này mang số hiện vật ấy tặng cho học sinh được khen thưởng hàng tháng với suy nghĩ việc xử lý khoản phạt như thế là công minh và sẽ giúp học sinh tiến bộ. Nhưng sau đó có học sinh thẳng thắn trình bày với cô rằng em sẽ không nhận phần thưởng từ khoản nộp phạt của bạn vì như thế là làm tổn thương tình bạn.
Nhiều em bị phạt có hoàn cảnh còn khó khăn nhưng phải tìm mọi cách chấp hành quy định của thầy cô, mối quan hệ trong lớp dần thay đổi theo chiều hướng xấu. Đồng nghiệp thấy ra và từ đó mới chấm dứt việc phạt bằng hiện vật như thế. Điều đáng nói, từ khi việc phạt bằng hiện vật được bãi bỏ, lớp của đồng nghiệp tiến bộ hẳn vì sự tự giác được nhân lên trong tất cả học sinh của lớp.
3.
Thay vì phạt tiền hay hiện vật, thầy cô có thể chuyển sang phạt bằng những hoạt động có tính công ích, như chăm sóc vườn trường; quét dọn sân trường, nhà thi đấu; kẻ, dán lại các khẩu hiệu trong lớp; sắp xếp sách trong thư viện... Giữa học sinh với nhau, thầy cô nên chăng xây dựng mối quan hệ thân ái, giúp nhau tiến bộ chứ không để xảy ra cảnh những bạn này đón chờ sai sót của những bạn kia để nhận tiền phạt. Liên hoan, khen thưởng dựa trên việc xã hội hóa hay tập thể đóng góp không thể sử dụng bằng tiền phạt của học sinh…
Việc thưởng, phạt phải căn cứ vào điều lệ nhà trường phổ thông do Bộ GD&ĐT ban hành. Mọi sự vận dụng khác phải thông qua ban đại diện cha mẹ học sinh đồng thời lắng nghe phản hồi từ các em.
Phạt là hình thức cuối cùng khi các em chưa cố gắng khắc phục lỗi lầm. Phạt học sinh bằng tiền là lỗi lầm lớn nhất của thầy cô trong thực hiện các phương pháp giáo dục.