Dạy học bằng tâm lý
Các thầy cô là idol (thần tượng) của học trò không hiếm. Một khi đã trở thành idol thì mọi hoạt động, lời nói bỗng trở nên giá trị hơn rất nhiều đối với các “fan”. Vậy nên, một trong những tuyệt chiêu là thầy cô hãy phấn đấu trở nên chuẩn mực trong mắt học trò.
Tôn trọng học sinh
Đây là nguyên tắc đầu tiên khi làm việc với học trò ở mọi lứa tuổi. Không chê bai, so sánh hay phán xét là điều các thầy cô nên tuân thủ. Khi được tôn trọng đúng mức, học sinh chắc chắn sẽ nuôi dưỡng được sự tự tin, tự tôn và biết tôn trọng người khác, trong đó có thầy cô.
Nếu cần phê phán điều gì, thầy cô nên nhắc chung chung, sau đó nói chuyện riêng với học sinh mắc lỗi.
Không gây áp lực
Không gây áp lực cho học sinh bằng các loại kỉ luật, điểm danh, hay kiểm tra miệng. Nếu cần kiểm tra thì sử dụng các chiêu trò để kiểm tra như chơi trò chơi học tập để ôn lại kiến thức hoặc làm bài kiểm tra ra giấy.
Để học sinh chịu khó học hỏi, đọc sách và tìm hiểu, giáo viên nên yêu cầu học sinh làm các bài tập dạng tổng kết như: xây dựng các dạng sơ đồ tư duy, sơ đồ cột tổng hợp kiến thức.
Hoặc làm các bài tập khám phá khác nhau như điều tra xã hội học để kiểm chứng các bài học vừa được học hôm trước.
Ví dụ: Phục vụ việc học bài phòng cháy khi ở nhà, giáo viên có thể giao nhiệm vụ cho học sinh về để ý xem quanh khu em ở có bao nhiêu bếp than tổ ong, bếp ga, bếp điện từ.
Liên tục thay đổi phương pháp
Giáo viên cần chuẩn bị nhiều các phương pháp học tập và các hình thức tổ chức dạy học khác nhau và thay đổi liên tục. Mỗi lần thay đổi phương pháp và hình thức, học sinh sẽ tăng hứng thú lên vì có sự đổi mới.
Một tiết học hấp dẫn kéo dài 45 phút cần độ 6 - 7 phương pháp khác nhau.
Liên tục chuẩn bị các câu chuyện cười để xua đi cảm giác buồn ngủ. Các câu chuyện cười càng sát với bài học càng tốt. Và hãy sử dụng khi không khí lớp trầm xuống.
Giao nhiệm vụ cho học sinh nhiều hơn để học sinh chủ động khám phá thì sẽ làm không khí lớp học luôn vui vẻ và sôi động.
Thường xuyên tổ chức thảo luận
Tổ chức các buổi thảo luận về phương pháp dạy học. Ví dụ: yêu cầu 1 học sinh trong lớp chuẩn bị bài để dạy cho cả lớp thay cô giáo trong 1 tiết. Yêu cầu cả lớp thảo luận xem các con thích học phần nào.
Tổ chức các buổi tọa đàm, lắng nghe khám phá của học sinh về bài học từ các nguồn tài liệu khác nhau, các quan điểm khác nhau. Nếu cho học sinh đọc các loại sách khác nhau cho cùng bài học và cho ý kiến, chắc chắn học sinh sẽ hứng thú học hơn.
Thầy cô phải chuẩn mực
Phong cách sống của thầy cô cũng ảnh hưởng rõ rệt đến tình cảm của học sinh. Thầy cô nghiêm túc hay không thì học sinh rất rõ.
Hãy luôn cố gắng để trở nên mẫu mực trong phong cách sống và trở thành tấm gương tốt cho học sinh noi theo. Bởi thầy cô chuẩn mực sẽ dễ dàng đưa ra các bài học đạo đức, nhân cách với học trò của mình.
Hãy teen một chút
Với kinh nghiệm của mình, TS. Vũ Thu Hương cho rằng, học sinh hay sinh viên đều rất thích thầy cô giáo sống "xì - tin" một chút. Luôn cập nhật xu thế và các vấn đề teen quan tâm là một trong những lợi thế lớn của thầy cô trong việc thu hút học sinh. Hiểu được sở thích, tâm lý lứa tuổi, chắc chắn sẽ giúp thầy cô rất nhiều trong việc chia sẻ tâm tư và truyền đạt kiến thức với các học trò.