Phạt thế nào là đúng và đủ với học sinh tiểu học?

GD&TĐ - Xung quanh việc một học sinh lớp 2 - Trường Tiểu học Nam Thành Công (Hà Nội) bị cô giáo chủ nhiệm phạt bằng hình thức cho nghỉ học do mắc lỗi nói chuyện riêng trong lớp mà không báo cho phụ huynh đã khiến nhiều bậc cha mẹ học sinh và dư luận khá lo ngại về ứng xử của giáo viên trong tình huống sư phạm này.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Với kinh nghiệm 30 năm vừa làm công tác giảng dạy và công tác quản lý, cô Hứa Thị Thu Huyền - Hiệu trưởng trường Tiểu học Giang Biên (quận Long Biên - Hà Nội) nêu quan điểm về chuyện thưởng, phạt sao cho vừa có tính răn đe, vừa tăng hiệu quả giáo dục đối với học sinh tiểu học.

Theo cô Huyền, trong giáo dục học sinh tiểu học, đòi hỏi giáo viên phải luôn kiên trì, "vừa dạy vừa dỗ" và tuân thủ quy tắc: không xúc phạm thân thể và xúc phạm lời nói đối với học sinh.

"Hiếu động là một đặc tính, thậm chí được coi là đặc tính cần thiết của một đứa trẻ. Và để kìm hãm hay uốn nắn các em phát triển đúng hướng thì "nói ngọt" vẫn là một phương pháp phát huy tác dụng rất tốt" - cô Thu Huyền chia sẻ.

Đánh giá thường xuyên về năng lực, phẩm chất:
a) Giáo viên căn cứ vào các biểu hiện về nhận thức, kĩ năng, thái độ của học sinh ở từng năng lực, phẩm chất để nhận xét, có biện pháp giúp đỡ kịp thời;
b) Học sinh được tự nhận xét và được tham gia nhận xét bạn, nhóm bạn về những biểu hiện của từng năng lực, phẩm chất để hoàn thiện bản thân;
c) Khuyến khích cha mẹ học sinh trao đổi, phối hợp với giáo viên động viên, giúp đỡ học sinh rèn luyện và phát triển năng lực, phẩm chất.
(Trích Điều 6. Đánh giá thường xuyên -  Thông tư 22/2016/TT-BGDĐT hướng dẫn về đánh giá học sinh tiểu học)


Cũng như sự hiếu động, mắc lỗi là điều khó tránh khỏi đối với học sinh tiểu học. Và những lỗi này không đánh giá "đạo đức" học sinh mà đó chỉ là những "hành vi" vô thức, mang tính nhất thời.

Khi học sinh mắc lỗi, bên cạnh nhắc nhở, uốn nắn, nhất thiết người giáo viên cần phải tìm hiểu rõ ràng căn nguyên của hành vi đó và đừng quên cho các em cơ hội giải thích, giãi bày suy nghĩ và lý giải cho hành động của mình. Trên cơ sở đó giáo viên tìm ra phương pháp phù hợp nhất để từng bước điều chỉnh hành vi của trẻ.

Thông thường giáo viên chủ nhiệm trực tiếp xử lý tình huống. Tuy nhiên, nếu thấy trường hợp học sinh quá đặc biệt và khó "điều trị" thì nên chia sẻ thêm với đồng nghiệp để tìm phương án xử lý tối ưu. “Bí” hơn nữa, các cô có thể tìm đến Ban giám hiệu để nhận lời khuyên.

Cô Thu Huyền cho biết: Trong quá trình dạy học, có những trường hợp cũng cần thiết có sự phối hợp của phụ huynh nhưng khi được giáo viên trao đổi tình hình, chính phụ huynh lại chủ động đề nghị "cô cứ phạt nghiêm để cháu mau tiến bộ" và vì vậy nhà trường – giáo viên và phụ huynh ngầm thống nhất với nhau về một hình thức giáo dục học sinh hợp lý nhất.

“Tuyệt đối không bao giờ phạt nghỉ học đối với học sinh tiểu học là nguyên tắc chúng tôi quán triệt với giáo viên. Một số "hình phạt" mang tính răn đe đối với học sinh vi phạm thường được áp dụng là: đứng tại chỗ 5 phút hoặc đứng cuối lớp nhưng vẫn đảm bảo học sinh có thể quan sát và nghe cô giáo giảng bài; yêu cầu viết bản kiểm điểm nhận lỗi với cô giáo. Bên cạnh đó, giáo viên có thể sử dụng thêm hình thức trao đổi với phụ huynh để phối hợp giáo dục, uốn nắn con.

Tuy nhiên, nếu lạm dụng các hình phạt có thể khiến học sinh trở nên trơ lỳ và mất dần hứng thú học tập. Các hình phạt được lặp lại nhiều lần sẽ khiến trẻ bỗng dưng bị gắn mác thương hiệu – “cá biệt” và giảm động lực học tập, rèn luyện kỷ luật. Vì vậy giáo viên cần linh hoạt, cân nhắc kỹ trước khi áp dụng một hình thức kỷ luật nào đó với những học sinh nhỏ tuổi của mình”. – Cô Thu Huyền nêu quan điểm.

ThS. Đinh Thị Thu Hoài - Giám đốc Trung tâm đào tạo Kỹ năng sống Insight nêu quan điểm: Tôi không đồng tình với cách giải quyết tình huống của cô giáo.

Thứ nhất, lỗi của em học sinh - theo như vị phụ huynh chia sẻ thì chưa đến mức phạt cho nghỉ học. Nếu sau nhắc nhở mà học sinh đó vẫn tái phạm thì cô giáo nên trao đổi với phụ huynh để cùng uốn nắn con. Nếu cần thiết, có thể có cuộc trao đổi giữa 3 bên: giáo viên - học sinh và phụ huynh để nêu trước hình thức phạt có thể được áp dụng nếu con tiếp tục mắc lỗi.

Thứ hai, nếu giáo viên đã không công bố "luật" trước thì nhất thiết phải thông báo ngay cho phụ huynh biết khi quyết định áp dụng hình thức phạt với con. Việc này không chỉ là để phối hợp giáo dục học sinh mà còn liên quan đến sự an toàn của học sinh vì nếu con đã đến trường nhưng lại không dám vào lớp thì không thể lường hết điều gì sẽ xảy ra?.


Thứ ba, đối với học sinh tiểu học nên tuyệt đối tránh việc bị “bêu dương” trước đám đông. Việc lạm dụng hình phạt của giáo viên có thể gây nên vết hằn và hệ lụy lớn về tâm lý đối với một nhân cách đang trong quá trình hình thành.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người dân bắt cá thòi lòi bằng xà di lưới.

Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

GD&TĐ - Nằm nơi vị trí địa đầu Tổ quốc, Cà Mau là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng và nhiều nghề độc, lạ.