Nên cân nhắc khi đưa ra mức kỷ luật
Mới đây, chị N.T. Th có con đang học tại Trường Tiểu học Nam Thành Công (Đống Đa, Hà Nội) đã chia sẻ câu chuyện con trai chị vì nói chuyện riêng mà bị cô giáo chủ nhiệm phạt đình chỉ học và không thông báo cho gia đình.
Bản thân chị N.T.Th cũng là một giáo viên, nên chị cũng đã bày tỏ quan điểm của mình: Con em có lỗi thì phải nghỉ học là đương nhiên, (nhưng lỗi phải ở mức độ như nào và phải có biên bản có ý kiến của Ban giám hiệu nhà trường và cô chủ nhiệm). Con em mới học lớp 2 và cô giáo cho con em nghỉ học nhưng lại chỉ nói với con em, yêu cầu con em về nói với bố mẹ, mà không 1 tin nhắn hay 1 cuộc gọi điện trao đổi với phụ huynh.
Vì vậy ngày hôm đó, chị N.T. Th vẫn đưa con đi học. Tuy nhiên khi đón con sau buổi học, chị thấy con mình khóc lóc và được các học sinh khác cho biết: “Vì hôm qua cô phạt bạn nghỉ học, nhưng bạn không nghỉ học nên hôm nay cô nói bạn trước lớp”. Ngay lập tức, chị N.T.Th đã gọi điện hơn 1 giờ trao đổi với cô giáo chủ nhiệm. Tuy nhiên cả hai vẫn chưa tìm được tiếng nói chung…
Chị Th cũng bày tỏ quan điểm: Ít nhất phải có sự trao đổi với phụ huynh, lần thứ 1, lần thứ 2, lần thứ 3 mà không có sự chuyển biến thì mới phạt con nghỉ học. Còn chưa nói tới việc, nếu có quyết định đình chỉ học thì phải có văn bản giữa giáo viên và nhà trường với phụ huynh về việc này, chứ đằng này con của em mới học lớp 2 và cô chỉ thông báo qua con của em…
Nhà trường đã trao đổi và rút kinh nghiệm với GV
Rõ ràng đối với học sinh mắc lỗi trong giờ học, giáo viên có quyền xử phạt. Tuy nhiên với từng trường hợp, giáo viên cần có những ứng xử hợp tình hợp lý và phải phù hợp với quy định chung của ngành Giáo dục và nhà trường.
Trong trường hợp này, học sinh mắc lỗi (mất trật tự trong lớp học), giáo viên đã yêu cầu học sinh viết bản kiểm điểm, thậm chí yêu cầu học sinh phải nghỉ học nhưng không có thông báo hay liên lạc trực tiếp tới phụ huynh.
Được biết, Trường Tiểu học Nam Thành Công đã có sổ liên lạc điện tử và bản thân gia đình học sinh cũng đã đăng ký sử dụng dịch vụ này từ đầu năm.
Nếu vì mục đích giáo dục nghiêm khắc với trẻ, thì giáo viên phải trao đổi trực tiếp sự việc và cách giải quyết của mình tới cha mẹ học sinh. Như vậy cách xử lý tình huống sư phạm của cô giáo chủ nhiệm chưa thật mềm dẻo và phù hợp đúng với quy định.
Trao đổi với bà Phan Kim Anh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nam Thành Công, chúng tôi được biết: Ngay khi có thông tin về sự việc này, Ban Giám hiệu nhà trường đã mời phụ huynh và giáo viên chủ nhiệm lớp của học sinh này đến gặp gỡ và rút kinh nghiệm.
Hiện giữa phụ huynh và giáo viên chủ nhiệm đã giải tỏa được những thắc mắc và hiểu lầm. Bản thân giáo viên cũng đã rút kinh nghiệm về cách xử trí của mình.
Được biết về phía gia đình, phụ huynh cũng không có ý định xin chuyển lớp cho con nữa. Chị N.T.Th cũng chia sẻ: Mong cô chủ nhiệm vẫn sát sao và nghiêm khắc với con tôi, sau sự việc này thì cô vẫn xử phạt con tôi như bình thường, nhưng chỉ là mong cô tìm ra cách xử phạt như nào để con tâm phục, con nhận ra khuyết điểm, con sửa sai chứ không phải để con sợ hãi, tự ti, xấu hổ với bạn bè mà chán trường chán lớp.