Áo xanh nơi tuyến đầu chống dịch
Đầu tháng 8/2020, trước tình hình dịch Covid – 19 trên địa bàn TP Đà Nẵng diễn biến phức tạp, trong đợt 1, đã có gần 400 SV tình nguyện trường ĐH Kỹ thuật Y – Dược Đà Nẵng được Sở Y tế tăng cường về các điểm nóng chống dịch của TP.
Những SV tình nguyện được tập huấn về những kỹ năng cần thiết để phục vụ công việc như công tác điều tra dịch tễ, truy vết người mắc Covid – 19, thực hiện biện pháp lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhận, nhập dữ liệu khai báo y tế của những người tiếp xúc gần với bệnh nhân…
Nhóm SV tình nguyện của Phan Trần Mỹ Duyên được phân công tăng cường cho trạm y tế Hòa Xuân đúng thời điểm trên địa bàn có ca nhiễm Covid - 19. Có những ngày như ngày 3/8, 5 thành viên trong nhóm của Duyên phải thực hiện điều tra dịch tễ gần 800 hộ gia đình. Mặc đồ bảo hộ y té trong thời tiết nắng nóng, đeo hai lớp khẩu trang và gang tay y tế, lại chủ yếu phải đi bộ, các bạn ai cũng mệt muốn xỉu vì mất nước.
“Chúng em phải đi từng ngõ, từng nhà trong tổ dân phố để nắm lịch trình di chuyển, tiếp xúc, từ đó truy vết các trường hợp có tiếp xúc gần với F0. Do thực hiện đảm bảo giãn cách 2 mét, lại đeo khẩu trang nên đến nhà nào chúng em cũng phải nói to. Cũng có nhà chủ nhà họ không hợp tác, mình không thuyết phục được thì phải nhờ đến tổ trưởng tổ dân phố hỗ trợ. Rồi phải có những câu hỏi khơi gợi vì không phải người nào cũng nhớ hết lịch trình của mình” - Mỹ Duyên cho biết.
Có những SV được phân công tham gia hỗ trợ tại các Trung tâm y tế quận, thực hiện công tác lấy mẫu dịch tể để xét nghiệm thì xác định ngay từ đầu sẽ cách ly cùng lực lượng y tế tại chỗ. Ngoài 2 đợt phát động tuyển tình nguyện viên cho 7 trung tâm y tế quận, huyện và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Đà Nẵng, Đoàn trường ĐH Kỹ thuật Y – Dược Đà Nẵng còn thành lập đội SV tình nguyện tham gia công tác hậu cần để hỗ trợ, xử lý các tình huống phân phối, tiếp nhận đồ bảo hộ, quà hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân và chuyển tới nơi cần thiết.
Trong số 35 tình nguyện viên tham gia Đội lực lượng phản ứng nhanh, túc trực tại các địa điểm tiếp nhận hàng hỗ trợ phòng, chống dịch của TP, ngoài SV, còn có những HS phổ thông cũng rất tích cực và trách nhiệm với công việc. Gia Huy (SN 2004, trú quận Cẩm Lệ) vừa học xong lớp 10, đều đặn hàng ngày đi hơn 10km từ nhà đến trụ sở UB Mặt trận TP để làm nhiệm vụ bốc, xếp hàng hóa. Hay như Phạm Tấn Hoàng (HS lớp 12, trú quận Thanh Khê), ở nhà chưa từng làm việc gì nặng nhọc nhưng không nề hà bất kỳ việc gì trong suốt thời gian tham gia Đội phản ứng nhanh.
Những dự án vì cộng đồng
Sản phẩm Robot “Biya” có khả năng trò chuyện, nhắc nhở mọi người bảo vệ môi trường và thu gom, phân loại rác vừa được trao giải Nhất tại cuộc thi Tìm kiếm Ý tưởng sáng tạo vì một đại dương không nhựa. Cuộc thi do UNESCO phát động. Đây là dự án của nhóm SV STORM đến từ các khoa khác nhau của trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) gồm Thanh Phú – lập trình AI, Viết Hưng – cơ khí, Thảo Nhi – dữ liệu, Hùng Thịnh – tự động hóa và Bảo Trân – quản lý dự án.
Với sứ mệnh truyền tải thông điệp làm thay đổi nhận thức của giới trẻ và cộng đồng, Robot “Biya” do nhóm STORM sáng chế có thể đến các trường học để truyền thông điệp, nâng cao ý thức cho các bạn nhỏ về bảo vệ môi trường, thiên nhiên qua việc bỏ rác đúng nơi quy định và phân loại rác thải. Với những bạn nhỏ có các hành động đẹp bảo vệ môi trường, Biya có những món quà nhỏ để khích lệ, động viên.
Ngoài trò chuyện, chào hỏi và nhắc nhở du khách khi đến với Khu du lịch Dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm (TP Hội An, Quảng Nam), Biya còn tự mình là phương tiện thu gom, phân loại rác thải. Robot Biya đáng yêu đã chuyển tải thông điệp bảo vệ môi trường của nhóm: Never say never – Không từ bỏ, chúng ta hãy cùng nhau xây dựng một thế hệ sống xanh”.
Nhóm SV Next – In của trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng đã chế tạo ra chiếc áo phao gọn nhẹ, có chức năng cứu hộ giúp ngư dân vượt qua nguy hiểm, tích hợp GPS có chức năng phục vụ, tìm kiếm người bị nạn khi cần thiết, có chỗ chứa các dụng cụ sử dụng để sinh tồn nếu chẳng may bị lạc sau tai nạn nhưng vẫn đảm bảo cho áo gọn nhẹ, dễ thao tác khi lao động trên biển. Bên trong áo khoác công nghệ sCoat của nhóm Next – In được trang bị phao nổi ở vùng cổ và cánh tay, tích hợp một hệ thống chứa khí nén CO2 vừa phải nằm gọn trong áo, khi cần thiết có thể ấn nút mở van cho khí làm phồng phao, đưa người nổi lên mặt nước.
Mong muốn ban đầu của nhóm, theo như Lê Nhã chia sẻ, là để giúp ngư dân đảm bảo an toàn khi mưu sinh trên biển, đồng thời dần dần thay đổi nhận thức của họ về bảo hộ lao động. Mỗi chiếc áo, theo như tính toán của nhóm, trị giá khoảng 450.000 khi đưa ra thị trường, là mức giá có thể chấp nhận được với thu nhập của ngư dân đi biển.