Tuy nhiên, để nhà truyền thống thực sự trở thành một điểm văn hóa bổ ích và địa chỉ giáo dục truyền thống thiết thực cho các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ cần có nhiều giải pháp.
Điểm sáng cần nhân rộng
Thời gian qua, việc xây dựng nhà lưu niệm, nhà truyền thống được các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục quan tâm đầu tư xây dựng. Gần đây, nhiều địa phương đã đầu tư xây dựng nhà truyền thống và đi vào hoạt động một cách hiệu quả.
Điển hình như nhà truyền thống huyện Quảng Xương (Thanh Hóa), mặc dù mới đi vào hoạt động nhưng thu hút được rất đông lượt người đến tham quan. Nơi đây đã trở thành chương trình học ngoại khóa của các trường học, qua đó sẽ bổ sung cho các em rất nhiều kiến thức về lịch sử - văn hóa của quê hương.
Em Nguyễn Đức Anh Minh (sinh viên Trường ĐH Ngoại thương) cho biết: “Mỗi dịp nghỉ hè em và các bạn rất hay đến tham quan nhà truyền thống của huyện. Đến đây được nghe nhân viên thuyết minh về hiện vật trưng bày đã giúp em có thêm nhiều kiến thức về lịch sử dân tộc, đời sống xã hội, truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng của đất và người Quảng Xương, thấy tự hào hơn về quê hương mình”.
Cô giáo Lê Thị Thúy, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Quảng Hùng (Quảng Xương, Thanh Hóa) cho biết: “Thực hiện kế hoạch tham quan triển lãm của UBND huyện, Ban giám hiệu nhà trường đã xây dựng kế hoạch, phân công giáo viên quản lý, hướng dẫn học sinh tham quan triển lãm.
Bên cạnh đó, vào đầu tuần mỗi tháng, nhà trường tổ chức cho học sinh tham quan nhà truyền thống huyện. Việc tham quan, học tập tại các nhà truyền thống đã và đang góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, thân thiện, phù hợp với điều kiện của địa phương. Nhờ đó đã phát huy tính chủ động, sáng tạo và tích cực học tập của lớp trẻ, đẩy mạnh việc vui chơi và giao lưu văn hóa cho các em, giúp các em hiểu thêm về lịch sử và truyền thống quê hương mình”.
Sáng tạo để tăng sức hấp dẫn
Mặc dù thấy rõ giá trị to lớn của nhà truyền thống trong việc tuyên truyền giáo dục, đặc biệt là thế hệ trẻ, thế nhưng do điều kiện kinh phí hạn hẹp nên nhiều địa phương chưa xây dựng được nhà truyền thống theo đúng nghĩa. Nhiều nhà truyền thống gặp phải tình cảnh thiếu hiện vật trưng bày mặc dù diện tích, không gian rất rộng.
Bên cạnh đó là phương thức tuyên truyền chưa khoa học, nhiều nơi chưa có cán bộ chuyên trách hướng dẫn khách tham quan. Đội ngũ những người làm công tác thuyết minh chưa được đào tạo bài bản, nên việc thu hút người đến xem vẫn còn hạn chế.
Để thiết chế văn hóa này tiếp tục phát huy vai trò, ưu thế trong đời sống, ngoài việc đổi mới nội dung, hình thức trưng bày, các cơ quan chức năng của huyện cần tìm tòi, sáng tạo những biện pháp nhằm tăng tính hấp dẫn của hoạt động nhà truyền thống như: Kết hợp nghiên cứu, tìm hiểu, học tập tại nhà truyền thống với việc tham quan các di tích lịch sử - văn hóa, di tích cách mạng của địa phương.
Bên cạnh đó cần đa dạng các hoạt động giáo dục truyền thống bằng nhiều hình thức, nói chuyện truyền thống, thi đọc sách, tìm hiểu lịch sử quê hương; tổ chức sinh hoạt CLB, hội thảo về chủ đề truyền thống;
Cần phải thường xuyên bổ sung hiện vật trưng bày tại nhà truyền thống ngày càng hoàn thiện và phong phú, thực sự trở thành một điểm văn hóa bổ ích và địa chỉ giáo dục truyền thống thiết thực cho các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Bên cạnh đó cần tăng cường công tác tuyên truyền sâu rộng gắn với xã hội hóa. Phối hợp với các ngành, các cấp để tổ chức tham quan, cung cấp những thông tin đến mọi người con của địa phương trong nước có điều kiện hỗ trợ, hiến tặng...
Cùng với các biện pháp trên thì việc đào tạo nguồn nhân lực cho đội ngũ thuyết minh viên tại các nhà truyền thống này cũng là một trong những yếu tố vô cùng quan trọng. Họ sẽ là người trực tiếp truyền cảm hứng và có những kiến thức sâu, câu trả lời chính xác, kịp thời cho mọi người, đặc biệt là lớp trẻ hiểu hơn kiến thức về lịch sử - văn hóa và truyền thống của quê hương, để họ biết trân trọng và gìn giữ.