Đột quỵ là bệnh lý mạch máu não cấp tính có đặc điểm là tỷ lệ mắc bệnh cao, tàn tật cao và tử vong cao. Theo các cuộc điều tra dịch tễ học, tình trạng đột quỵ đang ngày càng trẻ hóa.
Thói quen xấu và di truyền
Xuất huyết do mạch máu vỡ được gọi là “đột quỵ xuất huyết”, còn được gọi là “xuất huyết não”. Theo số liệu thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ và trung niên dưới 45 tuổi đang gia tăng theo từng năm.
Theo các chuyên gia, thức khuya trong thời gian dài, chế độ ăn nhiều chất béo, nhiều muối, nhiều dầu mỡ và nghiện rượu là những nguyên nhân chính làm tăng nguy cơ đột quỵ ở người trẻ.
Ngoài thói quen sinh hoạt xấu, các bác sĩ cho biết tiền sử gia đình mắc bệnh tim mạch và mạch máu não sớm, phình tách động mạch chủ, lỗ thông bầu dục và các nguyên nhân khác cũng có thể dẫn đến đột quỵ.
Lỗ bầu dục là lối đi bình thường giữa tâm nhĩ trái và tâm nhĩ phải của tim trong quá trình phát triển của thai nhi và sẽ tự động đóng lại ở hầu hết mọi người sau khi sinh. Nếu lỗ này không đóng lại sau 3 tuổi thì được gọi là lỗ bầu dục mở.
Theo thống kê, hầu hết người lớn bị lỗ bầu dục thông thường đều không có triệu chứng trong suốt cuộc đời. Trong một số trường hợp hiếm gặp, lỗ bầu dục còn hở có thể dẫn đến các bệnh như đột quỵ.
Các bác sĩ nhấn mạnh rằng bất kể nguyên nhân gây đột quỵ là gì, bạn nên gọi cấp cứu càng sớm càng tốt sau khi bệnh khởi phát và cố gắng được điều trị trong vòng 4,5 giờ kể từ khi phát bệnh. Lý do là bởi 2 triệu tế bào não chết sau mỗi phút chậm trễ.
Vấn đề là nhiều người trẻ hiện nay vẫn chưa nắm được những dấu hiệu của đột quỵ và cách ngăn ngừa thảm họa này.
Phát hiện sớm các dấu hiệu

Thống kê cho thấy đột quỵ là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và tàn tật ở người dân châu Á. Ủy ban Y tế tại một số quốc gia đã tập hợp các chuyên gia biên soạn “120 công thức” có thể chẩn đoán nhanh tình trạng đột quỵ cấp tính.
Nếu bạn nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào sau đây, hãy gọi dịch vụ cấp cứu và tìm kiếm sự chăm sóc y tế ngay lập tức:
Phát hiện khuôn mặt không cân xứng
Kiểm tra xem khuôn mặt bệnh nhân có mất cân xứng không, chẳng hạn như khóe miệng lệch.
Kiểm tra xem cả hai tay có yếu một bên không
Yêu cầu bệnh nhân giơ cả hai tay theo chiều ngang và quan sát xem một bên tay có yếu hoặc không thể giơ lên không.
Khả năng nói bị thay đổi
Chú ý xem lời nói của bệnh nhân có bị líu lưỡi hay mất ngôn ngữ không.
Ngoài những phát hiện kể trên, giới chuyên gia còn chia sẻ công thức BEFAST được sử dụng rộng rãi trên thế giới. Công thức này cũng có thể giúp chúng ta nhanh chóng xác định tình trạng đột quỵ.
B - Cân bằng: Chỉ tình trạng mất hoặc giảm khả năng cân bằng hoặc phối hợp, và đột nhiên gặp khó khăn khi đi lại.
E - Mắt: Chỉ những thay đổi đột ngột về thị lực, khó nhìn hoặc nhân đôi hình ảnh nhìn thấy.
F - Khuôn mặt: Chỉ tình trạng khuôn mặt đột nhiên mất cân xứng và khóe miệng lệch.
A - Cánh tay: Đột ngột yếu hoặc tê ở cánh tay, thường ở một bên cơ thể.
S - Nói: Chỉ việc nói không rõ ràng, không có khả năng diễn đạt hoặc không thể hiểu những gì người khác đang nói.
T - Thời gian: Nếu xuất hiện các triệu chứng trên, đừng chần chừ, hãy gọi ngay đến dịch vụ cấp cứu để được hỗ trợ y tế.
Các chuyên gia cho rằng việc phòng ngừa đột quỵ đòi hỏi một cách tiếp cận đa hướng: cải thiện lối sống, kiểm soát lượng thực phẩm nhiều muối, nhiều chất béo và nhiều đường nạp vào cơ thể, ăn nhiều rau, trái cây và ngũ cốc nguyên hạt, tập thể dục nhịp điệu cường độ vừa phải ít nhất 150 phút mỗi tuần, bỏ thuốc lá và hạn chế rượu bia.
Ngoài ra, bạn cũng nên khám sức khỏe định kỳ để phát hiện và can thiệp sớm các bệnh tiềm ẩn, chẳng hạn như tăng huyết áp. Duy trì lối sống lành mạnh và kiểm soát các yếu tố nguy cơ là chìa khóa. Thực hiện tốt hai điều này có thể giảm đáng kể nguy cơ đột quỵ.